Sáng 29-3, tiếp tục chương trình nghị sự, Hội nghị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chuyên trách cho ý kiến về dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi).
“Mở” hơn để thu hút nước ngoài
Đại diện cơ quan thẩm tra trình bày báo cáo tại hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, dự thảo mới nhất đã bổ sung quy định khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động cung cấp các dịch vụ tài chính, tín dụng, bảo lãnh, thế chấp quyền sở hữu trí tuệ và các sản phẩm bảo hiểm để phát triển điện ảnh. Dự thảo cũng đã chỉnh lý, bổ sung quy định về các hình thức đầu tư về vốn theo Luật Đầu tư. Vốn điều lệ quy định trong dự thảo Luật là vốn điều lệ của tổ chức kinh tế. Tỷ lệ đầu tư trong lĩnh vực điện ảnh tuân thủ các cam kết quốc tế và phù hợp yếu tố đặc thù của ngành dịch vụ này - vừa đáp ứng nhu cầu giải trí vừa là công cụ có ý nghĩa tuyên truyền, giáo dục và quảng bá hình ảnh đất nước.
Tuy nhiên, bên cạnh một số nội dung đã thống nhất, hiện vẫn còn hai vấn đề về hai phương án.
Thứ nhất, về cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức, cá nhân nước ngoài. Có ý kiến đề nghị không yêu cầu các tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp kịch bản phim hoặc chỉ cung cấp kịch bản phim khi sử dụng bối cảnh quay phim tại Việt Nam hoặc sử dụng diễn viên Việt Nam.
Ủy ban Văn hóa - Giáo dục tán thành phương án này, nhằm khắc phục bất cập của quy định hiện hành là yêu cầu phải thẩm định kịch bản phim đầy đủ, trong khi chỉ thực hiện một vài cảnh quay tại Việt Nam. “Thực tế, kịch bản phim sau khi được cơ quan có thẩm quyền thẩm định vẫn có thể thay đổi theo ý của đạo diễn, việc thẩm định kịch bản phim đầy đủ cũng không đủ cơ sở để khẳng định kiểm soát được toàn bộ nội dung phim”, Chủ nhiệm Nguyễn Đắc Vinh giải thích thêm. Mặc dù vậy, cơ quan soạn thảo đề nghị giữ như quy định như dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2, yêu cầu thẩm định kịch bản đầy đủ vì lý do quản lý toàn bộ nội dung phim.
Tán thành quan điểm thẩm tra, ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho rằng, ngay từ khâu đầu tiên mà các tổ chức, cá nhân nước ngoài đã “vấp” phải rào cản là cung cấp kịch bản đầy đủ thì họ sẽ không mặn mà nữa. ĐB thẳng thắn nêu câu hỏi: “Sẽ ra sao nếu bộ phim chưa hoàn thành mà kịch bản đã bị đánh cắp và sao chép”?
Chia sẻ nhận định của ĐB Nguyễn Thị Việt Nga, ĐB Trần Văn Lâm (Bắc Giang) cũng cho rằng nhiều quy định tại dự thảo với các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam làm phim còn quá chặt chẽ. Lẽ ra, chỉ cần họ không vi phạm điều 9 về những nội dung và hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh là đủ.
Cũng quan tâm đến hợp tác đầu tư nước ngoài trong hoạt động điện ảnh, ĐB Đồng Ngọc Ba (Bình Định) cho rằng, quy định tại khoản 2 điều 8 "Nhà văn hóa, các tụ điểm chiếu phim, câu lạc bộ và hiệp hội chiếu phim công cộng, đội chiếu phim lưu động của Việt Nam không được phép tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh hay liên doanh với các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài" là hạn chế quá mức cần thiết sự tiếp cận của nhà đầu tư nước ngoài.
Không có lý do để tiếp tục quy định Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh
Vấn đề thứ 2 cũng đang được thiết kế 2 phương án để xin ý kiến ĐBQH là quy định Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh. Luật Điện ảnh năm 2006 đã quy định về Quỹ này, nhưng đến nay vẫn chưa thành lập được do chưa xác định được nguồn thu ổn định để đảm bảo hoạt động của Quỹ.
Hơn nữa, theo cơ quan thẩm tra, các quy định như dự thảo Luật chưa bảo đảm tính thống nhất với quy định tại khoản 11, điều 8 Luật Ngân sách nhà nước; Nghị quyết 23/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội yêu cầu Chính phủ rà soát, sắp xếp lại các quỹ có nguồn thu, nhiệm vụ chi trùng với ngân sách Nhà nước hoặc không còn phù hợp.
Vẫn theo ĐB Nguyễn Thị Việt Nga, đã 16 năm mà vẫn chưa được thành lập thì không nên tiếp tục quy định về Quỹ một cách mơ hồ như dự thảo. Cùng quan điểm, ĐB Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) nhấn mạnh, quy định về quỹ này không phù hợp với Luật Ngân sách nhà nước.
Có lập luận khác, ĐB Trần Văn Lâm cho rằng hiện nay Quỹ chưa đáp ứng điều kiện để hoạt động, nhưng nếu bỏ quy định về Quỹ thì sau này có đủ điều kiện cũng không lập được, vì Luật không cho phép, và như thế là bỏ đi một cơ hội tăng cường nguồn lực cho phát triển điện ảnh.
Hồi đáp ý kiến các vị ĐBQH, Bộ trưởng Bộ VHTT-DL Nguyễn Văn Hùng kiên trì bảo vệ quy định phải có kịch bản đầy đủ. “Không nắm được tổng thể thì sau này có vấn đề về an ninh chính trị, quốc phòng an ninh, ai là người chịu trách nhiệm?”, ông nói và cho biết thêm, điện ảnh Thái Lan và Trung Quốc đều bắt buộc có kịch bản này.
Về lý do chưa thành lập được Quỹ, Bộ trưởng thừa nhận, nếu chỉ nhìn vào hiện tại thì có phần lỗi của Bộ chưa thật sự tích cực vận động. Nhưng về lâu dài, nếu Việt Nam có Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh thì sẽ không phụ thuộc vào một số quỹ của nước ngoài. “Họ muốn tài trợ nhưng phải làm theo ý của họ, vì không có bữa trưa nào miễn phí", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.
Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) đã được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 2, dự kiến được xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 3 (khai mạc tháng 5 tới).