Chiều 30-10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025) quốc gia.
Các ý kiến tại phiên họp nhấn mạnh, đất đai không chỉ là nguồn tài nguyên đặc biệt, mà còn là không gian sinh tồn, là lãnh thổ quốc gia, là nguồn lực phát triển. Giá trị quyền sử dụng đất là quyền tài sản đặc biệt, vì vậy, quy hoạch sử dụng đất phải gắn với phát triển kinh tế thị trường và phù hợp với các quy luật thị trường.
ĐB Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) nhận xét, trong khi diện tích đất trồng lúa ở trung du và miền núi có xu hướng tăng thì ở đồng bằng lại giảm; đặc biệt là ở một số tỉnh là trọng điểm trồng lúa ở miền Bắc.
“Việc chuyển một phần diện tích đất sang làm khu công nghiệp là không tránh khỏi, nhưng khi lấy đất làm khu công nghiệp thì sẽ dẫn đến một diện tích khác bị ảnh hưởng, không trồng trọt được nữa, do đó khi chuyển mục đích sử dụng cần rất cân nhắc”, nữ ĐB nói và đề nghị ngân sách hỗ trợ cho những tỉnh giữ đất lúa; hỗ trợ cho sản phẩm lúa gạo để người trồng lúa có được mức thu nhập phù hợp.
Có cùng quan điểm người trồng lúa rất vất vả, thu nhập thấp, hiệu quả sản xuất chỉ bằng 1/10 thuỷ sản, trong khi lại “chiếm” nhiều không gian phát triển, song ĐB Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ) đề nghị xem xét khái niệm “an ninh lương thực quốc gia” theo nghĩa rộng.
Theo ĐB, mức tiêu thụ gạo bình quân đang giảm rõ rệt, trong bối cảnh đó thì giữ lại tới 3,5 triệu ha đất lúa là quá lớn. Hơn nữa, việc “bắt” ĐBSCL gánh tới 50% diện tích đất lúa là quá lớn, khiến cho vùng này khó có thể đạt được hiệu quả kinh tế cao. ĐB đề nghị tính toán kỹ theo hướng giảm bớt diện tích đất lúa xuống khoảng 3,2 triệu ha vào năm 2025.
Bày tỏ quan tâm sâu sắc đến những vấn đề môi trường, ĐB Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường nhận định, với định hướng phát triển kinh tế “xanh” thì cần giảm diện tích đất bãi thải, đồng thời với việc chú trọng đầu tư cho công nghệ xử lý chất thải. Ngược lại, cần dành đủ quỹ đất để xây dựng cơ sở hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu. Đáng lưu ý, ĐB đề xuất bổ sung chỉ tiêu rừng ngập mặn ven biển.
ĐB Tuấn Anh và nhiều ĐB khác cũng lưu ý về tầm quan trọng của hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai mà ông cho là đến nay vẫn chưa hoàn chỉnh. “Sau khi phê duyệt quy hoạch đất đai, Chính phủ cần tập trung nỗ lực xây dựng cơ sở dữ liệu làm cơ sở cho các quyết sách về kinh tế xã hội. Với các đô thị, cần thúc đẩy phát triển cả không gian ngầm và trên cao để tiết kiệm tối đa quỹ đất”, ông Tuấn Anh phát biểu.
Bày tỏ thống nhất cao với Tờ trình của Chính phủ, ĐB Nguyễn Thị Lệ, Đoàn ĐBQH TPHCM phân tích một số vướng mắc hiện nay liên quan đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Theo ĐB, quy hoạch sử dụng đất phải gắn chặt với quy hoạch xây dựng và các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng, đô thị, nông thôn, các khu chức năng… Đơn cử, tình trạng không rõ ràng trong quy hoạch sử dụng “đất hỗn hợp” đã khiến cơ quan chức năng không “dám” phê duyệt cho người dân sử dụng đất, gây ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của nhân dân…
“Trong những năm gần đây, thiên tai dịch bệnh xảy ra với mức độ ngày càng nghiêm trọng nên quy hoạch sử dụng đất phải phù hợp với phát triển bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu”, ĐB Nguyễn Thị Lệ nói và đề nghị Quốc hội sớm sửa đổi Luật Đất đai và các văn bản có liên quan theo nguyên tắc này.