Quy hoạch trạm ép rác trong… khu dân cư

Hàng ngàn hộ dân ở phường Tân Thới Nhất (quận 12, TPHCM), đặc biệt là gần 500 hộ dân ở chung cư Tín Phong hết sức hoang mang khi biết tin dự án “Trạm ép rác kín” được triển khai ngay trước mặt tiền chung cư Tín Phong.

 

Khu vực được quy hoạch xây dựng Trạm ép rác kín Ảnh: TRÀ GIANG
Khu vực được quy hoạch xây dựng Trạm ép rác kín Ảnh: TRÀ GIANG

Theo tìm hiểu của chúng tôi, dự án này được quy hoạch trong khu tái định cư 38ha thuộc phường Tân Thới Nhất có tổng mức đầu tư 41 tỷ đồng, xây dựng trên khuôn viên 1.000m² do Ban quản lý Đầu tư xây dựng công trình quận 12 (thuộc UBND quận 12)  làm chủ đầu tư.  Tại buổi tiếp xúc cử tri mới đây với tổ đại biểu HĐND quận 12 do ông Trần Hữu Trí, Bí thư Quận ủy kiêm Chủ tịch HĐND quận 12, làm tổ trưởng, nhiều cử tri đã gay gắt phản đối dự án trên. Theo phản ánh của cử tri, dự án “Trạm ép rác kín” được quy hoạch ngay trong khu dân cư hiện hữu với hàng ngàn hộ dân đang sinh sống. Vị trí đặt trạm nằm ngay trước chung cư Tín Phong, nơi có gần 500 hộ dân định cư và liền kề dự án chung cư Lê Minh đang triển khai đầu tư và cách khu quy hoạch xây trường mầm non chỉ hơn 10m.

Ông Lê Phùng Thuận, nguyên Bí thư chi bộ khu phố 5, phường Tân Thới Nhất, bức xúc: “Đây là điều hết sức vô lý! Dù trạm rác được đầu tư với công nghệ hiện đại cũng không ổn vì nằm trọn trong khu dân cư hiện hữu, liền kề với trường mầm non; đó là chưa nói đến mùi hôi và lượng xe tập kết rác ra vô hàng ngày. Chúng tôi đã sống với ô nhiễm quá nhiều vì dự án 38ha trở thành bãi rác, ô nhiễm do các nhà máy trong khu vực này xả thải, nay lại thêm trạm rác nữa dân sao chịu nổi!”. Về phản ánh của người dân, ông Trần Hữu Trí cho biết dự án đã có quy hoạch từ trước, được đầu tư bằng công nghệ châu Âu, có tổng mức đầu tư 41 tỷ đồng, TP đã chỉ đạo phải đảm bảo vệ sinh môi trường, do đó bà con yên tâm.
 
Khu tái định cư 38ha là dự án có quá nhiều điều tiếng, một trong những dự án “treo” lâu nhất ở TPHCM. Nhiều hộ dân được cấp nền tái định cư và đã xây nhà xong nhưng nhiều năm qua vẫn chưa được cấp giấy chủ quyền. Một số khác khi được cấp giấy chủ quyền chứng nhận nhà đất, lại ghi cấp cho “hộ gia đình” ông X., bà Y… nên khi cần giao dịch hay vay vốn rất phiền phức vì phải yêu cầu tất cả thành viên trong “hộ gia đình” cùng đi ký tên. Còn 60 hộ tái định cư tại chung cư Tín Phong mua nhà đã hơn 10 năm nhưng vẫn chưa được cấp giấy chủ quyền, mặc dù đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính cho chủ đầu tư. Ông Trần Hữu Trí cho biết, dự án tái định cư 38ha kéo dài quá lâu, gây bức xúc cho người dân. Một trong những nguyên nhân là giá bồi thường hiện nay không còn hợp lý. Về các bức xúc của người dân trong việc cấp giấy chứng nhận, bàn giao nền tái định cư… lãnh đạo phường và quận sẽ gặp trực tiếp bà con để xem xét giải quyết cụ thể. Còn phản ánh của Báo SGGP về việc thu hồi đất của dân giao cho doanh nghiệp, rồi bỏ hoang như trường hợp dự án Trường Trung cấp nghề Phương Nam, ông Trí thông tin, sau khi có phản ánh, quận đã họp và có văn bản gửi lãnh đạo thành phố, đề nghị thu hồi dự án này để lấy đất xây dựng trường THPT.

Tin cùng chuyên mục