Quỹ tài chính ứng phó đại dịch

Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đang cân nhắc lập một chương trình tài chính khẩn cấp mới.
Theo WB, hàng năm, thế giới cần khoảng 31,1 tỷ USD để ngăn chặn và phòng ngừa đại dịch trong tương lai (ảnh minh họa)
Theo WB, hàng năm, thế giới cần khoảng 31,1 tỷ USD để ngăn chặn và phòng ngừa đại dịch trong tương lai (ảnh minh họa)

Mục đích để giúp các nước đang phát triển và các nước kém phát triển có thể ứng phó với các đại dịch như Covid-19 xảy ra trong tương lai. Cơ chế được thiết kế để cung cấp quỹ kịp thời, giúp các nước đang phát triển có được nguồn cung y tế cần thiết, cũng như cải thiện dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe có đủ khả năng ứng phó khi bùng phát đại dịch.

Kế hoạch trên là một trong số các chủ đề dự kiến sẽ được thảo luận tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G20 trong hai ngày 17 và 18-7 tại Ấn Độ, với mục tiêu đạt một thỏa thuận giữa các bộ trưởng tài chính và bộ trưởng y tế của G20 vào tháng 8 tới.

Chương trình trên chủ yếu do các thành viên G20 tài trợ, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Ngân hàng Thế giới (WB) cùng quản lý. Chương trình mới sẽ giải quyết các giới hạn của các thỏa thuận hiện nay bằng cách tăng cường hoạt động khảo sát, tăng hỗ trợ và xúc tiến giải ngân các khoản hỗ trợ này. Nếu được thông qua, nhiều khả năng các bên tham gia sẽ điều chỉnh phương thức tiếp cận và nguồn lực của mình tùy vào tình hình thực tế.

Theo WB, hàng năm, thế giới cần khoảng 31,1 tỷ USD để ngăn chặn và phòng ngừa đại dịch trong tương lai. Do đó, việc xây dựng và phát triển một nguồn kinh phí nhằm ứng phó với đại dịch là thiết thực. Vào tháng 5 vừa qua, dưới vai trò chủ tịch của Nhật Bản, Nhóm Các nước công nghiệp phát triển (G7) đồng ý nghiên cứu một khuôn khổ tài chính để triển khai các quỹ cần thiết một cách nhanh chóng và hiệu quả nhằm ứng phó với các đợt bùng phát dịch bệnh và giảm thiểu tác động kinh tế xã hội tiêu cực của Covid-19 trên toàn cầu.

Kế hoạch được cân nhắc trong bối cảnh tuy WHO đã tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp toàn cầu nhưng không có nghĩa dịch Covid-19 đã kết thúc. Covid-19 vẫn tiếp tục là một đại dịch và virus vẫn đang tiếp tục biến đổi. Mỗi tuần, hàng trăm ngàn ca mắc Covid-19 vẫn được ghi nhận trên toàn thế giới. WHO cũng cảnh báo tình trạng khẩn cấp có thể được khôi phục nếu tình hình thực tế thay đổi.

Tin cùng chuyên mục