Đó là những kết luận cơ bản được nêu trong Báo cáo Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành.
Sáng 30-5, trong phiên họp toàn thể của Quốc hội, Quốc hội đã nghe ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Phó trưởng đoàn thường trực Đoàn Giám sát “việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành” trình bày báo cáo của Đoàn về vấn đề này.
Theo báo cáo, việc xây dựng, ban hành Luật Quy hoạch là nỗ lực, cố gắng lớn của Quốc hội, Chính phủ trong việc thể chế hóa Nghị quyết 13-NQ/TW ngày 16-1-2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI.
Tuy nhiên, quá trình tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch còn nhiều khó khăn, vướng mắc do quy định của Luật Quy hoạch còn bất cập, chưa rõ ràng, còn cách hiểu khác nhau. Tiến độ lập các quy hoạch rất chậm dẫn đến khi các quy hoạch thời kỳ 2011-2020 hết hiệu lực thì không còn cơ sở để thực hiện các dự án đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội.
Do tiến độ lập quy hoạch theo Luật Quy hoạch chậm nên phải tiếp tục kéo dài thời hạn và điều chỉnh Quy hoạch hiện hành thời kỳ 2011 - 2020, vì vậy đang tồn tại song hành, đồng thời áp dụng hai loại quy hoạch.
Việc quản lý đầu tư, kinh doanh đối với một số ngành sản xuất sản phẩm gặp khó khăn do chưa có chính sách thay thế các quy hoạch ngành, sản phẩm đã hết hiệu lực hoặc chưa được hướng dẫn cụ thể. Bên cạnh đó, chưa đánh giá đầy đủ tác động việc bãi bỏ các quy hoạch đối với một số ngành cụ thể…
Những tồn tại, hạn chế nêu trên do nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Bên cạnh nguyên nhân do quy định pháp luật về quy hoạch còn bất cập còn do việc tổ chức thực hiện công tác quy hoạch ở các cấp, các ngành, các địa phương còn nhiều hạn chế.
Từ thực tế giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Đoàn giám sát đề nghị Chính phủ hướng dẫn quy trình lập quy hoạch bằng phương pháp tích hợp để lập quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh theo quy định tại Điều 16 của Luật Quy hoạch.
Bên cạnh đó, đề nghị bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xem xét, quyết định áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn để lập các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh mà chưa lựa chọn được nhà thầu. Trình tự, thủ tục chỉ định thầu được thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
“Trường hợp người có thẩm quyền quyết định không áp dụng hình thức chỉ định thầu hoặc áp dụng mà không lựa chọn được nhà thầu thì có thể áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, tự thực hiện hoặc lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt theo quy định của Luật Đấu thầu để lựa chọn nhà thầu. Người có thẩm quyền quyết định lựa chọn nhà thầu phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình, bảo đảm công khai, minh bạch, chất lượng, hiệu quả, phòng chống tiêu cực, tham nhũng lãng phí trong công tác quy hoạch”, ông Vũ Hồng Thanh giải thích rõ.
Cũng nằm trong số những kiến nghị đáng lưu ý là việc lập đồng thời các quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch và các luật, pháp lệnh khác về quy hoạch. Quy hoạch nào lập, thẩm định xong trước thì được quyết định hoặc phê duyệt trước. Sau khi quy hoạch được quyết định hoặc phê duyệt, nếu có mâu thuẫn giữa quy hoạch thấp hơn với quy hoạch cao hơn thì quy hoạch thấp hơn phải điều chỉnh theo quy hoạch cao hơn.
Trường hợp có mâu thuẫn giữa các quy hoạch cùng cấp thì căn cứ vào Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, các văn kiện của Đảng, chiến lược phát triển ngành và từ yêu cầu thực tiễn, cơ quan phê duyệt quy hoạch quyết định điều chỉnh quy hoạch, bảo đảm tính liên kết, đồng bộ, kế thừa, ổn định và hệ thống giữa các quy hoạch.