Quy hoạch TPHCM với tầm nhìn toàn diện trên mọi lĩnh vực

Bộ Chính trị vừa họp cho ý kiến về Quy hoạch TPHCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Quy hoạch TPHCM). Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT (ảnh) nhấn mạnh, Quy hoạch TPHCM với tầm nhìn toàn diện trên mọi lĩnh vực, tương xứng với mục tiêu phát triển đầy tham vọng và những vấn đề, thách thức rất lớn mà TPHCM phải đối mặt, cần vượt qua trong thời gian tới.

Z1c.jpg

Xác định rõ điểm nghẽn

PHÓNG VIÊN: Được đánh giá là thành phố “đầu tàu” kinh tế của cả nước, Quy hoạch TPHCM cần phải chú ý những nội dung gì, thưa ông?

Thứ trưởng TRẦN QUỐC PHƯƠNG: Ngày 23-8, Bộ Chính trị đã họp cho ý kiến về Quy hoạch TPHCM. Tại cuộc họp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã nhấn mạnh rằng, Quy hoạch TPHCM phải cụ thể hóa được các chủ trương, đường lối của Đảng, các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành trong thời gian qua, nhất là Nghị quyết số 31 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Quy hoạch TPHCM phải có tầm nhìn toàn diện trên mọi lĩnh vực, tương xứng với mục tiêu phát triển đầy tham vọng và những vấn đề, thách thức lớn mà TPHCM phải đối mặt và vượt qua trong thời gian tới.

Cụ thể, cần làm sâu sắc hơn nữa vai trò, vị trí, tầm quan trọng của TPHCM đối với quốc gia trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng, đối ngoại để tìm ra tiềm năng khác biệt, lợi thế cạnh tranh của vùng. Xác định rõ điểm nghẽn, nguyên nhân dẫn đến hạn chế sự phát triển trong thời gian vừa qua để có giải pháp, cơ chế, chính sách phù hợp.

Đồng thời, quy hoạch xác định rõ các mô hình phát triển, đóng góp của từng ngành, lĩnh vực vào tăng trưởng kinh tế của thành phố; làm rõ việc lựa chọn, định hướng phát triển và phân bố không gian các ngành quan trọng trong thời kỳ quy hoạch; định hướng phân bổ nguồn lực để thực hiện các dự án có tính đột phá và tạo động lực cho sự phát triển của thành phố.

Bên cạnh đó, quy hoạch thể hiện rõ nét hơn tác động của định hướng phân bố không gian “bám sông, hướng biển”; “đô thị đa trung tâm”; định hướng phát triển cảng Cần Giờ, khu thương mại tự do, trung tâm tài chính quốc tế, không gian ngầm đến phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Cùng với đó, TPHCM cần chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng giao thông bảo đảm kết nối thông suốt nội thành, liên tỉnh, liên vùng và quốc tế; chú trọng phát triển các tuyến đường giao thông kết nối với sân bay Long Thành, Biên Hòa, Bình Dương.

Trong quy hoạch thời kỳ mới, TPHCM cần tái cấu trúc các khu công nghiệp - khu chế xuất (KCN-KCX) để hạn chế những ngành nghề, lĩnh vực thâm dụng lao động, chuyển đổi sang ngành nghề, lĩnh vực công nghệ cao, có năng suất lao động, hàm lượng tri thức cao là xu thế tất yếu. TPHCM cần đẩy mạnh, tăng cường nguồn lực từ hợp tác công tư, xã hội hóa; tập trung khai thác các nguồn lực đất đai, tài nguyên, con người, lấy con người làm chủ thể trung tâm để phát triển.

- Thứ trưởng TRẦN QUỐC PHƯƠNG

Mô hình “làng trong phố, phố trong làng”

Là một địa phương có tính chất đặc thù, nên tất nhiên quy hoạch cũng phải có tính đặc thù. Tính đặc thù đó cần được thể hiện như thế nào trong Quy hoạch TPHCM?

Hiện nay, TPHCM đang có 3 quy hoạch quan trọng, trong đó có 2 hồ sơ quy hoạch cùng trình là Quy hoạch TPHCM và Quy hoạch chung xây dựng TPHCM. 2 hồ sơ quy hoạch này được thực hiện theo Luật Quy hoạch và Luật Quy hoạch đô thị.

Bởi vậy, cần có sự thống nhất về: quy mô dân số, định hướng phân bổ không gian, phân khu chức năng, hệ thống đô thị và nông thôn. Bên cạnh đó là xây dựng quy hoạch chung TP Thủ Đức cùng thời kỳ với quy hoạch chung TPHCM.

TPHCM đã xác định quy hoạch sông Sài Gòn là trung tâm trong rà soát quy hoạch chung của thành phố thời gian tới và xem đây là điểm nhấn trong xây dựng các quy hoạch lần này.

Là một thành phố năng động và phát triển, TPHCM không chỉ có ý nghĩa đối với cả nước mà còn có ý nghĩa đối với cả khu vực. Do đó, nội dung Quy hoạch TPHCM cần định hướng kiến tạo phát triển, có tính mở với tư tưởng hiện đại, có tầm nhìn chiến lược.

Theo tôi, TPHCM cần rà soát, xác định rõ chức năng, vai trò, vị trí, tầm quan trọng của TPHCM đối với vùng và quốc gia trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng, đối ngoại để tìm ra tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của thành phố. Quy hoạch phải đảm bảo tính chiến lược, lâu dài, toàn diện; định hướng phân bổ nguồn lực phân đầu tư, ưu tiên trọng tâm trọng điểm, xác định dự án có tính đột phá và tạo động lực cho sự phát triển của thành phố.

Khai thác tối đa không gian ngầm, không gian nước; ưu tiên vị trí không gian có tiềm năng, hiệu quả để quy hoạch phát triển dịch vụ, du lịch, sản xuất kinh doanh. Thúc đẩy công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí; tận dụng xu hướng phát triển xanh, thông minh, hiện đại để thu hút các nhà đầu tư chiến lược, nguồn lực chất lượng cao. Đẩy nhanh việc triển khai đề án hình thành trung tâm tài chính quốc tế, đề án xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ và trung tâm đổi mới sáng tạo, công nghiệp.

Z2a.jpg
Sông Sài Gòn đoạn qua cầu Ba Son, quận 1, TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG

Những vấn đề chủ yếu trong quy hoạch mà TPHCM cần tập trung trong thời gian tới là gì, thưa ông?

Quy hoạch TPHCM được xây dựng với mục tiêu phát triển đô thị bền vững, hiện đại, và đáp ứng nhu cầu của dân cư cũng như yêu cầu phát triển kinh tế. Theo đó, TPHCM được định hướng trở thành một trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ và giáo dục hàng đầu của khu vực Đông Nam Á. Do đó, Quy hoạch TPHCM cần phải định hướng kiến tạo phát triển và có tính mở.

Nhưng, để làm được điều này, nhiều nội dung trong Quy hoạch cần được tập trung trong thời gian tới. Đơn cử, về phát triển đô thị, phải bảo đảm đô thị hóa gắn với thúc đẩy phát triển nông thôn, nghiên cứu mô hình, cấu trúc phát triển “làng trong phố, phố trong làng” phù hợp với giai đoạn phát triển xanh và các huyện ngoại thành.

Trong phát triển các ngành, lĩnh vực, TPHCM tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp mô hình khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ; nghiên cứu kỹ việc quy hoạch sông Sài Gòn để phát triển du lịch xanh kết hợp đảm bảo an ninh nguồn nước; chú trọng thu hút các dự án đầu tư bảo đảm đầy đủ cả ba yếu tố: công nghệ tiên tiến, bảo vệ môi trường và sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao.

Đối với phát triển kết cấu hạ tầng, TPHCM cần chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng giao thông bảo đảm kết nối thông suốt nội thành, liên tỉnh, liên vùng và quốc tế; chú trọng gắn kết giữa phát triển hạ tầng giao thông với hạ tầng thủy lợi, hạ tầng phòng, chống lũ lụt, thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; sử dụng hiệu quả không gian ngầm; phát triển các tuyến đường sắt đô thị hiện đại kết nối các trung tâm tổng hợp, các đô thị vệ tinh.

Tựu trung lại, với tầm nhìn đến năm 2050, TPHCM đặt mục tiêu trở thành một đô thị thông minh, nơi mà công nghệ và con người được kết nối một cách hiệu quả nhằm tạo ra môi trường sống an toàn, năng động và bền vững cho các thế hệ tương lai.

Vì thế, trong bước phát triển ở giai đoạn mới, TPHCM nghiên cứu chuyển mình thành mô hình đa trung tâm (đa cực kết hợp với các trung tâm thứ cấp). Các đề án nghiên cứu quy hoạch mới cần hoàn thiện, làm rõ hơn nữa mô hình đô thị đa trung tâm của thành phố.

Tin cùng chuyên mục