Ngoài mang đến nguồn lực tài chính, nâng cao thị hiếu, quảng cáo còn góp phần bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong bối cảnh giao lưu hội nhập quốc tế. Thế nhưng, thực tế hoạt động của ngành QC ở TPHCM vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, bất cập.
Ước mơ còn xa
Những năm vừa qua, ngành QC tại TPHCM chiếm tỷ trọng khá lớn trong tổng thể ngành QC cả nước, trên tất cả các loại hình: ngoài trời, các phương tiện truyền thông đại chúng, internet và trên phương tiện công cộng. Hiện nay, tuy chưa có con số thống kê doanh thu chính thức từ các loại hình QC cả nước, tuy nhiên các tổ chức nghiên cứu thị trường cho rằng, con số dao động vào khoảng 1 tỷ USD. Theo mục tiêu được Chính phủ đề ra, doanh thu QC đến năm 2020 sẽ đạt 1,5 tỷ USD, năm 2030 đạt 3,2 tỷ USD. Những con số trên cho thấy ngành QC ngày càng có vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Năm 2019, doanh thu hoạt động của ngành QC TPHCM đã đóng góp tích cực vào Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của thành phố, ước đạt 58.369 tỷ đồng.
Tuy nhiên thời gian qua, thực trạng QC nói chung, QC ngoài trời nói riêng cũng như công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này đã bộc lộ khá nhiều vướng mắc như: thiếu thống nhất về chức năng nhiệm vụ giữa các ngành, quy định pháp lý còn chồng chéo do việc QC liên quan đến nhiều ngành như: Bộ TT-TT, Bộ Công thương, Bộ Xây dựng, Bộ NN-PTNT cũng như Luật Quảng cáo 2012, Luật Dược. Ông Võ Trọng Nam, Phó Giám đốc Sở VH-TT TPHCM, dẫn chứng, công tác kiểm tra, xử lý QC, chuyên ngành văn hóa chỉ có thể xử phạt về nội dung, còn việc lắp dựng bảng QC, cưỡng chế tháo dỡ bảng QC, biển hiệu sai quy định thuộc chức năng của ngành xây dựng. Vì vậy, ngành văn hóa bị động trong việc phối hợp kiểm tra, xử lý và cưỡng chế tháo dỡ các vị trí QC sai quy định.
Ngoài ra, vấn đề còn khó ở chỗ, quy hoạch QC tại TPHCM dù chủ trương đã có từ lâu nhưng buộc phải giậm chân tại chỗ do nhiều vướng mắc pháp lý. Ngay từ năm 1996, UBND TPHCM đã có chủ trương quy hoạch các vị trí đặt bảng QC trên địa bàn thành phố, nhằm đưa quản lý hoạt động QC đi vào nền nếp. Từ năm 2003 đến 2005, thành phố đã ban hành 26 quyết định phê duyệt quy hoạch hoạt động QC ngoài trời tại hầu hết các quận huyện.
Ngành văn hóa được thành phố giao xây dựng Đề án Quy hoạch hoạt động QC ngoài trời trên địa bàn TPHCM đến năm 2020. Sở VH-TT-DL lúc đó đã khảo sát thực trạng, lập hồ sơ hiện trạng bằng phương pháp 3D, tuy nhiên do trong quá trình xây dựng Luật Quảng cáo nên đề án không triển khai. Tiếp đó, ngày 28-3-2014, UBND TPHCM có kế hoạch 1309/KH-UBND triển khai thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội TPHCM đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, đã đề ra nhiệm vụ thực hiện quy hoạch ngành, lĩnh vực và sản phẩm, trong đó có lĩnh vực văn hóa và quảng cáo, cụ thể hơn là Quy hoạch hoạt động quảng cáo trên địa bàn TPHCM đến năm 2025.
Tháng 11-2017, Luật Quy hoạch được Quốc hội thông qua, có hiệu lực thi hành từ 1-1-2019, các ngành, lĩnh vực, sản phẩm thuộc lĩnh vực văn hóa không nằm trong danh mục thực hiện quy hoạch. Do đó, từ năm 2017, TPHCM không tiếp tục triển khai thực hiện quy hoạch lĩnh vực này, cũng đã gián tiếp gây khó khăn cho việc quản lý hoạt động QC.
Theo thống kê của ngành văn hóa từ 24 quận huyện, tổng số biển hiệu, bảng QC tại các cửa hàng, cửa hiệu trên địa bàn thành phố gồm 145.967 cơ sở. Sau đợt quy hoạch điểm QC ngoài trời cho 10 quận huyện đến năm 2017, thành phố thực hiện quy hoạch điểm cho toàn thành phố, đồng thời tạm ngưng cấp phép mới cho các điểm phát sinh.
Nhiều tiềm năng
Ông Nguyễn Quý Cáp, Chủ tịch Hội Quảng cáo TPHCM, cho rằng, là một đô thị đặc biệt, một trung tâm của cả nước, TPHCM có nhiều tiềm năng, có nguồn lực hoạt động QC rất lớn. Vấn đề ở đây là chúng ta thiếu một quy hoạch QC bài bản. “Đề án quy hoạch phát triển quảng cáo TPHCM đến năm 2030 rất cần thiết, nhưng tôi lo là còn mênh mông và cao xa quá. Cần sự chuẩn bị và nhất thiết phải có khảo sát cụ thể”, ông Nguyễn Quý Cáp nhấn mạnh.
Ở góc độ khác, ông Lê Văn Khương, Giám đốc Công ty QC Thương hiệu Việt, chia sẻ, mong muốn một bờ sông Sài Gòn sẽ đẹp lung linh tựa như sông Hoàng Phố của Trung Quốc, tương lai khu vực quảng trường và tuyến phố đi bộ Nguyễn Huệ sẽ trở thành một điểm nhấn hoành tráng, kiêu hãnh như Quảng trường Thời đại của Mỹ liệu có quá tầm tay? “Nên chăng cần một cơ chế đặc thù cho QC ở TPHCM? Mặt khác, quy hoạch QC ở TPHCM nên linh động xây dựng theo hướng quy hoạch mở, quy hoạch mềm, chứ không nên cứng nhắc.
Chẳng hạn như dọc bờ sông Sài Gòn, thành phố có thể tổ chức khai thác hoạt động QC mỗi lần 3 - 5 năm, thông qua hình thức đấu thầu công khai”, ông Lê Văn Khương hiến kế. Ông Phạm Ngọc Cường, Tổng thư ký Hội Quảng cáo TPHCM, cũng đồng tình khi cho rằng, hiện nay ngành QC TPHCM có thể thực hiện được hầu hết các công nghệ kỹ thuật hiện đại về QC trên thế giới. “Vấn đề còn lại chỉ là thiếu hành lang pháp lý, cơ chế mà thôi. Ngoài ra, nguồn nhân lực cho QC cũng đang thiếu, cho đến giờ thành phố chưa có một trường nào đào tạo về chuyên ngành QC”, ông Phạm Ngọc Cường nói thêm.
Theo ông Võ Trọng Nam, các ý kiến đóng góp của các ban ngành liên quan sẽ rất giúp ích cho sở hoàn thiện đề án quy hoạch hoạt động QC ở TPHCM. Từ nay đến năm 2025, thành phố sẽ thực hiện các đề án: “Rà soát và triển khai khung quy hoạch QC ngoài trời theo các quy định áp dụng đặc thù đô thị TPHCM”, “Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù phát triển ngành QC TPHCM trong bối cảnh phát triển thành phố thông minh” và “Chuẩn dữ liệu ngành QC thành phố và dự báo mô hình tăng trưởng ngành trong nền kinh tế số và kinh tế TPHCM”.
Theo Hiệp hội QC Việt Nam, hiện cả nước có khoảng 6.000 doanh nghiệp kinh doanh QC. Riêng tại TPHCM, thống kê của Sở VH-TT TPHCM cho thấy, có trên 2.500 doanh nghiệp có chức năng hoạt động QC trên địa bàn, trong đó khoảng 300 công ty thực hiện hoạt động QC thường xuyên, 16 công ty QC nước ngoài hoạt động dưới nhiều hình thức và 7 văn phòng đại diện doanh nghiệp QC nước ngoài tại Việt Nam. |