Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) vừa ban hành thông tư quy định Quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên. Mục đích xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục nhằm điều chỉnh cách ứng xử của các thành viên trong cơ sở giáo dục theo chuẩn mực đạo đức xã hội và thuần phong mỹ tục của dân tộc, phù hợp với đặc trưng văn hóa của địa phương và điều kiện thực tiễn của cơ sở giáo dục; ngăn ngừa, xử lý kịp thời, hiệu quả các hành vi tiêu cực, thiếu tính giáo dục trong cơ sở giáo dục. Xây dựng văn hóa học đường; đảm bảo môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện và phòng, chống bạo lực học đường.
Cán bộ quản lý giáo dục không được xúc phạm, định kiến, thiên vị giáo viên
Bộ Quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục được xây dựng trên các nguyên tắc: tuân thủ các quy định của pháp luật; phù hợp với chuẩn mực đạo đức, thuần phong mỹ tục và truyền thống văn hóa của dân tộc. Thể hiện được các giá trị cốt lõi: nhân ái, tôn trọng, trách nhiệm, hợp tác, trung thực trong mối quan hệ của mỗi thành viên trong cơ sở giáo dục đối với người khác, đối với môi trường xung quanh và đối với chính mình. Bảo đảm định hướng giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa, phát triển phẩm chất, năng lực của người học; nâng cao đạo đức nghề nghiệp của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và trách nhiệm người đứng đầu cơ sở giáo dục. Dễ hiểu, dễ thực hiện; phù hợp với lứa tuổi, cấp học và đặc trưng văn hóa mỗi vùng miền.
Một trong những nội dung của quy tắc chung được đưa ra là không sử dụng mạng xã hội để phát tán, tuyên truyền, bình luận những thông tin hoặc hình ảnh trái thuần phong mỹ tục, trái đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước hoặc làm ảnh hưởng xấu đến môi trường giáo dục.
Quy tắc ứng xử nêu rõ: cán bộ quản lý giáo dục khi ứng xử với học sinh cần dùng ngôn ngữ chuẩn mực, dễ hiểu; yêu thương, trách nhiệm, bao dung; tôn trọng sự khác biệt, đối xử công bằng, lắng nghe và động viên, khích lệ người học. Không xúc phạm, ép buộc, trù dập, bạo hành. Với giáo viên và nhân viên, cán bộ quản lý giáo dục phải bảo vệ uy tín, danh dự, nhân phẩm và phát huy năng lực của giáo viên và nhân viên. Không hách dịch, gây khó khăn, xúc phạm, định kiến, thiên vị, vụ lợi, né tránh trách nhiệm hoặc che giấu vi phạm, đổ lỗi. Đối với cha mẹ người học thì không xúc phạm, gây khó khăn, phiền hà, vụ lợi.
Với quy tắc ứng xử của giáo viên, thông tư quy định với học sinh, giáo viên khen hoặc phê bình phù hợp với đối tượng và hoàn cảnh; mẫu mực, bao dung, trách nhiệm, yêu thương; tôn trọng sự khác biệt, đối xử công bằng, tư vấn, lắng nghe và động viên, khích lệ người học; không xúc phạm, gây tổn thương, vụ lợi; không trù dập, định kiến, bạo hành, xâm hại; không thờ ơ, né tránh hoặc che giấu các hành vi vi phạm của người học. Giáo viên với cán bộ quản lý thì phải tôn trọng, trung thực, cầu thị, tham mưu tích cực và thể hiện rõ chính kiến; phục tùng sự chỉ đạo, điều hành và phân công của lãnh đạo theo quy định; không xúc phạm, gây mất đoàn kết; không thờ ơ, né tránh hoặc che giấu các hành vi sai phạm của cán bộ quản lý. Với cha mẹ người học, giáo viên phải có ngôn ngữ đúng mực, trung thực, tôn trọng, thân thiện, hợp tác, chia sẻ; không xúc phạm, áp đặt, vụ lợi.
Quy tắc ứng xử trong cơ sở cũng nêu rõ các chuẩn mực ứng xử dành cho học sinh. Cụ thể, với thầy cô, học sinh phải kính trọng, lễ phép, trung thực, chia sẻ, tuân thủ kỷ luật; không bịa đặt thông tin; không xúc phạm tinh thần, danh dự, nhân phẩm, bạo lực. Với bạn bè, học sinh phải thân thiện, trung thực, hợp tác, giúp đỡ và tôn trọng sự khác biệt; không nói tục, chửi bậy, miệt thị, xúc phạm, gây mất đoàn kết; không bịa đặt, lôi kéo; không phát tán thông tin để nói xấu, làm ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm người học khác.
Bản quy tắc cũng yêu cầu các chuẩn ứng xử với cha mẹ học sinh, trong đó đáng chú ý, không được xúc phạm, bạo lực với học sinh; với giáo viên phải tôn trọng, trách nhiệm, hợp tác, chia sẻ; không bịa đặt thông tin; không xúc phạm tinh thần, danh dự, nhân phẩm.
Cần quan tâm các em học sinh cá biệt, học sinh yếu thế
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cũng vừa ký chỉ thị 993/CT-BGDĐT về việc tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực học đường trong cơ sở giáo dục.
Đáng chú ý, Bộ GD-ĐT cho hay Bộ GD-ĐT sẽ xây dựng quy chế phối hợp với các sở, ngành và các tổ chức ở địa phương như: Công an, Lao động - Thương binh và Xã hội, Thông tin và Truyền thông, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Khuyến học, Hội Cựu giáo chức để bảo đảm an ninh, an toàn trường học, phòng, chống bạo lực học đường; tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giáo dục pháp luật; kiến thức, kỹ năng về phòng, chống bạo lực học đường cho học sinh. Bộ cũng sẽ phối hợp với các cơ sở đào tạo giáo viên để bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên về đạo đức nhà giáo, tư vấn tâm lý, năng lực kiểm soát cảm xúc cá nhân và kỹ năng xử lý các tình huống sư phạm.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT yêu cầu, hiệu trưởng nhà trường chịu trách nhiệm trực tiếp, toàn diện về an ninh, an toàn trong cơ sở giáo dục. Nhà trường phải xây dựng và triển khai kế hoạch phòng, chống bạo lực học đường; phân công rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong nhà trường để việc thực hiện kế hoạch hiệu quả. Lựa chọn, bồi dưỡng và cử giáo viên có kinh nghiệm, năng lực và trách nhiệm làm công tác chủ nhiệm để thường xuyên theo sát tình hình, quản lý, giáo dục học sinh. Quan tâm các em học sinh cá biệt, học sinh yếu thế để có biện pháp giáo dục, giúp đỡ, bảo vệ phù hợp. Chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và kịp thời, xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý các vụ bạo lực học đường bảo đảm công khai, nghiêm túc theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, nhà trường phải tổ chức ký cam kết phối hợp hằng năm giữa gia đình học sinh với cơ sở giáo dục về việc quản lý, giáo dục học sinh. Thường xuyên thông tin hai chiều giữa cơ sở giáo dục và cha mẹ học sinh về hoạt động của nhà trường, tình hình học tập, rèn luyện, các dấu hiệu bất thường và thống nhất biện pháp giáo dục học sinh; hỗ trợ, cung cấp cho cha mẹ học sinh kiến thức, kỹ năng trong việc đồng hành, giáo dục giúp con tiến bộ…