UBND TPHCM vừa ban hành quy định mới về cấp phép xây dựng và quản lý xây dựng (kèm theo Quyết định 04/2006/QĐ - UBND, có hiệu lực từ ngày 27-1-2006). Quy trình này thay thế Quyết định 217 của UBND TPHCMõ ban hành năm 2004.
- Được xây dựng tạm 2 tầng trong khu quy hoạch chưa bị thu hồi đất
Theo quy trình mới, trừ một số công trình đặc biệt, trước khi khởi công xây dựng công trình, chủ đầu tư phải có giấy phép xây dựng. Riêng nhà ở tại vùng sâu, vùng xa không thuộc đô thị và điểm dân cư nông thôn chưa có quy hoạch xây dựng được duyệt thì người dân được phép xây dựng tối đa 2 tầng, tổng diện tích sàn không quá 200m2 mà không phải xin cấp phép xây dựng.
Đối với các khu vực đã công bố quy hoạch 1/2000 hoặc 1/500 nhưng chưa có quyết định thu hồi đất thì người dân vẫn có thể xin phép xây dựng tạm. Công trình xây dựng tạm dạng bán kiên cố, tối đa 2 tầng. UBND quận, huyện có thẩm quyền cấp phép xây dựng tạm (trước đây là UBND phường, xã). Giấy phép xây dựng tạm ghi rõ thời gian có hiệu lực của giấy phép (nếu đã xác định chính xác thời điểm thực hiện quy hoạch).
Trường hợp chưa xác định được thời điểm thực hiện quy hoạch thì thời gian có hiệu lực của giấy phép xây dựng tạm là đến khi có quyết định thu hồi đất. Hết thời hạn có hiệu lực của giấy phép, nếu nhà nước giải phóng mặt bằng thì chủ đầu tư phải tự tháo dỡ và được bồi thường hay hỗ trợ phần kiến trúc xây dựng.
Đối với khu vực quy hoạch đã có quyết định thu hồi đất của cơ quan có thẩm quyền thì không được xây dựng mới, làm thay đổi quy mô, kết cấu công trình và diện tích sử dụng, chỉ được sửa chữa nhỏ.
- Được tự thiết kế nhà ở dưới 3 tầng
Hồ sơ xin phép xây dựng gồm bản sao giấy tờ sở hữu về nhà đất, đơn xin cấp phép, bản vẽ thiết kế xây dựng công trình. Bản vẽ phải xác định rõ vị trí xây dựng, lộ giới, ranh giới thửa đất, tuổi thọ công trình và phải do tổ chức hoặc cá nhân có đăng ký hoạt động, đủ năng lực hành nghề xây dựng thực hiện. Riêng đối với nhà ở riêng lẻ dưới ba tầng, tổng diện tích sàn xây dựng nhỏ hơn 250m2 thì cá nhân, hộ gia đình có thể tự thiết kế nhưng phải phù hợp với quy hoạch.
Cơ quan cấp phép xây dựng không được chỉ định tổ chức, cá nhân thiết kế hoặc lập các đơn vị thiết kế trực thuộc để thực hiện thiết kế cho người xin cấp phép xây dựng.
- Thẩm quyền cấp phép xây dựng
Đối với những công trình xây dựng cấp đặc biệt, cấp 1, công trình tôn giáo, di tích lịch sử, miếu đình, tượng đài, quảng cáo, tranh hoành tráng, công trình trên các tuyến hoặc các trục đường chính do UBND TPHCM quy định thì sẽ do Sở Xây dựng TPHCM cấp phép. UBND quận, huyện cấp phép xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ của người dân và các công trình xây dựng khác.
UBND xã cấp phép xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ ở điểm khu dân cư nông thôn đã có quy hoạch xây dựng thuộc địa giới hành chính xã. Trong thời hạn tối đa hai ngày làm việc, UBND phường, xã phải xác nhận về tranh chấp, khiếu nại khi người dân có đơn xin cấp phép.
Ban quản lý đầu tư và xây dựng các khu đô thị mới, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao được cấp phép xây dựng các công trình trên địa bàn quản lý.
- Cấp phép xây dựng không quá 15-20 ngày
Theo quy trình cấp phép mới, thời gian cấp phép xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ không quá 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Đối với các công trình còn lại cũng không quá 20 ngày. UBND TPHCM khuyến khích các cơ quan cấp phép rút ngắn thời hạn cấp phép theo quy định trên. Quá thời hạn quy định mà cơ quan cấp phép không có ý kiến trả lời bằng văn bản thì chủ đầu tư có quyền khởi công công trình.
Trong thời hạn 12 tháng mà công trình vẫn chưa khởi công, chủ đầu tư phải xin gia hạn giấy phép xây dựng và được gia hạn giấy phép xây dựng nhiều lần, mỗi lần là 12 tháng. Ngoại trừ khi quy hoạch hoặc quy định khác có thay đổi không phù hợp với nội dung giấy phép.
- Tổ chức nghiệm thu hoàn thành công trình
Điều kiện để nhà thầu hoạt động thi công xây dựng là phải có đăng ký hoạt động, có đủ năng lực, thiết bị thi công đáp ứng yêu cầu về an toàn chất lượng công trình. Cá nhân tự tổ chức xây dựng nhà ở riêng lẻ có tổng diện tích xây dựng sàn nhỏ hơn 250m2 hoặc dưới 3 tầng thì phải có năng lực hành nghề thi công xây dựng.
Các công trình đã được cấp phép sau khi hoàn thành phải được chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng và nhà tư vấn thiết kế tổ chức nghiệm thu và lập biên bản nghiệm thu hoàn thành công trình. Trong thời hạn 12 tháng sau khi hoàn thành, chủ đầu tư phải lập thủ tục để đăng ký quyền sở hữu.