Chiều 19-9, trình bày Báo cáo Thẩm tra sơ bộ dự án Luật sửa đổi, bổ sung các luật có quy định liên quan đến quy hoạch tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế cơ bản tán thành với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành luật để bảo đảm các quy định về quy hoạch có hiệu lực thi hành cùng với Luật Quy hoạch từ ngày 1-1-2019.
“Tuy nhiên, việc dùng một luật sửa đổi, bổ sung 37 luật hiện hành thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau là khó khăn, thách thức rất lớn; đặc biệt trong việc rà soát, đối chiếu để vừa phải bảo đảm tính thống nhất trong mỗi đạo luật, tính thống nhất giữa các văn bản trong hệ thống pháp luật và bảo đảm tính khả thi trong quá trình triển khai thực tiễn”, ông Thanh nhấn mạnh.
Về phạm vi điều chỉnh của dự án luật, ngoài 14 luật thuộc Phụ lục III của Luật Quy hoạch, tờ trình của Chính phủ cũng kiến nghị sửa đổi, bổ sung 23 luật khác có liên quan nhằm bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với Luật Quy hoạch.
Tán thành việc mở rộng phạm vi sửa đổi, bổ sung các luật như trên song cơ quan thẩm tra đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ lưỡng, bảo đảm không để sót các quy định liên quan cần sửa đổi, bổ sung, cũng như không mở rộng ra ngoài phạm vi quy định.
Trong số những nội dung cụ thể, đáng lưu ý, Thường trực Ủy ban Kinh tế thống nhất việc bãi bỏ quy định sử dụng quy hoạch làm điều kiện cấp phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng, cấp phép biên tập kênh chương trình nước ngoài trên dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền và cung cấp dịch vụ truyền dẫn, phát sóng, do đây là hành vi bị cấm theo khoản 2 Điều 13 Luật Quy hoạch. Mặt khác, các ngành, nghề nói trên là các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, pháp luật hiện hành đã có những quy định cụ thể về điều kiện, quy chuẩn cho việc đầu tư, kinh doanh những ngành, nghề này. Việc sửa đổi như trên không ảnh hưởng đến hoạt động quản lý nhà nước, không làm phát sinh thủ tục hành chính mới.
Về thẩm quyền phê duyệt các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành trong lĩnh vực giao thông vận tải, có ý kiến tán thành với ý kiến của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đề nghị quy định Bộ trưởng Bộ GTVT có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành để cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm tính linh hoạt trong quá trình thực thi và giảm bớt gánh nặng cho Thủ tướng Chính phủ phải phê duyệt quá nhiều loại quy hoạch.
Ý kiến khác cho rằng, việc quy định Bộ GTVT vừa là cơ quan có thẩm quyền lập quy hoạch, vừa thẩm định, vừa phê duyệt quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành sẽ không bảo đảm được tính độc lập, khách quan, minh bạch trong quản lý quy hoạch. Vì vậy, các quy hoạch này cần được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy giữa cơ quan lập và phê duyệt quy hoạch cần phải có tính độc lập để bảo đảm tính khách quan, minh bạch trong quá trình thực hiện. Do đó, theo Thường trực Ủy ban Kinh tế, quy định như dự thảo luật là phù hợp, tương tự như thẩm quyền phê duyệt đối với quy hoạch của các loại hình giao thông khác hiện hành.
Về nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Thường trực Ủy ban Kinh tế và Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng Luật Đất đai quy định về các vấn đề liên quan đến nội dung quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc phòng, quy hoạch sử dụng đất an ninh là không phù hợp với quy định của Luật Quy hoạch. Mặt khác sẽ gây phức tạp trong áp dụng pháp luật khi cùng một nội dung quản lý lại được quy định ở nhiều văn bản khác nhau. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo chỉnh lý dự thảo luật theo hướng quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc phòng và quy hoạch sử dụng đất an ninh thực hiện theo Luật Quy hoạch để tránh sự trùng lặp, thiếu thống nhất về nội dung, thẩm quyền. Chính phủ sẽ quy định tại Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch.