Quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021-2030: Tiền đề phát triển trong thời kỳ mới

Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định phê duyệt quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng tạo tiền đề, định hướng phát triển và thu hút đầu tư của tỉnh Cà Mau trong chặng đường phát triển địa phương thời kỳ mới.
Phương hướng phát triển ngành quan trọng là xây dựng và phát triển tỉnh Cà Mau trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển của cả nước
Phương hướng phát triển ngành quan trọng là xây dựng và phát triển tỉnh Cà Mau trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển của cả nước

Nhanh, bền vững và toàn diện

Quan điểm phát triển tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là bảo đảm dân chủ, sự tuân thủ, tính liên tục, kế thừa, ổn định và phát triển. Đồng thời phát huy hợp lý, hiệu quả tiềm năng, lợi thế so sánh, cơ hội nổi trội, riêng biệt, lợi thế về biển đảo làm nền tảng phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Cà Mau nhanh, bền vững và toàn diện.

Qua đó, đưa Cà Mau trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển, trung tâm năng lượng tái tạo của vùng ĐBSCL; trung tâm xuất khẩu năng lượng tái tạo của cả nước. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, thu hút có hiệu quả các dự án đầu tư vào khu kinh tế, khu, cụm công nghiệp; sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực đầu tư, nhất là nguồn vốn đầu tư khu vực kinh tế tư nhân, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài để phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Theo quy hoạch, tỉnh Cà Mau sẽ phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa - xã hội, lấy giá trị văn hóa, con người Cà Mau làm nền tảng phát triển bền vững. Bảo tồn và phát huy giá trị di sản, văn hóa, lịch sử; phát triển kinh tế gắn với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, giảm nghèo và nâng cao chất lượng đời sống tinh thần, vật chất cho người dân. Tầm nhìn đến năm 2050, Cà Mau là tỉnh kinh tế phát triển, xã hội văn minh, hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu; các giá trị văn hóa mang bản sắc của con người Cà Mau được giữ gìn và phát huy. Môi trường sinh thái, đa dạng sinh học được bảo vệ, bảo tồn. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng số phát triển đồng bộ, hiện đại. Chính trị, quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm.

Trọng tâm và đột phá phát triển

Quy hoạch được duyệt cũng xác định các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá phát triển của tỉnh Cà Mau. Cụ thể, chủ động đề xuất xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp để huy động nguồn lực phát triển kinh tế biển, trọng tâm là đầu tư Cảng biển tổng hợp Hòn Khoai, Khu kinh tế Năm Căn, Đề án xuất khẩu điện tỉnh Cà Mau (sau khi được cấp thẩm quyền phê duyệt), năng lượng tái tạo; phát triển hạ tầng giao thông, đô thị, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, du lịch, hạ tầng phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tập trung cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện chuyển đổi số toàn diện. Phương hướng phát triển ngành quan trọng là phát triển nuôi biển công nghệ cao, hiệu quả và bền vững; ứng dụng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo trong bảo quản sau thu hoạch, chế biến sâu để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm biển.

Ông Nguyễn Đức Thánh, Giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh Cà Mau, cho biết, theo kế hoạch, ngày 11-12-2023, UBND tỉnh Cà Mau sẽ tổ chức hội nghị công bố, công khai Quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư tỉnh Cà Mau. Đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc tạo tiền đề, định hướng phát triển và thu hút đầu tư của tỉnh Cà Mau trong chặng đường phát triển địa phương thời kỳ mới. Tại sự kiện này, Cà Mau sẽ giới thiệu tiềm năng, những lĩnh vực thế mạnh, ưu tiên thu hút đầu tư của địa phương như: nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu thủy sản, cảng biển, năng lượng tái tạo, du lịch; chính sách nhằm tạo mọi điều kiện để các nhà đầu tư tiềm năng trong và ngoài nước dễ dàng tiếp cận dự án trọng điểm, thu hút đầu tư phát triển du lịch Cà Mau trong thời gian sớm nhất.

Về phát triển công nghiệp xây dựng, theo quy hoạch, đến năm 2030, Cà Mau trở thành trung tâm chế biến thủy sản và trung tâm năng lượng tái tạo của vùng ĐBSCL, trung tâm xuất khẩu năng lượng tái tạo của cả nước. Phát triển công nghiệp theo mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, đặc biệt thu hút đầu tư phát triển ngành công nghiệp sản xuất khí hydrogen, amoniac tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của các sản phẩm công nghiệp. Phát triển công nghiệp hóa chất phù hợp với điều kiện của tỉnh như: phân bón, khí công nghiệp, hóa chất cơ bản.

Phương án tổ chức hoạt động kinh tế - xã hội

Quy hoạch cũng xác định tỉnh Cà Mau có 3 vùng kinh tế và 5 cực tăng trưởng. Cụ thể, vùng phát triển dịch vụ - đô thị - công nghiệp trung tâm (với cực tăng trưởng là TP Cà Mau) là vùng đô thị trung tâm của tỉnh; trung tâm hành chính, kinh tế, khoa học - công nghệ, giáo dục và đào tạo, y tế của tỉnh; đầu mối phân phối hàng hóa, cung cấp dịch vụ cho toàn tỉnh.

Vùng phát triển đô thị - công nghiệp - kinh tế ngư, nông, lâm nghiệp ven biển Tây (với cực tăng trưởng là đô thị Sông Đốc) là vùng nuôi trồng, đánh bắt, chế biến thủy sản, dịch vụ hậu cần nghề cá; vùng nông nghiệp ngọt - lợ luân phiên; vùng lâm nghiệp phát triển theo mô hình bền vững gắn với bảo tồn Vườn quốc gia U Minh Hạ.

Vùng phát triển công nghiệp - đô thị - kinh tế ngư, nông, lâm nghiệp ven Biển Đông (với các cực tăng trưởng là đô thị Năm Căn - Khu kinh tế Năm Căn, đô thị Tân Thuận và đô thị Đất Mũi - Cảng biển tổng hợp Hòn Khoai) là đầu mối lưu thông hàng hóa đường biển, dịch vụ logistics thông qua Cảng biển tổng hợp Hòn Khoai, Khu kinh tế Năm Căn; vùng nuôi trồng thủy sản, rừng sản xuất; vùng trọng điểm phát triển du lịch của tỉnh. Bên cạnh đó, quy hoạch cũng xác định 2 hành lang kinh tế và các trục liên kết phát triển: hình thành và phát triển 2 hành lang kinh tế theo trục Bắc - Nam và hướng Đông - Tây dựa trên các tuyến giao thông đường bộ cao tốc, đường bộ trục ngang, đường ven biển, kết nối cảng biển, cảng hàng không, khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp gắn với các đô thị, các trục liên kết phát triển và các cực tăng trưởng.

Kết nối với hành lang ven biển phía Nam của tiểu vùng Mê Kông mở rộng (hành lang kinh tế Hà Tiên - Rạch Giá - Cà Mau), góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Cà Mau và cả vùng ĐBSCL. Hành lang kinh tế Bắc - Nam (TP Cà Mau - Cái Nước - Năm Căn - Đất Mũi) là hành lang kinh tế động lực, quan trọng đóng góp lớn cho phát triển kinh tế - xã hội, dựa trên liên kết các khu vực phát triển của tỉnh, gồm: TP Cà Mau, huyện Cái Nước, Khu kinh tế Năm Căn, Khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau và kết hợp với Cảng biển tổng hợp Hòn Khoai; là cơ sở phát triển mạng lưới giao thông kết nối phát triển hệ thống đô thị và các khu chức năng chính; là trục phát triển theo tuyến cao tốc Cần Thơ - TP Cà Mau - Năm Căn - Đất Mũi.

Hành lang kinh tế Đông -Tây (Tân Thuận - Sông Đốc) là hành lang kinh tế kết nối khu vực phía Đông và phía Tây của tỉnh thông qua tuyến đường trục Đông - Tây từ Tân Thuận kết nối với Sông Đốc, tạo động lực đầu tư kết cấu hạ tầng gắn kết thúc đẩy phát triển các khu, cụm công nghiệp, các trung tâm du lịch, dịch vụ logistics, nông nghiệp, công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo nhằm khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế từ biển; phát triển các khu đô thị, điểm dân cư ven biển, hình thành chuỗi đô thị ven biển.

Đến năm 2030, Cà Mau trở thành tỉnh phát triển khá của vùng ĐBSCL; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại; có nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển; hệ sinh thái được bảo tồn, thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu. Quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, người dân có cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt trên 7,5%/năm; quy mô GRDP năm 2030 gấp 2-2,5 lần so với năm 2020; GDP bình quân đầu người đạt trên 146 triệu đồng/năm; thu ngân sách giai đoạn 2021-2030 bình quân tăng 12%-15%/năm.

Tin cùng chuyên mục