Theo dự báo từ nhiều chuyên gia, nếu muốn bắt đầu xây dựng thành công đô thị thông minh thì đến năm 2025, TPHCM cần vươn lên thứ hạng dưới 50 trong các bảng xếp hạng TP lý tưởng, có nền công nghệ đuổi kịp những xu thế mới nhất.
Đào sâu công nghệ thông tin
Dự thảo đề án xây dựng đô thị thông minh của TPHCM được đánh giá đề cập rất cụ thể, chi tiết đến công nghệ thông tin. Theo ý kiến nhiều chuyên gia, trước mắt, TP cần tập trung nguồn lực tăng cường áp dụng công nghệ thông tin trong một số lĩnh vực mang tính cấp bách, liên quan trực tiếp đến quyền lợi người dân. Song song đó, cơ quan chức năng nên bổ sung, nghiên cứu thêm dự báo về những thay đổi cũng như khả năng thực hiện thành công kế hoạch vào các thời điểm đề ra.
Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ, Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, cho rằng trước khi xây dựng đô thị thông minh, TP nên đầu tư công nghệ thông tin trong giải pháp tăng nhanh năng suất lao động, điều hành trôi chảy giao thông, thúc đẩy cải cách hành chính và khai thông 7 chương trình đột phá. “TPHCM cần xác định điều kiện cần và đủ để thực hiện đề án. Nếu thấy chưa hội tụ điều kiện cần và đủ thì nên tính toán lại”, Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ góp ý.
Tương tự, luật sư Trương Thị Hòa, Đoàn Luật sư TPHCM, nhận định công nghệ thông tin đóng vai trò quan trọng trong chiến lược xây dựng TP thông minh. Vấn đề chính quyền cần suy nghĩ là làm sao giúp người dân thụ hưởng những tiện ích từ công nghệ, qua đó nâng cao đời sống. Luật sư Trương Thị Hòa dẫn chứng xu hướng sử dụng Grap, Uber với ứng dụng công khai giá cước trên phần mềm tương tác đã tạo thêm sự lựa chọn cho người dân, đặc biệt là nhóm thu nhập trung bình và thấp.
Quan tâm đến mọi đối tượng
Không chỉ vậy, theo luật sư Trương Thị Hòa, đô thị thông minh không chỉ là đô thị sở hữu công nghệ hiện đại mà còn là xã hội tuân thủ luật pháp, chăm lo người yếu thế. Có như vậy, mọi tầng lớp nhân dân mới có điều kiện thụ hưởng mọi tiện ích.
Luật sư nói: “Trên thế giới có nhiều đô thị đưa tiêu chí tỷ lệ phạm pháp càng thấp càng đạt tiêu chuẩn thông minh xuyên suốt công cuộc xây dựng và phát triển. Ngoài ra, họ dùng công nghệ phục vụ công tác xây dựng chính sách, hoàn thiện luật pháp. Thiết nghĩ, TPHCM nên tiếp thu và học hỏi. Bên cạnh đó, tôi chưa thấy TP đề cập đến chính sách chăm lo người yếu thế hay quyền lợi của những đối tượng cần bảo trợ (người khuyết tật, người già neo đơn…) trong kế hoạch xây dựng TP thông minh. Trong đề án, tôi cũng ít thấy bóng dáng doanh nghiệp, kiều bào. Trong khi, họ là lực lượng mạnh sáng tạo, đồng thời sử dụng nhiều công nghệ. Nói cách khác, tất cả đối tượng đều có quyền tiếp cận với các tiện ích trong TP thông minh, đặc biệt là những đối tượng nêu trên”.
Giáo sư Ngô Bảo Sơn cũng đồng tình với chủ trương xây dựng đề án đô thị thông minh của TPHCM. Tuy nhiên, giáo sư nhận thấy quy mô đề án quá rộng. Do đó, các cấp chính quyền cần chuẩn bị đầy đủ nguồn nhân lực thực hiện công việc triển khai, xây dựng và vận hành chính quyền thông minh; cũng như tính toán kỹ lộ trình thực hiện.
“Mục tiêu của đề án TP thông minh là lấy người dân làm trọng tâm. Do đó, TP luôn kêu gọi ý kiến đóng góp của mọi tầng lớp nhân dân. Chúng tôi mong người dân đồng thuận, đồng hành và giám sát quá trình thực hiện. Tiêu chí chung TP đặt ra là tập trung xây dựng chính quyền điện tử và quy hoạch thông minh để thúc đẩy kinh tế phát triển, đồng thời tạo ra các tiện ích phục vụ mọi đối tượng người dân. Quy hoạch thông minh sẽ giúp dự báo và đề phòng, ngăn ngừa các diễn biến bất lợi có thể xảy ra, ảnh hưởng đến môi trường đô thị. Chính quyền điện tử giúp nâng cao hiệu quả quản lý, tăng tính công khai, minh bạch của cơ quan nhà nước, giảm phiền hà cho người dân và doanh nghiệp”.
Lê Quốc Cường
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM