Như vậy, TPHCM đang đứng trước vận hội ra đời của một định chế tài chính trung tâm có sức quy tụ, kết nối, lan tỏa sâu rộng. Với Trung tâm Tài chính quốc tế toàn diện này, sức mạnh tài chính của TPHCM được “quy nạp” từ hệ thống ngân hàng đa dạng, hiện đại cùng với thị trường tài chính có đủ năng lực thu hút nguồn vốn ngắn hạn lẫn dài hạn để từ đó “diễn dịch” vào trong đời sống sản xuất, tiêu dùng xã hội.
Ở thời điểm trải qua gần 40 năm Đổi mới, chúng tôi còn nhớ rất rõ, từ TPHCM, lần đầu tiên một ngân hàng thương mại cổ phần ra đời (Ngân hàng Công thương TPHCM, sau đổi thành Sài Gòn Công thương Ngân hàng); lần đầu tiên, một ngân hàng liên doanh ra đời là Ngân hàng IndoVina Bank; rồi ngân hàng nước ngoài đầu tiên (Ngân hàng Pháp Banque Indosuez) ra đời. Và, cũng từ TPHCM, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) đã chính thức xuất hiện.
Đó là chưa nói, từ năm 1991, khi cơn sốt ngoại tệ tưởng như phá vỡ hệ thống tiền tệ Việt Nam thì Trung tâm Giao dịch ngoại tệ được thí điểm tại TPHCM, xác lập ổn định tỷ giá, ổn định giá trị đồng bạc Việt Nam theo quy luật cung cầu ngoại tệ của thị trường.
Những dấu ấn ấy cần được lưu giữ và tiếp nối. Sự ổn định, đa dạng, có bề dày lịch sử của một hệ thống ngân hàng (và những thành tố định hình nên nó, giữ vững nó đi kèm) là điều kiện cần cho một trung tâm tài chính hoạt động, từ tiểu vùng ra khu vực và quốc tế. Sau 2 cơn địa chấn từ SCB và Đông Á, những lùm xùm mới đây ở Eximbank là điều không nên xảy ra. Nếu Eximbank dời trụ sở ra khỏi TPHCM - nơi mà lượng tiền gửi chiếm đến 65%, đó sẽ là điều không bình thường, ảnh hưởng đến tình hình hoạt động Ngân hàng Nhà nước nói chung.
Điều cần nhớ, hoạt động của ngân hàng không đơn thuần như một doanh nghiệp, vai trò của cổ đông lớn, hội đồng quản trị không chỉ là chủ sở hữu một số lượng vốn, mà quan trọng hơn nữa là cùng với số vốn phổ thông còn lại là của người dân do tin cậy gửi vào; hội đồng quản trị, các ban lãnh đạo và chuyên môn của ngân hàng bằng năng lực, uy tín, trách nhiệm phải vận hành dòng tiền vào trong các chức năng thanh toán, tín dụng, thu hút và khuyến khích tiết kiệm, hỗ trợ đầu tư để tạo động lực tăng trưởng kinh tế.
Những dấu chứng gần đây về việc rút một lượng tiền lớn cho vay không rõ mục đích, đối tượng trong một thời gian ngắn cũng là điều cần báo động đỏ. Cùng với đó là vấn đề giải quyết điều kiện việc làm, đi lại của gần 2.000 nhân viên Eximbank khi hội sở của ngân hàng này dời ra khỏi TPHCM cũng là điều đáng nói.
Vì vậy, rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ của Ngân hàng Nhà nước, chính quyền TPHCM để trước mắt bảo vệ niềm tin của người gửi tiền, góp phần bảo vệ tính ổn định, minh bạch của hệ thống ngân hàng quốc gia. Về lâu dài, là vì một tài sản của thành phố, là một định chế tài chính thành phần quan trọng của di sản tương lai - Trung tâm Tài chính quốc tế toàn diện.
Một điều rất đáng lưu ý, chủ trương của Bộ Chính trị đã nêu rõ trong đề án Trung tâm Tài chính quốc tế là các cơ quan phải xác định quyết tâm chính trị cao trong tổ chức thực hiện, xem “đây không phải chỉ là việc riêng của TPHCM và TP Đà Nẵng, mà là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị cùng tham gia thực hiện”.