Phóng viên: Thưa ông, Luật Quy hoạch đã được Quốc hội thông qua từ năm 2017, song vừa qua, việc xây dựng quy hoạch tổng thể quốc gia và một số quy hoạch khác theo quy định của luật lại gặp không ít khó khăn. Ông có bình luận gì?
* TS NGUYỄN ĐỨC KIÊN: Theo tinh thần của Luật Quy hoạch, ưu tiên đầu tiên là phải lấy lợi thế cạnh tranh quốc gia làm trọng tâm, thứ hai là lợi thế vùng, sau đó mới là từng địa phương. Như vậy là các quy hoạch quốc gia phải ưu tiên làm trước, sau đó mới tỏa dần xuống các quy hoạch cấp thấp hơn, nhưng chúng ta lại không làm được.
Đến nay, mới có 7/111 quy hoạch đã được quyết định hoặc phê duyệt, trong đó ở cấp quốc gia có quy hoạch sử dụng đất quốc gia và 4 quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực giao thông vận tải. Nhưng, tôi cho rằng vẫn có điều chưa thuận. Đất là nguồn tài nguyên quan trọng của quốc gia và phải sử dụng sao cho hiệu quả nhất dựa trên cơ sở phát huy năng lực cạnh tranh quốc gia, lợi thế địa lý của vùng, khu vực, thì quy hoạch sử dụng đất phải là quy hoạch đi sau, sau khi có “ý đồ” phát triển các ngành, lĩnh vực cụ thể.
Ông có thể nêu ví dụ để minh chứng rõ hơn cho nhận định này?
* Một ví dụ khá điển hình là quy hoạch cảng Liên Chiểu của TP Đà Nẵng, rất khó có dư địa để phát triển thành một cảng biển tầm cỡ quốc tế, dù đó là mong muốn chính đáng của địa phương. Trong khi đó, chỉ cần sang bên kia đèo Hải Vân là có cảng Chân Mây, đã xây dựng xong 1 bến. Nếu tính đến lợi thế cạnh tranh vùng, tại sao chúng ta không đầu tư xây dựng Chân Mây một cách bài bản rồi đầu tư đường sắt để tăng tính kết nối? Nếu chia sẻ nguồn lực sang cảng Liên Chiểu thì cảng Chân Mây sẽ còn là “cô dâu 8 tuổi rất lâu, chưa thể gánh vác được kỳ vọng của bố mẹ và bố mẹ cũng chưa thể nào kén rể tốt được!”.
Quay lại với báo cáo quy hoạch tổng thể quốc gia mà Bộ KH-ĐT vừa “trình làng”, có ý kiến phân vân là tầm nhìn của quy hoạch này đến năm 2050, trong khi Văn kiện Đại hội XIII của Đảng cùng các văn kiện khác của Đảng và Nhà nước thường đề cập “tầm nhìn 2045”. Ông có bình luận gì?
* Báo cáo tổng hợp Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 được xây dựng khá toàn diện, đã đánh giá khá sát hiện trạng phát triển cũng như các điều kiện phát triển của quốc gia, trên cơ sở đó đưa ra quan điểm, mục tiêu và kịch bản phát triển. Định hướng tổ chức không gian phát triển các ngành, lĩnh vực cũng như vùng, lãnh thổ cũng đã tương đối rõ. Tất nhiên, đây mới là báo cáo bước đầu, đang trong giai đoạn lấy ý kiến góp ý để chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện.
Về tầm nhìn đến năm 2050, tôi cho là xác đáng. Đã là quy hoạch thì phải có tầm nhìn dài hạn. Quy hoạch là một khoa học khách quan, đặt nền móng trên cơ sở lợi ích bền vững của quốc gia chứ không phụ thuộc hoàn toàn vào chiến lược phát triển trong một giai đoạn nhất định.
Do có những khúc mắc nhất định trong việc triển khai thi hành Luật Quy hoạch, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có Nghị quyết 751 tạm thời hướng dẫn xây dựng cả quy hoạch cấp thấp và quy hoạch cấp cao, đồng thời cho phép tiếp tục thực hiện các quy hoạch đã phê duyệt trước khi có Luật Quy hoạch mà đang còn hiệu lực. Bản Quy hoạch tổng thể đang xây dựng làm thế nào để khâu nối, miết phẳng những “mảnh” quy hoạch đã có?
* Đúng là không dễ dàng! Cần hiểu rằng Nghị quyết 751 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là giải pháp mang tính tình thế, giải quyết trước mắt cho một số dự án đầu tư đang triển khai mà gặp khó khăn. Nhưng, đã là nghị quyết thì sẽ có không gian, thời gian và địa điểm áp dụng cụ thể chứ không phải là một quy định song hành lâu dài cùng với luật.
Tôi muốn nhắc lại một lần nữa vấn đề để tạo được bước chuyển đột phá từ quy hoạch thì phải có sự thay đổi lớn về tư duy phát triển, trước hết là từ bộ máy lãnh đạo. Phải chọn được những ngành, lĩnh vực có khả năng chủ động, độc lập, có vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu để phát triển trên cơ sở lợi thế cạnh tranh của quốc gia, của vùng, không phụ thuộc vào địa giới hành chính của một địa phương nào. Quy hoạch là phải có độ linh hoạt nhất định, tạo không gian chính sách thuận lợi cho địa phương điều hành thực hiện.
Vậy bây giờ, với những quy hoạch quốc gia đã có, ví dụ 4 quy hoạch của ngành giao thông, thì quy hoạch tổng thể quốc gia sẽ xử lý như thế nào?
* Hiện đã có quy hoạch đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không, cũng đã có quy hoạch vùng ĐBSCL, quy hoạch tổng thể quốc gia sẽ chỉ ra rằng cần xây dựng hệ thống đường sắt trước tiên từ Dĩ An (Bình Dương) ra Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu). Hệ thống đường sắt hoạt động tốt sẽ góp phần bảo vệ được môi trường, giảm thiểu ô nhiễm môi trường (khí thải động cơ); giảm tải cho quốc lộ 51; cho phép chúng ta tính toán chính xác quy mô công trình. Nhà đầu tư tham gia thực hiện quy hoạch được ưu đãi giao đất sạch, miễn giảm thuế…
Hoặc, để sân bay Long Thành phát huy được hiệu quả tốt nhất thì trong 11 tuyến đường sắt nội đô của TPHCM, ngoài 2 tuyến đang triển khai, chúng ta cần ưu tiên xây dựng tuyến đường kết nối TPHCM với Long Thành. Tuyến đường sắt hành khách này cần có tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp để chạy chung trên hệ đường sắt quốc gia, mặc dù được coi là đường sắt nội đô… Quy hoạch tổng thể cũng phải thiết kế chính sách cho những ngành công nghiệp phục vụ mục tiêu phát triển đường sắt như làm ray, đóng toa xe, tự động hóa đường sắt…
Như thế là bằng chính sách, Nhà nước đã kích thích các ngành kinh tế phát triển đúng hướng và hiệu quả.