Xây bệnh viện dưới đường điện cao thế?
Năm 2013, TPHCM xây dựng đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 khu dân cư Hiệp Bình Chánh - Linh Đông (nay thuộc TP Thủ Đức), thửa đất số 729, tờ bản đồ 44, phường Linh Đông được phê duyệt nằm trong quy hoạch đất y tế, xây dựng cơ sở khám chữa bệnh. Tuy nhiên, khu đất này lại chạy dọc dưới đường điện cao thế.
Bà Trần Phi Yến, chủ thửa đất số 729 cho biết, cảm thấy bất an khi sống dưới đường điện, không dám xin phép xây nhà cao tầng, mà có xin chưa chắc chính quyền cho nên chỉ sử dụng trồng cây.
“Gần 10 năm nay kể từ ngày khu đất dự kiến quy hoạch để xây dựng bệnh viện, trạm y tế vẫn án binh bất động, không ai đoái hoài. Nhìn đường dây điện cao thế chạy ngang mái nhà, ai cũng lo lắng. Vậy mà chính quyền lại quy hoạch xây bệnh viện thì ai dám vào để chữa bệnh, nếu không di chuyển đường điện”, bà Yến tâm sự.
Còn theo ông Nguyễn Viết Hiên, một cư dân cũng có nhà đất nằm trong quy hoạch xây dựng bệnh viện cho biết, ngành điện lực đã nhiều lần cảnh báo người dân nguy cơ mất an toàn khi sinh sống dưới đường điện cao thế. Do đó, để tránh lãng phí, tạo thu nhập cho gia đình, người dân tận dụng trồng cây, làm nhà kho, nhưng nhân viên điện lực thỉnh thoảng vẫn nhắc nhở để tránh tai nạn về điện.
“Đối với những công trình dân sinh xây dựng thấp, quy mô nhỏ đã không được phép xây dựng, thì quy hoạch công trình bệnh viện, trung tâm y tế có quy mô lớn rất khó đảm bảo an toàn. Vì quy hoạch không sát thực tế nên đồ án quy hoạch thiếu khả thi, không biết đến lúc nào mới có bệnh viện, trạm y tế”, ông Hiên chia sẻ.
Tình trạng quy hoạch thiếu thực tế, không khả thi hoặc gây bất cập, ô nhiễm môi trường hiện nay không phải ít, đặc biệt là ở các huyện ngoại thành.
Ông Thái Văn (ngụ đường kênh Xã Tĩnh, xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh) cho biết, nhiều người dân ở đây làm nông nghiệp nhưng bị bao quanh bởi hàng loạt khu công nghiệp.
“Khu đất nông nghiệp chỉ cách nhà máy, khu công nghiệp một con rạch nhỏ. Nhiều năm nay, nước thải công nghiệp đã làm ô nhiễm dòng kênh, người dân khó khăn trong việc tưới tiêu, trồng trọt nên sớm muộn gì cũng bỏ nghề nông, để đất đai hoang hóa lãng phí”, ông Văn thổ lộ.
Cần điều chỉnh phù hợp
Xung quanh bức xúc của người dân về quy hoạch bệnh viện thiếu thực tế tại phường Linh Đông, ông Trương Trung Kiên, nguyên Chủ tịch UBND quận Thủ Đức (cũ) cho biết, chính quyền đã ghi nhận ý kiến về các hạn chế của khu đất khi sử dụng làm chức năng y tế. Tuy nhiên, hiện nay chưa đủ cơ sở và điều kiện để đề xuất việc điều chỉnh cục bộ đồ án quy hoạch đã được phê duyệt theo hướng khả thi hơn. Rõ ràng, lãnh đạo chính quyền địa phương đã thấy bất cập trong công tác quy hoạch. Thế nhưng để sửa chữa, khắc phục thì phải chờ!
Theo các chuyên gia pháp lý, những đồ án quy hoạch thiếu khả thi không chỉ hao tốn ngân sách mà còn dẫn đến lãng phí tài nguyên đất đai, ảnh hưởng quyền lợi chính đáng của người sử dụng đất.
Theo luật sư Nguyễn Chính Hạnh (Đoàn Luật sư TPHCM), không ít đồ án quy hoạch chất lượng thấp vì không tuân thủ đúng quy định pháp luật. Việc lấy ý kiến đóng góp của người dân về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa được thực hiện nghiêm túc, nhiều nơi chính quyền còn thiếu lắng nghe, tiếp thu. Vì vậy, quy hoạch xong không triển khai được thành ra quy hoạch treo hoặc quy hoạch một đằng, triển khai một nẻo, gây kiện tụng, bức xúc trong dân.
Còn theo luật gia Nguyễn Văn Khôi (Trung ương Hội Luật gia Việt Nam), Điều 52, Luật Quy hoạch năm 2017 về rà soát quy hoạch đã nêu rõ định kỳ 5 năm phải rà soát quy hoạch để điều chỉnh phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội từng giai đoạn.
“Cơ quan tổ chức lập quy hoạch có trách nhiệm rà soát quy hoạch. Vì thế, lãnh đạo địa phương cần xem xét điều chỉnh các đồ án thiếu thực tế, không khả thi theo đúng luật định để tránh quy hoạch treo. Nhà nước cần chế tài mạnh đối với hành vi không chấp hành luật, dẫn đến quy hoạch chất lượng thấp, thiếu khả thi. Chỉ khi đồ án quy hoạch có tính khả thi cao mới xóa được quy hoạch treo, quyền lợi chính đáng của người dân mới được đảm bảo”, luật gia Nguyễn Văn Khôi nhấn mạnh.
UBND TPHCM vừa có báo cáo Công tác lập quy hoạch TPHCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy định của Luật Quy hoạch. Hiện TPHCM đang lập đồng thời 4 quy hoạch: Quy hoạch TP thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Điều chỉnh Quy hoạch chung TP đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060; Quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch cấp nước TP đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060. Theo đó, thời kỳ và tầm nhìn lập các quy hoạch là khác nhau nên khó khăn đối với yêu cầu đồng bộ, tương thích nội dung và thời điểm khớp nối các quy hoạch trong quá trình triển khai. |