Theo Bộ Công thương, thực hiện Quy hoạch điện VII điều chỉnh, hiện nay các dự án nguồn điện được thực hiện theo 3 hình thức đầu tư gồm: các dự án do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) làm chủ đầu tư; các dự án đầu tư theo hình thức BOT; các dự án đầu tư theo hình thức IPP. Trong 62 dự án có công suất lớn trên 200MW, hiện nay có nhiều dự án còn chậm tiến độ nêu trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh.
Bộ Công thương dự kiến việc cung cấp điện đến năm 2020 về cơ bản vẫn đáp ứng, nhưng có thể đối mặt nguy cơ thiếu điện trong các tình huống cực đoan (nếu nhu cầu phụ tải cao hơn dự báo, lưu lượng nước về các hồ thủy điện kém, thiếu hụt nguồn nhiên liệu than, khí cho sản xuất điện).
Trong 6 tháng đầu năm, điện thương phẩm tăng trưởng gần 10%. Do ảnh hưởng của nắng nóng, công suất phụ tải trong tháng 4, 5, 6 tăng mạnh. Trong các tháng còn lại của năm 2019, dự kiến nhu cầu điện tiếp tục tăng khoảng 10%. Để bổ sung nguồn điện cho cả nước, đến nay các nhà đầu tư đã đề xuất tổng công suất điện mặt trời lên khoảng 25.000MW và khoảng 16.000MW điện gió.
Đến hết tháng 6, đã có 89 nhà máy điện mặt trời đưa vào vận hành với tổng công suất gần 4.500 MW. Nhưng với hiện trạng cơ sở hạ tầng hiện có, lưới điện 500-220-110kV tại các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Đắk Nông, Đắk Lắk bị quá tải.
Đề cập các dự án chậm tiến độ so với quy hoạch, Bộ trưởng Bộ Công thương cho rằng nguyên nhân một phần là do chồng chéo các quy định, thủ tục; yêu cầu nhanh chóng thúc đẩy tiến độ các dự án, làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Do vậy phải xem lại chế tài, quy định pháp luật đối với các chủ đầu tư có dự án chậm tiến độ; Cục Điện lực và năng lượng tái tạo đánh giá lại toàn bộ dự án quan trọng trong Quy hoạch điện VII, tập trung các dự án chậm tiến độ hoặc không xác định được tiến độ; xác định được nguyên nhân, hậu quả của các dự án này đối với ngành điện, quy trách nhiệm cho từng cá nhân, cơ quan, đơn vị để quyết liệt tháo gỡ vướng mắc.