Ngay sau khi phát hiện, các đơn vị nghiệp vụ tiến hành khám hiện trường, đồng thời khai quật hệ thống thoát nước và hầm chứa nước trong khuôn viên xí nghiệp này. Kết quả ban đầu ghi nhận hơn 42 tấn chất thải nguy hại (gồm miếng thủy tinh nhiễm chất nguy hại và nước thải từ quá trình xay nghiền bóng đèn thải có chứa thủy ngân, lưu huỳnh). Qua phân tích nước thải, bước đầu cơ quan chức năng xác định độ pH vượt 7 lần cho phép.
Hiện nay, cơ quan chức năng đăng tiếp tục mở rộng dò tìm chất thải nguy hại ở những vị trí nghi vấn, đồng thời làm rõ hành vi vi phạm của doanh nghiệp để củng cố hồ sơ xử lý theo quy định.
Vụ việc gây bức xúc dư luận bởi Điện Quang là thương hiệu có tên tuổi trên thị trường, một số sản phẩm còn được quảng cáo là thân thiện với môi trường, nhưng chính doanh nghiệp này lại có các hành vi xâm hại môi trường nghiêm trọng. Các hầm bê tông chứa chất thải được xây kiên cố, cho thấy việc xả thải là có chủ đích. Những chất có trong bóng đèn huỳnh quang, nhất là thủy ngân, nếu ngấm vào đất và nước ngầm, không khác gì đầu độc người dân sống lân cận.
Chất thải của Xí nghiệp Đèn ống thuộc danh mục chất thải nguy hại. Do đó, doanh nghiệp này phải định kỳ hàng tháng báo cáo với cơ quan chức năng về quản lý môi trường, không tích trữ quá thời hạn, không được tự tiêu hủy mà phải thuê đơn vị có thẩm quyền tiêu hủy, không được vận chuyển… Câu hỏi đặt ra: ngoài 42 tấn chất thải nguy hại đã bị phát hiện thì từ trước đến nay, doanh nghiệp này còn lén lút giấu chất thải nguy hại với số lượng bao nhiêu và đã xả ra môi trường bao nhiêu? Điều này cơ quan chức năng cần làm rõ, xử lý đến nơi đến chốn.
Từ vụ việc xả thải trái phép của Xí nghiệp Đèn ống thuộc Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang, dư luận còn đặt sự hoài nghi về công tác quản lý và xử lý chất thải nguy hại của cơ quan chức năng trên địa bàn. Theo quy định tại Điều 72, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, chính quyền địa phương có trách nhiệm quản lý chất thải trên địa bàn; ban hành quy định về quản lý chất thải và thực hiện chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho hoạt động quản lý chất thải. Như vậy, rõ ràng những cơ quan được giao chức trách kiểm tra, giám sát môi trường tại xí nghiệp này có dấu hiệu buông lỏng quản lý, thiếu sâu sát, để xảy ra sai phạm về môi trường ngay tại trong khu công nghiệp trung tâm TP Biên Hòa.
Dư luận đang trông chờ các cơ quan chức năng mạnh tay xử lý hành vi sai phạm; kiểm điểm, làm rõ và xử lý trách nhiệm của các cá nhân, tập thể để không xảy ra những trường hợp nêu trên.