Quy hoạch Thủ đô Hà Nội: Văn hóa và con người là nền tảng xuyên suốt

Các nội dung phương án Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tập trung xoay quanh 5 trụ cột phát triển gồm: Văn hóa, con người và di sản nghìn năm văn hiến; Phát triển kinh tế xanh, kinh tế số; Hạ tầng kết nối đồng bộ, hiện đại; Xã hội số, đô thị thông minh và khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

5 trụ cột phát triển

Ngày 21-11, tại Hà Nội, Thành ủy Hà Nội phối hợp với Tạp chí Cộng sản tổ chức hội thảo khoa học “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn trong xây dựng và thực hiện Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.

Ông Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội phát biểu đề dẫn hội thảo

Ông Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội phát biểu đề dẫn hội thảo

Đề dẫn khai mạc hội thảo, ông Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội nêu rõ, TP Hà Nội tổ chức lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, là một trong những nội dung quan trọng để triển khai thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị “Về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Trên cơ sở đề cương định hướng được Ban chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội thông qua, dự thảo Quy hoạch Thủ đô Hà Nội được xây dựng với tinh thần khẩn trương, phương pháp tích hợp, đồng bộ, cách làm linh hoạt, sáng tạo, đổi mới, với mục tiêu xuyên suốt đó là văn hóa và con người vừa là nền tảng, nguồn lực, động lực phát triển Thủ đô.

Hội thảo khoa học về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội đã thu hút được đông đảo các chuyên gia, nhà quản lý và doanh nghiệp

Hội thảo khoa học về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội đã thu hút được đông đảo các chuyên gia, nhà quản lý và doanh nghiệp

Theo ông Hà Minh Hải, dự thảo báo cáo tổng hợp Quy hoạch Thủ đô Hà Nội đang được gửi xin ý kiến gồm 1.200 trang kèm theo hệ thống sơ đồ, bản đồ được số hóa. Theo đó, Thủ đô Hà Nội được nghiên cứu tổ chức thành 5 vùng phát triển kinh tế - xã hội, 5 không gian chú trọng phát triển (không gian văn hoá, không gian xây dựng, không gian ngầm, không gian xanh, không gian số), các định hướng quy hoạch ngành, lĩnh vực, địa bàn được tập trung theo 5 tuyến hành lang và vành đai kinh tế, gắn với 5 trục phát triển, cùng với hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ (đường vành đai và đường sắt đô thị); Đồng thời nghiên cứu hình thành 2 thành phố trực thuộc Thủ đô, tạo nên hình ảnh Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại - Kết nối toàn cầu” với những đặc trưng về kinh tế- xã hội phát triển, văn hóa đặc sắc, môi trường xanh, người dân được thụ hưởng cuộc sống có chất lượng tốt.

Các nội dung phương án Quy hoạch Thủ đô tập trung xoay quanh 5 trụ cột phát triển gồm Văn hóa, con người và di sản nghìn năm văn hiến; Phát triển kinh tế xanh, kinh tế số; Hạ tầng kết nối đồng bộ, hiện đại; Xã hội số, đô thị thông minh và khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải khẳng định, việc tổ chức hội thảo “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn trong xây dựng và thực hiện Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” nhằm mục đích làm rõ thêm những vấn đề lý luận và thực tiễn trong xây dựng Quy hoạch Thủ đô, đồng thời tiếp tục gợi mở, đề xuất các ý tưởng, giải pháp xây dựng quy hoạch, nhất là các nội dung đột phá, các trọng tâm và việc khai thác, huy động nguồn lực để thực hiện Quy hoạch một cách hiệu quả, bền vững.

“Với tinh thần cầu thị, lắng nghe, chúng tôi rất mong rằng, các chuyên gia, nhà khoa học và toàn thể quý vị đại biểu tiếp tục tham gia ý kiến đề xuất các ý tưởng, giải pháp trong quá trình xây dựng và phát triển Thủ đô, các giải pháp tổ chức hiệu quả xây dựng và thực hiện Quy hoạch Thủ đô”, ông Hà Minh Hải nhấn mạnh.

Đại diện những giá trị tiêu biểu của người Việt Nam

Tham luận tại hội thảo, PGS-TS Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản cho rằng, Hà Nội sẽ có nhiều trục phát triển, nhưng cần nhất quán đối với trục phát triển sông Hồng về tâm linh, môi trường, giao thông, kiến trúc, văn hóa... vì có tính kết nối cao, rộng nhất, trên nhiều phương diện. Từ trục phát triển sông Hồng, quy hoạch chi tiết của các quận, huyện sẽ lưu ý thêm tới những chi lưu của sông Hồng (sông Cà Lồ, sông Ngũ Huyện Khê, sông Đuống ở tả ngạn; sông Đáy, sông Nhuệ, sông Tô Lịch ở hữu ngạn).

PGS-TS Nguyễn Ngọc Hà tham luận tại hội thảo

PGS-TS Nguyễn Ngọc Hà tham luận tại hội thảo

Về tương quan giữa các thành tố phát triển, trong quy hoạch Thủ đô cần quan tâm hàng đầu đến yếu tố văn hóa. “Quy hoạch Hà Nội theo hướng là thành phố di sản, có văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, mang bản sắc Thủ đô ngàn năm văn hiến; Hà Nội là thành phố sáng tạo, công nghiệp văn hoá phát triển, thành phố thông minh; là điểm đến của du lịch văn hoá, ẩm thực và trung tâm dịch vụ chất lượng cao; thành phố của các sự kiện văn hoá mang tầm quốc tế thường niên; thành phố hiện đại nhưng thanh bình với con người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho văn hóa, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam”, PGS-TS Nguyễn Ngọc Hà gợi ý.

Trong khi đó, GS-TS Hoàng Văn Cường, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, đại diện Liên danh tư vấn Quy hoạch Thủ đô đã thẳng thắn chỉ rõ những điểm nghẽn trong phát triển Thủ đô hiện nay. Đó là thiếu thể chế; hạ tầng chưa đồng bộ, đặc biệt là hạ tầng giao thông công cộng, đường sắt đô thị chưa phát triển; quy hoạch đô thị và các quy chuẩn kèm theo quy hoạch; ô nhiễm môi trường và các quy định về phòng chống lũ và năng lực, ý thức và tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ thực thi trong bộ máy quản lý còn hạn chế, e dè, né tránh, không tạo được những đột phá, dám nghĩ dám làm trong thực thi công vụ.

GS-TS Hoàng Văn Cường làm rõ những điểm nghẽn trong phát triển Thủ đô

GS-TS Hoàng Văn Cường làm rõ những điểm nghẽn trong phát triển Thủ đô

Về định hướng quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, GS-TS Hoàng Văn Cường nhấn mạnh quan điểm hàng đầu là phát triển nhanh, bền vững, sáng tạo, bao trùm, trở thành cực tăng trưởng có vai trò lan tỏa và dẫn dắt, thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng động lực phía Bắc và cả nước; tạo dựng được hình ảnh, vị thế phồn vinh, thịnh vượng của quốc gia trên trường quốc tế; làm hình mẫu lan tỏa cho phát triển của vùng, đi trước cả nước các chỉ tiêu về nước công nghiệp và nước phát triển.

GS-TS Phùng Hữu Phú, nguyên Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương nêu rõ, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội phải quán triệt sâu sắc, thống nhất thực hiện triết lý: “Phát sáng nhân tài - Khai phóng trí tuệ - Lan tỏa nhân văn - Hòa điệu tự nhiên - Tiến cùng thời đại”.

Tin cùng chuyên mục