Tại đây, ông Paulo Medas đánh giá cao Chính phủ Việt Nam trong điều hành kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, xử lý ngân hàng yếu kém và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, hỗ trợ cho tăng trưởng.
Ông cho rằng, sau thời gian tăng trưởng ấn tượng, những năm tới, kinh tế Việt Nam mặc dù vẫn tăng trưởng hơn các nước trong khu vực, song có thể không như giai đoạn vừa qua, do các yếu tố mang tính toàn cầu, cũng như các vấn đề nội tại như già hóa dân số, biến đổi khí hậu…
Trưởng Đoàn Điều IV của IMF khuyến nghị Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo môi trường kinh doanh minh bạch; tăng cường quản trị, phòng chống tham nhũng; khơi thông các rào cản thu hút đầu tư, nhất là trong lĩnh vực phát triển hạ tầng, năng lượng tái tạo.
Nhất trí với khuyến nghị của đoàn công tác, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, để duy trì tăng trưởng cao và bền vững, Chính phủ chủ trương làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống là đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng, đồng thời thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức.
Việt Nam đang thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư công, nhất là phát triển hạ tầng giao thông; sẽ phát hành trái phiếu Chính phủ, doanh nghiệp, công trình; thực hiện các biện pháp giảm thuế, phí, lệ phí và các chính sách khác để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Thủ tướng tin tưởng, Việt Nam sẽ đạt các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của năm 2024 cũng như giai đoạn 2021-2026.
Thủ tướng đề nghị IMF tiếp tục chia sẻ, cập nhật thường xuyên các đánh giá, dự báo về triển vọng kinh tế toàn cầu, tác động tới các nền kinh tế khu vực và tư vấn các chính sách điều hành vĩ mô cho Việt Nam.
Thủ tướng cũng đề nghị IMF tăng cường quan hệ hợp tác, hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo trong các lĩnh vực như quản lý kinh tế, quản lý ngân sách, chính sách tiền tệ, tỷ giá, quản lý ngân hàng, phát triển thị trường vốn, tài chính xanh; mở rộng hợp tác, đào tạo nguồn nhân lực cho Việt Nam nhằm nâng cao năng lực hội nhập quốc tế.