Sáng 18-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng.
Trình bày Tờ trình của Chính phủ tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, mục đích của việc sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng năm 2014 là tiếp tục thể chế hóa Nghị quyết của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng, đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu tạo điều kiện thuận lợi, minh bạch, bình đẳng cho người dân và doanh nghiệp; khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn công tác đầu tư xây dựng; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Qua thẩm tra Tờ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho biết, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cơ bản tán thành với các nội dung sửa đổi, bổ sung; tên gọi của dự thảo Luật như Tờ trình của Chính phủ; theo đó trước mắt chỉ sửa đổi, bổ sung những nội dung Luật thực sự cấp bách, cần thiết, đã được tổng kết, đánh giá và có sự đồng thuận cao.
Có quan điểm khác, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị sửa đổi toàn diện Luật Xây dựng để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc hiện nay như ý kiến kiến nghị của một số bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp.
“Luật sửa đổi lần này có chấm dứt được tình trạng sai phạm trong các công trình xây dựng không, khi mà tình trạng cơi nới các nhà chung cư, các nhà siêu mỏng xuất hiện ngày càng nhiều”, ông Nguyễn Hạnh Phúc đặt vấn đề.
Nhận định rằng những vướng mắc hiện nay là xuất phát thực tiễn thực hiện quản lý xây dựng, Trưởng Ban Công tác đại biểu Trần Văn Tuý đề nghị việc sửa luật phải đảm bảo ai cũng phải thực hiện nghiêm túc về trật tự xây dựng và công tác quản lý, làm sai là phải chịu chế tài nghiêm khắc.
“Ngay như phòng cháy chữa cháy, đi giám sát đến đâu cũng thấy lo ngại, giờ bước vào chung cư cao tầng thấy sợ. Việc xử lý hoàn toàn trong tầm tay, có nhiều cơ quan nhưng thực tế đã cháy là rất khó chữa”, ông nói.
Tỏ ra băn khoăn khi báo cáo tổng kết sau hơn 4 năm thực hiện luật hiện hành đánh giá “tình hình vi phạm trật tự xây dựng có xu hướng giảm qua các năm”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga thẳng thắn phát biểu: “Đổ đống cát, đống gạch trước cửa nhà là có người đến ngay nhưng những công trình lớn vi phạm thì cơ quan quản lý nhà nước ở đâu, những người có thẩm quyền ở đâu? Thẩm quyền có, nhưng trách nhiệm bây giờ như thế nào? Chúng tôi đề nghị làm rõ trong báo cáo tổng kết về công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và trách nhiệm của các chủ thể, trong đó có trách nhiệm của chính quyền địa phương”.
Bà Lê Thị Nga cũng yêu cầu Bộ Xây dựng phải chấn chỉnh lực lượng thanh tra chuyên ngành sau những sự việc lùm xùm thời gian qua. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng đặt vấn đề công trình đầu tư công thường làm lâu nhưng xuống cấp nhanh. Vậy lỗi gì trong luật này dẫn đến tình trạng đó? Lâu nay có khái niệm “rút ruột công trình” thì quy trình hoạt động xây dựng như thế nào dẫn đến thực trạng này; thực tiễn việc tháo dỡ công trình số 8 Lê Trực đặt ra vấn đề gì?…
Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải nói, bà rất chia sẻ với bức xúc của người dân gặp khó khăn trong xin phép xây dựng, nhưng lại có công trình vi phạm ngang nhiên tồn tại.
“Luật này phải đưa ra nguyên tắc phạt phải xử lý, bởi phạt cho tồn tại là mất tính răn đe, dẫn đến tình trạng cứ có tiền nộp phạt là được tồn tại”.
Trưởng Ban Dân nguyện cũng cho biết người dân rất lo lắng về nhà máy, cơ sở sản xuất tồn tại xen kẽ trong khu dân cư, tiềm ẩn rủi ro ảnh hưởng tới sức khoẻ cộng đồng, không chỉ như vụ cháy Công ty Rạng Đông mà còn nhiều cơ sở khác như cơ sở sang chiết gas, kinh doanh vật liệu dễ gây cháy, nổ...
Điều hành phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Chính phủ cân nhắc và đưa ra quyết định xem sửa đổi bổ sung một số điều hay sửa đổi toàn bộ dự án luật. Chính phủ cũng cần rà soát lại các nội dung sửa đổi để đảm bảo tính thống nhất, tránh chồng chéo trong hệ thống pháp luật.