Quy trình ALICE

Những ngày qua, hưởng ứng chiến dịch ENOUGH (Thế là quá đủ), học sinh của hơn 3.000 trường học trên khắp nước Mỹ đã xuống đường tuần hành phản đối bạo lực súng đạn. 
Học sinh Mỹ xuống đường tuần hành. Ảnh: Getty
Học sinh Mỹ xuống đường tuần hành. Ảnh: Getty

Theo kế hoạch, một cuộc biểu tình quy mô toàn quốc mang tên March For Our Lives (Tuần hành vì sinh mạng của chúng ta) sẽ được tổ chức vào ngày 24-3 tới, đúng một tháng sau vụ nổ súng đẫm máu tại trường trung học ở Parkland, bang Florida, hồi tháng trước khiến 17 người thiệt mạng.  Tại trường nội trú của tôi, Trường  Phillips Exeter, ở tiểu bang New Hampshire, nhiều học sinh và giáo viên cũng đã lên kế hoạch tham gia tuần hành tại địa phương hoặc ngay thủ đô Washington D.C vào ngày 24-3 và 20-4 sắp tới, nhằm yêu cầu Quốc hội Mỹ thắt chặt luật sở hữu súng đạn. 

Vụ xả súng này đã thổi bùng lên làn sóng phẫn nộ trong dư luận nước Mỹ. Ngày 14-3, với 407 phiếu thuận và 10 phiếu chống, Hạ viện Mỹ đã thông qua một dự luật nhằm đảm bảo an toàn trường học. Đây là hành động đầu tiên của Quốc hội Mỹ kể từ khi xảy ra vụ xả súng. Dự luật này cho phép tài trợ 500 triệu USD trong 10 năm để cải thiện việc đào tạo và phối hợp giữa các trường học với cơ quan thực thi pháp luật địa phương, giúp xác định các dấu hiệu của bạo lực tiềm ẩn. 

Như một hồi chuông cảnh tỉnh, vụ thảm sát tại Florida khiến hàng loạt các trường cấp 3 nghiêm túc xem xét lại quy trình tập huấn đối phó trong trường hợp có nguy cơ xả súng. Hiện tại, quy trình được sử dụng rộng rãi nhất là quy trình ALICE (Cảnh giác, khóa cửa, thông báo, đối phó, sơ tán). Mục đích chính của những chương trình tập huấn này là giúp học sinh giữ bình tĩnh trong trường hợp khẩn cấp và đối phó một cách hiệu quả. Một phần quan trọng của quy trình ALICE là khuyến khích học sinh chủ động bảo vệ bản thân và bạn bè bằng những biện pháp như chặn cửa lớp bằng bàn ghế, ném sách vở hoặc các vật nặng khác để làm phân tán kẻ xả súng. Tổ chức giám định quy trình ALICE ở trường tôi đã từng hợp tác với bộ phận an ninh của nhiều trường khác nhau để tổ chức các khóa tập huấn. Nếu nhận được cảnh giác về mối đe dọa trong khuôn viên trường, lập tức tất cả các tòa nhà đều bị khóa cửa, và hàng loạt tin nhắn, email được gửi đến toàn thể bộ phận học sinh. Hệ thống loa phát thanh của trường cũng sẽ thông báo về mối nguy hiểm. Trong thời gian này, ban an ninh cố gắng theo dõi kỹ vị trí của kẻ cầm súng để hướng dẫn cảnh sát địa phương. 

Tuy vậy, nhiều phụ huynh cũng rất lo lắng về sự an toàn của con mình trong khuôn viên nhà trường, nhất là ở những trường nội trú như Exeter, nơi luôn tấp nập học sinh cả sáng lẫn tối. 

Một phương án nữa được đề cập là việc thắt chặt các biện pháp phòng ngừa như lắp thêm thiết bị theo dõi hoặc khóa cửa tất cả các tòa nhà trong khuôn viên với người ngoài, học sinh cần phải có thẻ mới vào được. Nỗi lo lớn nhất của ban giám hiệu nhà trường là những biện pháp này sẽ bị học sinh phản đối vì làm ảnh hưởng đến “quyền tự do” của họ. Hiện tại, tất cả các thiết bị theo dõi chỉ được lắp ngoài các tòa nhà chính, còn bên trong tòa nhà được coi là khu vực riêng tư. Về việc khóa cửa tất cả các tòa nhà, ban giám hiệu nhấn mạnh đến trường hợp không kém nguy hiểm nếu như học sinh quên mang thẻ và bị kẹt ở ngoài trong một buổi chiều mùa đông đầy tuyết. Đối với tất cả các phương án đưa ra, không chỉ riêng ở trường tôi, ban giám hiệu trường nào cũng phải cân nhắc giữa an ninh và quyền tự do, riêng tư.

Tin cùng chuyên mục