Có tiền nhưng khó sử dụng
Quỹ KH-CN là nguồn lực đáng kể đầu tư cho phát triển KH-CN của DN cũng như của xã hội, song sự phát triển về số lượng DN xây dựng quỹ cũng như sử dụng quỹ hiệu quả còn khiêm tốn. Năm 2017, trên địa bàn TPHCM có 113 DN thành lập Quỹ KH-CN, trong đó 80 DN đã trích lập quỹ với tổng số tiền 1.903 tỷ đồng, nhưng chỉ sử dụng 384 tỷ đồng. Trước đó, năm 2015, chỉ có 98 DN báo cáo đã thành lập quỹ (74 đơn vị là DN nhà nước) với tổng cộng 489 tỷ đồng; số DN sử dụng quỹ là 26 và mới sử dụng hết 168 tỷ đồng…
Theo Sở KH-CN TPHCM, thành phố hiện có 79 DN nhà nước và 45 DN ngoài nhà nước thành lập Quỹ KH-CN; trong đó có 44 DN sản xuất và 80 DN thương mại dịch vụ. Tổng số tiền trích lập quỹ là 4.400 tỷ đồng, nhưng đến nay số tiền sử dụng quỹ mới đạt 1.353 tỷ đồng, chiếm 30,7%.
Trước thực tế trên, ngày 31-5-2022, Bộ KH-CN đã ban hành Thông tư 05/2022, hướng dẫn sử dụng Quỹ KH-CN của DN (có hiệu lực từ ngày 1-6-2022), đưa ra những hướng dẫn, quy chuẩn chung cho DN để xây dựng, khai thác và sử dụng nguồn quỹ hiệu quả. Tuy nhiên, Quỹ KH-CN của DN vẫn còn nhiều hạn chế, việc giải ngân quỹ còn thấp, chưa hiệu quả. Theo ông Phan Quốc Tuấn, Phó Trưởng phòng Quản lý công nghệ (Sở KH-CN TPHCM), một số DN thành lập Quỹ KH-CN chỉ thực hiện kê khai, báo cáo đối với cơ quan quản lý thuế và không gửi quyết định thành lập đến Sở KH-CN theo quy định của Thông tư 05/2022; DN chưa mạnh dạn trích sử dụng Quỹ KH-CN do vẫn chưa nắm được thủ tục thanh quyết toán tài chính khi sử dụng quỹ…
Doanh nghiệp chưa mạnh dạn
Tại hội thảo “Thành lập và sử dụng hiệu quả Quỹ Phát triển khoa học - công nghệ của doanh nghiệp” do Sở KH-CN TPHCM phối hợp cùng các đơn vị liên quan tổ chức gần đây, ông Hoàng Xuân Nam, đại diện Cục Thuế TPHCM, cho biết, việc trích lập Quỹ KH-CN là chính sách tốt của Nhà nước nhằm hỗ trợ các DN nâng cao năng lực công nghệ. DN thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam được trích tối đa 10% thu nhập tính thuế hàng năm để lập Quỹ KH-CN, trong đó DN Nhà nước phải trích từ 3-10%. Trường hợp trong năm, nhu cầu sử dụng cho hoạt động KH-CN vượt quá số tiền hiện có thì được ứng trước quỹ của các năm tiếp theo hoặc tính vào chi phí khi tính thuế thu nhập DN trong kỳ tính thuế. Nếu sử dụng không hết, DN Nhà nước phải nộp về Quỹ KH-CN quốc gia, bộ, địa phương, tối thiểu bằng 20% số quỹ đã trích lập không sử dụng hoặc sử dụng không hết 70% số quỹ đã trích lập, kể cả nhận điều chuyển.
Theo Điều 35 Luật Chuyển giao công nghệ, DN được sử dụng Quỹ KH-CN của DN để đầu tư, đối ứng vốn, nhận vốn đối ứng đầu tư cho đổi mới công nghệ, ươm tạo công nghệ, ươm tạo DN KH-CN, khởi nghiệp sáng tạo, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ… Tuy nhiên, DN chưa mạnh dạn trích sử dụng Quỹ KH-CN do vẫn chưa nắm được thủ tục thanh quyết toán tài chính khi sử dụng, một phần là do cách hiểu của các cơ quan thuế khác nhau. Theo đại diện Cục Thuế TPHCM, những khoản chi từ Quỹ KH-CN phải có đầy đủ hóa đơn, chứng từ theo quy định. Khoản chi từ quỹ không được trừ chi phí khi tính thuế thu nhập DN trong kỳ tính thuế; trích lập và sử dụng quỹ theo nguyên tắc tiền trích trước thì sử dụng trước.
Tính đến nay, TPHCM có 11 DN Nhà nước thực hiện điều chuyển quỹ cho Quỹ KH-CN của thành phố với số tiền hơn 27 tỷ đồng. Hiện tại, chưa phát sinh hồ sơ đề nghị hỗ trợ từ Quỹ KH-CN của thành phố cho hoạt động KH-CN của các DN. Để sử dụng Quỹ KH-CN thêm hiệu quả, Sở KH-CN TPHCM đề xuất lĩnh vực giúp DN sử dụng quỹ là phục vụ chuyển đổi số. Cụ thể là triển khai chỉ đạo của UBND TPHCM tại Quyết định số 2393 ngày 3-7-2020 về phê duyệt Chương trình chuyển đổi số của TPHCM, theo đó, một số lĩnh vực đầu tư có khả năng sử dụng quỹ phục vụ cho chuyển đổi số hỗ trợ phát triển KH-CN của DN như: trang bị cơ sở vật chất, kỹ thuật cho hoạt động KH-CN (trang bị hạ tầng thông tin, hệ thống quản lý chất lượng)… “Tư vấn về đổi mới công nghệ hay chuyển giao công nghệ gồm công nghệ đảm bảo an ninh, an toàn mạng và bảo mật thông tin, công nghệ mạng thế hệ sau (NGN, 4G, 5G), công nghệ ảo hóa và điện toán đám mây, công nghệ viễn thám, hệ thống thông tin địa lý (GIS), công nghệ nhận dạng giọng nói… cũng là những lĩnh vực cần khai thác sử dụng Quỹ KH-CN rất hiệu quả”, ông Phan Quốc Tuấn đề xuất.
Với những đề xuất của Sở KH-CN TPHCM cũng như giải thích của đại diện Cục Thuế TPHCM, kỳ vọng trong thời gian tới, Quỹ KH-CN sẽ được khai thác hiệu quả hơn để thúc đẩy hoạt động KH-CN trong DN.