Một lũy đất được Nguyễn Hữu Kính xây dựng từ phía dưới rạch Thị Nghè lên Chí Hòa, vào gần đến Rạch Cát, để bảo vệ phía Tây Bắc và Tây Nam Sài Gòn; còn phía Đông Bắc và Đông Nam Sài Gòn đã được bảo vệ bởi rạch Thị Nghè, sông Tân Bình và rạch Bến Nghé.
Chính những dãy gò đồi ở bờ Tây sông Sài Gòn đã tạo nên một thế đất cao ráo và vững chãi, rất thuận tiện cho việc xây dựng một trung tâm hành chính - quân sự. Thành Phiên An, tiền thân của thành Gia Định sau này, được chúa Nguyễn xây dựng trở thành tụ điểm của một hệ thống sông ngòi, kênh rạch dày đặc như rạch Thị Nghè, rạch Bến Nghé, rạch Cầu Kho nối liền với các tỉnh miền Tây. Chính địa hình tự nhiên đã đóng vai trò quan trọng để khởi phát nên một Sài Gòn thuở ban sơ.
Kể từ thế kỷ 18, cụ thể là năm 1772, khi thay thế Cù Lao Phố, Đồng Nai, trở thành trung tâm kinh tế, xã hội của cả vùng Nam bộ, Sài Gòn nhanh chóng trở thành một địa danh nổi tiếng, là thị trấn đông đúc với hơn một vạn dân và là thủ phủ của dinh Phiên Trấn, chủ yếu phát triển ở bờ Tây sông Sài Gòn. Cả sau này, khi chiếm được Gia Định vào năm 1859, và dự kiến quy hoạch xây dựng nơi đây thành một đô thị lớn nhiều chức năng như hành chính, quân sự, kinh tế, cảng… người Pháp cũng không nghĩ khác.
2. Bản quy hoạch của Coffyn có tên “Projet de Ville de 500.000 âmes à Saigon” (dự án TP 500.000 người tại Sài Gòn), do đại tá công binh Lucien Florent Paul Coffyn khởi thảo, được đệ trình vào ngày 30-4-1862, và nhanh chóng được chuẩn đô đốc Bonard, tư lệnh quân viễn chinh Pháp tại Nam Kỳ chấp thuận cho triển khai. Đó là một phương án đô thị, chỉ chú tâm đến việc xây một TP theo dạng chia ô bàn cờ để bán đất.
Điều này dễ hiểu vì bản quy hoạch Coffyn là sản phẩm nặng tư duy chiếm hữu thực dân, khi ra đời cốt để mang lợi nhuận tối đa cho chính quyền thuộc địa Pháp. Dầu vậy, theo kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái, ý tưởng mở rộng TP của Coffyn bằng cách san phẳng thành Gia Định đã góp phần xóa bỏ lối quy hoạch phát triển của "thành lũy phòng thủ" thời phong kiến, và mở ra giai đoạn quy hoạch phát triển của các "trung tâm đô thị mở" thời đại công nghiệp mới dành cho Sài Gòn.
Đến năm 1864, do diện tích dự kiến của TP quá rộng, đặc biệt tình hình trị an đòi hỏi người Pháp phải thu hẹp phạm vi quy hoạch, tách khu Chợ Lớn ra để tập trung đầu tư xây dựng khu trung tâm Sài Gòn. Năm 1887, với tầm vóc sầm uất và quy mô xây dựng đô thị ngày càng hoàn chỉnh, Sài Gòn đã được chọn làm thủ phủ của toàn Đông Dương. Kể từ đó trở về sau, dự án mở rộng TP Sài Gòn nhiều lần triển khai và thay đổi, nhưng chủ yếu vẫn là xoay chuyển quanh phần địa giới bờ Tây, tức hữu ngạn sông Sài Gòn. Sau đó có một số bản quy hoạch và chỉnh trang đô thị nối tiếp theo.
Năm 1923, bản quy hoạch của kiến trúc sư Hébrard, nhà quy hoạch Pháp nổi tiếng thời bấy giờ, đặt vấn đề hoàn chỉnh hệ thống kỹ thuật hạ tầng, chủ yếu là ga xe lửa và cảng sông, mở rộng quy mô xuống phía Nam, sang Khánh Hội và Nhà Bè để phát triển công nghiệp và xuất khẩu. Song việc thiếu ngân sách, đụng chạm quyền lợi của giới độc quyền bất động sản, là những nguyên nhân làm cho đề xuất quy hoạch của Hébrard chỉ tồn tại trên bản vẽ.
Năm 1930, bản quy hoạch mang tên Cerutti-Pugnaire, đặt ra phương án xây dựng khu trung tâm hành chính mới để nối kết Sài Gòn và Chợ Lớn: cất tòa thị chính mới ngay tại vị trí chợ Bến Thành, dời khu nhà ga ra khỏi trung tâm TP, thay thế bằng những tòa nhà thương mại, nối vào Chợ Lớn bằng các trục lộ quy mô lớn. Nhưng khủng hoảng kinh tế toàn cầu những năm 1930, và kế đó là Chiến tranh Thế giới II, không cho phép người Pháp thực hiện được phương án chỉnh trang đó.
Năm 1965, Quy hoạch chung TP Sài Gòn do Công ty Doxiadis Associates-Consultants on Development and Ekistics lập, khi nghiên cứu phương hướng phát triển Sài Gòn cũng chủ trương mở rộng từ lõi trung tâm đô thị về hướng Bắc. Theo đó, TP sẽ phát triển trong không gian giữa 2 dòng sông Sài Gòn và Đồng Nai.
Cầu Sài Gòn và xa lộ Biên Hòa được được Công ty Johnson Drake and Piper xây dựng trong giai đoạn này thể hiện rõ nét định hướng phát triển đó. Với bán đảo Thủ Thiêm, kiến trúc sư Doxiadis chỉ đề xuất phương án xây dựng thí điểm thành khu gia cư trong một mạng lưới kênh mương, nhà ở thấp tầng, xen kẽ nhà liên kế, biệt thự, nhà ở tập thể 4 tầng, và loại bỏ ý tưởng xây nhà cao tầng, khu kinh doanh, hành chính đồ sộ.
Song kiến trúc sư Hoàng Hùng, tốt nghiệp lớp kiến trúc Trường Mỹ thuật Đông Dương, đã đề xuất biến bán đảo Thủ Thiêm thành trung tâm mới bao gồm các khu hành chính, ngoại giao và văn hóa mới, thay thế khu trung tâm hành chính Sài Gòn cũ do người Pháp để lại. Ở thời điểm 1958, đây là một ý tưởng táo bạo, tỏ rõ mạnh mẽ tinh thần bài xích chủ nghĩa thực dân, nhưng thực tế khó thực hiện vì việc san nền nâng cốt vùng đất trũng, bắc nhiều cầu vượt sang sông Sài Gòn đòi hỏi chi phí quá lớn, vượt quá ngân sách của chính quyền đương thời.
3. Sau ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước 30-4-1975, Sài Gòn - thủ phủ của chế độ cũ đã trở thành TP Hồ Chí Minh rực rỡ tên vàng, vươn lên và phát triển không ngừng để trở thành một địa bàn đông dân nhất nước, là trung tâm kinh tế, tài chính, văn hóa, khoa học kỹ thuật thuộc dạng hàng đầu. Song phải đến năm 1993, Quy hoạch tổng thể xây dựng TP Hồ Chí Minh đến năm 2010, với dân số 5 triệu dân được phê duyệt tại Quyết định 20/QĐ-TTg ngày 10-1-1993.
Cũng như phương hướng phát triển của Doxiadis, đồ án tổng mặt bằng này xác định hướng Đông Bắc (gồm quận 2, 9 và Thủ Đức) là hướng phát triển chính. Với nhận định rằng, đây là hướng có yếu tố hạ tầng có sẵn, khu vực có địa thế cao ráo, giao thông thuận tiện nhờ có nhiều dự án lớn đã và đang triển khai, là hướng có lợi thế về hạ tầng giao thông kết nối liên hoàn, đất vùng ven ngày càng có giá trị hơn, thuận cho nhà đầu tư lựa chọn.
Mãi đến năm 1998, Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP đến năm 2020 với dân số 9-10 triệu người, và được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 123/1998/QĐ-TTg ngày 10-7-1998, mới bổ sung thêm hướng phát triển đô thị về phía Nam.