Đây là ý kiến của nhiều chuyên gia đóng góp hoàn thiện quy hoạch TPHCM tại cuộc họp Hội đồng thẩm định hồ sơ quy hoạch TPHCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, diễn ra ngày 12-6. Ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam nhận định, tuy chỉ có 23km bờ biển thuộc bán đảo Cần Giờ, nhưng TPHCM có thể và nên chú trọng hơn đến kinh tế hướng biển. “Cảng Cần Giờ hoàn toàn có thể phát huy vai trò một cảng quốc tế, tuy nhiên phải lưu ý yếu tố môi trường. Bên cạnh đó, cần chú trọng phát triển đô thị lấn biển Cần Giờ; đây là điểm nhấn rất quan trọng, nhưng lại chưa thấy được thể hiện thống nhất trên các bản đồ trong hồ sơ quy hoạch”.
Vẫn theo kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, TPHCM vẫn chưa có những công trình nào tầm cỡ để có thể trở thành trung tâm tổ chức các sự kiện quốc tế. “Tốc độ xây dựng của TPHCM nhanh không tưởng tượng nổi, nhưng cơ sở hạ tầng để tổ chức các sự kiện văn hóa - thể thao quốc tế như sân vận động, khu triển lãm quốc tế… thì vẫn thiếu”, ông nói.
Bày tỏ quan tâm đến thiết kế đô thị, ông Chính gợi ý: “Một quà tặng tuyệt vời của thiên nhiên dành cho TPHCM là sông Sài Gòn, TPHCM nên lấy đây làm một trục phát triển, xây dựng những chương trình bảo tồn, phát huy giá trị của dòng sông này”. Bên cạnh đó, sân bay Long Thành tuy nằm ở Đồng Nai, nhưng có vai trò hết sức quan trọng đối với TPHCM trong việc tăng cường tính kết nối, lan tỏa giữa TPHCM với các tỉnh trong vùng, là cửa ngõ quốc tế quan trọng, quy hoạch cần chú trọng khai thác.
Tán thành ý kiến này, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, TPHCM đã từng là trung tâm trung chuyển của Đông Nam Á và khu vực, sân bay Long Thành đóng vai trò quan trọng trong việc giúp thành phố củng cố vị thế này. “Quỹ đất dọc tuyến từ biển vào sông Soài Rạp đẹp vô cùng, nên tận dụng như thế nào cho hiệu quả nhất”, Bộ trưởng nói thêm.
Khai thác tốt hơn không gian biển “ít mà quý giá” cũng là kiến nghị của PGS-TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch, thành viên tổ chuyên gia tư vấn quy hoạch quốc gia. Vốn đã là một địa điểm thu hút hàng chục triệu lượt khách du lịch mỗi năm, nếu khéo khai thác tài nguyên quý Cần Giờ, nền công nghiệp không khói có thể đóng góp nhiều hơn vào tăng trưởng kinh tế - xã hội cho TPHCM.
Liên quan đến khai thác kinh tế hướng biển, TS Phạm Hoài Chung, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển GTVT ủng hộ phát triển tuyến đường ven biển đi qua cảng Phước An và cảng Cần Giờ, nhưng đề nghị bổ sung luận cứ chặt chẽ và đánh giá tác động kỹ lưỡng đến luồng hàng hóa phân bổ vào các cảng…