Sau gần 2 năm ban hành và triển khai Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, các chỉ số tăng trưởng kinh tế của cả vùng cao hơn trung bình cả nước; thu hút vốn đầu tư nước ngoài cao nhất; thúc đẩy các công trình hạ tầng giao thông, đô thị quan trọng. Tuy nhiên các bước chuyển này cần thêm các cú hích để chuyển bộ nhanh hơn trong thời gian tới. Trong đó nổi lên là quy hoạch vùng Đông Nam bộ đến năm 2050 vừa được phê duyệt và công bố trong cuối tuần qua.
Theo Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng, 3 điểm nhấn lớn nhất trong nội dung quy hoạch lần này của vùng tập trung vào 3 yếu tố: Đột phá, tiên phong và liên kết. Trong “liên kết”, hạ tầng giao thông kết nối nội vùng và liên vùng còn thiếu, yếu, chưa đồng bộ đã được chỉ ra như một vấn đề lớn nhất. Câu chuyện ưu tiên nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông liên kết nội vùng; các tuyến cao tốc lớn kết nối vùng ĐBSCL, Tây Nguyên; kết nối các cảng biển, sân bay, khu vực biên giới với các cửa khẩu... đang là “điểm nóng”.
Quy hoạch vùng đóng vai trò kim chỉ nam cho các địa phương đã phê duyệt/ triển khai quy hoạch (Bình Phước, Tây Ninh...) và đang trong quá trình trình phê duyệt (như của TPHCM). Dựa trên quy hoạch vùng và các quy hoạch tỉnh đã và chuẩn bị được phê duyệt thành hình, cần thúc đẩy nhanh các dự án giao thông trọng điểm của vùng như đường Vành đai 3, 4 TPHCM, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, các tuyến đường sắt đô thị của TPHCM và kết nối thành phố với các địa phương trong vùng.
Những dự án trọng điểm vùng - quốc gia đầu tư bằng vốn ngân sách vừa là phương tiện vừa là cứu cánh. Các chính sách - cơ chế “đặc thù” đang được lấy ý kiến nới rộng tính chủ động cho địa phương và linh hoạt trong cách sử dụng nguồn vốn trung ương - địa phương, địa phương trong vùng; cũng như đề xuất nâng tỷ lệ vốn ngân sách trong dự án PPP (đối tác công - tư) không vượt quá 70%, cho phép các địa phương được làm cơ quan chủ quản, cơ quan có thẩm quyền đầu tư các tuyến cao tốc, quốc lộ; địa phương này được sử dụng vốn của địa phương khác để đầu tư dự án đi qua 2 địa phương…
Hay như việc “tiên phong” trong phân cấp cho UBND cấp tỉnh của địa phương có đủ năng lực, kinh nghiệm quản lý thực hiện các dự án giao thông. Một khi như vậy thì vai trò của HĐND cấp tỉnh/thành phố là rất quan trọng trong quyền và trách nhiệm phê duyệt chủ trương đầu tư (theo phương thức PPP), quyết định sử dụng ngân sách địa phương... Điều đó càng có ý nghĩa khi bắt tay thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD) mà Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM cho phép.
Sự “đột phá” của việc thực hiện quy hoạch vùng Đông Nam bộ tạo ra không gian thúc đẩy đổi mới sáng tạo, cũng như đội ngũ doanh nghiệp khởi nghiệp. Nhờ tỷ trọng sản phẩm công nghệ cao trong giá trị sản xuất công nghiệp, các địa phương vùng đã có đóng góp lớn trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp - chiếm khoảng 50% giá trị sản xuất công nghiệp của cả nước. Do đó, rất cần chính sách ưu đãi để thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tạo ra những giá trị mới, có nhiều giá trị gia tăng cho xã hội, có khả năng tăng trưởng nhanh và mở ra một mô hình kinh doanh mới cho nền kinh tế. Có tiềm ẩn rủi ro mất vốn nhưng đây cũng chính là mô hình kinh doanh mới với sản phẩm dịch vụ mới của một thị trường mới gắn chặt với ứng dụng công nghệ.
Trong nhiều vấn đề, các ưu tiên đã rõ, đã được thể hiện qua các văn kiện, văn bản mang tính pháp lý cao nhất; giờ cần nhất là các biện pháp đưa các nội dung của quy hoạch vào thực hiện.