Phát huy vai trò tự quản
“Hồi xưa, con rạch Chín Xiểng này rác rến dữ lắm, muỗi mòng đầy, cây cối um tùm. Nhà cô ngay sát rạch, chịu không thấu mùi hôi. Giờ đỡ dữ lắm. Tháng nào cũng thấy ban điều hành khu phố, đoàn thanh niên với bên hội cựu chiến binh cùng bà con quanh đây xuống vớt rác 2-3 lần. Không có ai ép ai phải đi dọn rác cả, là tự bà con thấy đúng, cũng là làm sạch nơi mình sống nên chạy ra dọn dẹp cùng…”, cô Nguyễn Thị Thúy Lan (ngụ 80/65A đường Dương Quảng Hàm, phường 5, quận Gò Vấp) chỉ ra con rạch sau nhà, kể. Dọn rác xong, người dân địa phương treo ngay bảng yêu cầu người đi đường không vứt ly uống nước, hộp xốp, khẩu trang… dọc con đường mé rạch.
“Trong các quy định ở tổ dân phố cũng nói rất rõ giờ giấc để rác, cách để rác sao cho không làm mất mỹ quan khu phố, rồi các quy định về vật nuôi không được phóng uế bừa bãi. Ai vi phạm nhắc ngay. Quy định đúng quá rồi nên cứ thế bà con làm theo thôi. Như đợt phải giãn cách vì ảnh hưởng dịch Covid-19, trên phường, khu phố yêu cầu không tập trung đông người, không tập trung ăn nhậu, ai cũng ý thức tuân thủ”, cô Lan nói thêm.
Cô Lại Thị Bích Ngọc (Tổ trưởng tổ dân phố 87, khu phố 13, phường 5, quận Gò Vấp) cho biết, quy ước ở khu phố được đặt ra hiện nay sát với thực tế địa bàn khu dân cư. “Quy ước đặt ra để giữ gìn, phát huy thuần phong mỹ tục, chuẩn mực đạo đức, những tập quán tốt đẹp, rồi còn xây dựng đời sống văn hóa, phát huy tình làng nghĩa xóm. Ở tổ dân phố 87, bà con theo đó mà ứng xử.
Đặc biệt, việc thực hiện các quy định về vệ sinh môi trường, đổ rác và chất thải đúng giờ, đúng nơi quy định; không xả rác nơi công cộng; không thả rông vật nuôi, để vật nuôi phóng uế bừa bãi… được nhắc nhở thường xuyên. Quy ước đặt ra tùy thuộc rất nhiều vào ý thức người dân”, cô Ngọc cho biết.
Quy ước ở các tổ dân phố, khu phố, người ta nói gần gũi hơn là nội quy. Đó như là nội quy chung, rồi tùy theo đặc thù từng địa bàn mà có những điều quy định cụ thể, nhằm phát huy vai trò tự quản cộng đồng. Đó là các quy định về lấn chiếm lề đường, an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy, tình làng nghĩa xóm, chấp hành các phong trào địa phương…
“Càng thực tế, gần gũi người dân mới dễ áp dụng. Nói xa xôi người ta không quan tâm đâu, cái gì gần gũi, có liên quan, bà con mình mới để ý, dễ nghe, dễ thấm”, cô Lê Thị Phương Dung (Trưởng khu phố 2, phường 4 quận 4) khẳng định như vậy khi đưa chúng tôi xuống thăm khu phố mình.
Cô Dung cho biết, ở khu phố 2 chỉ đặt ra một số quy ước chính về xây dựng tình làng nghĩa xóm, giữ gìn vệ sinh môi trường, an ninh trật tự… “Trước cửa mỗi nhà, đậu 1 hàng xe thôi, không được lấn chiếm ra ngoài tràn lan. Về hát karaoke, quy ước nói rõ, tổ dân phố cũng nhắc thẳng nên giờ đâu có ai dám làm gì quá đáng. Mở nhạc hát trong đám cưới, đám ma chút xíu thì còn chấp nhận được, chứ mà đem bàn ghế ra hát lê la không được. Ý thức thay đổi dần, bởi nhiều người nghĩ, mình đường đường vầy mà cứ để nhắc hoài, mắc cỡ chứ, mặt mũi nào ngó ai…”, cô Dung kể.
Gắn kết tình làng nghĩa xóm
“Cô Dung ơi, anh D. mất rồi. Cô xem tình hình rồi xin cho cái hòm chứ nhà ảnh nghèo quá….”. Nghe bà con trong tổ dân phố báo vậy, cô Phương Dung lật đật đi xin hòm, thuê dù bạt, làm giấy khai tử, còn bà con xóm giềng thì tới phụ lo đám tang. “Bà con chòm xóm lo cho cậu D. dữ lắm. Cậu D. đi bộ đội về đây thuê nhà. Không vợ con, không tiền, chỉ còn 1 người cha già, tới lúc bệnh mất, cậu vẫn được bà con xung quanh lo hết đám tang. Sau đám tang, mọi người còn để dành tiền lo cho cha cậu ấy”, cô Dung kể.
Ở khu phố 2, phường 4 quận 4, tình nghĩa xóm giềng không chỉ trong 1 câu chuyện của anh D., mà gần như nhà ai trong khu phố có người mất bà con cũng xúm vào lo liệu, đặc biệt với những gia đình quá khó khăn. Như bữa ông Tư, ông Hường, cô Nữ đột quỵ mất thì cô Hương, cô Nga, cô Tâm, cô Phượng, cô Loan, cô Thủy… cùng chung tay thay phiên nấu nướng, rót trà trong đám tang.
Cô Phan Thanh Hương (64 tuổi, ở số nhà 21A, đường 23, khu phố 2) bày tỏ: “Ở đây vậy đó, nhà nào có hữu sự là giúp nhau liền, không riêng gì cá nhân cô. Việc nhà tự mình sắp xếp xong rồi qua phụ, người này mệt thì có người khác thay. Mọi người sống chan hòa, đoàn kết, tình cảm lắm!”. Cô Nguyễn Thị Hoàng (số nhà 183F/1/24 Tôn Thất Thuyết, tổ 26, khu phố 4, phường 4 quận 4) cũng chia sẻ: “Bà con mình luôn sẵn sàng giúp đỡ, cưu mang những hộ nghèo hơn. Tình làng nghĩa xóm đi ra đi vô có nhau, ới cái có mặt”.
Quy ước có những điểm nhấn chung, trong quy ước luôn nói đến tình làng nghĩa xóm. Và ở đời thực thì cụ thể hơn rất nhiều, tự bản thân bà con ý thức, biết xắn tay áo giúp nhau. Có những điều dù không ghi quá rõ ràng trong quy ước, nhưng từ gợi mở, khi có sự việc cụ thể, mọi người lại cùng giúp đỡ nhau không nề hà.
“Người Việt mình mà, sống với nhau là cái nghĩa, cái tình, sự nhân văn. Như vừa rồi, dịch Covid-19 và bão lũ miền Trung, mặc dù còn khó khăn, nhưng ai cũng sẵn sàng chung tay lo cho bà con. Ở khu phố này, dù quy ước ghi đơn giản rằng “tương trợ, giúp đỡ mọi người trong cộng đồng khi khó khăn, hoạn nạn” thì thực tế các cô, các dì đã may khẩu trang đem cho, phát thức ăn hàng ngày 3 bữa cho người nghèo, người bán vé số lúc giãn cách vì dịch và góp tiền gửi ra miền Trung…”, cô Phương Dung kể.
“Tôi mong các quy ước, hương ước đặt ra phải được sự đồng thuận cao từ người dân. Đã là quy ước, hương ước thì phải thực tế, sát sao, gắn với đời sống bà con. Không cần gạch quá nhiều đầu dòng các quy định, quy ước, mà nhiều khi chỉ cần vài ba quy ước đúng, thiết thực, gần gũi đã đủ đi vào đời sống rồi”, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TPHCM Phạm Đức Hải phát biểu tại một buổi giám sát thực hiện chủ đề năm 2020 “Năm đẩy mạnh hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị”. |