Ví dụ như khi tiến hành xây dựng quy hoạch hợp phần giải quyết nước ngập, úng phải giải quyết đồng thời quy hoạch hợp phần các công trình chống ngập, thoát lũ. Hay là tiến hành xây dựng quy hoạch hợp phần giao thông phải giải quyết đồng thời quy hoạch hợp phần hệ thống cáp điện ngầm, hay hệ thống nước, hệ thống cảnh quan cây xanh đường phố hay công viên.
Thực hiện tốt việc quy hoạch phải đi trước sẽ tránh được hiện tượng chồng chéo giẫm đạp lên nhau, thậm chí còn “đá” nhau, tạo ra chút quyền lực địa phương “quyền anh quyền tôi”, mạnh ai nấy đào nấy lấp! Hiện tượng nhãn tiền đã bày ra nhiều trên TP, gây nhiều tốn kém, xáo trộn đời sống của người dân.
Bài toán quy hoạch phải đi trước là vậy; càng phù hợp với yêu cầu rút ngắn thời gian từ ý tưởng quy hoạch đến hoàn thiện đồ án quy hoạch càng sớm càng tốt, đỡ tốn kém thời gian, công sức, tiền của nhà nước để sớm đưa đồ án áp dụng vào thực tế, thì đây cũng là động tác quy hoạch phải đi trước một bước; Một sự mong chờ của người dân.
Từ nay đến 2040, tầm nhìn đến năm 2060, với thời gian 39 năm là khoảng thời gian dài có thể xảy ra nhiều sự việc. Vì vậy, việc tiên lượng được các sự việc có thể xảy ra; nhận biết được hình thái hiện tượng xảy ra để có phương án quy hoạch tương thích, ứng xử kịp thời có hiệu quả lại càng mang tính khoa học cao. Rõ ràng công tác khoa học hết sức quan trọng, bao trùm lên mọi lĩnh vực.
Bài học kinh nghiệm sâu sắc sau đây cho ta thấy những hậu quả nặng nề của những Đồ án thiếu tính khoa học. Ngành công nghiệp rừng đã lạm dụng khai thác gỗ quá sản lượng vào các khu rừng phòng hộ, đầu nguồn, rừng đặc dụng, rừng chung quanh khu vực thủy điện. Sau khai thác không dọn vệ sinh rừng, trồng lại rừng để lộ nhiều diện tích đất trống, không có độ che phủ, làm cho các lớp thảm tươi, thảm mục tiêu tán, mưa xuống đất không có khả năng thẩm thấu giữ nước, gây xói lở, dẫn đến lũ lụt.
Một hiện tượng nguy hại khác: hiện tượng đô thị hóa quá nhanh, nhiều mảng bê tông tự phát mọc lên vi phạm trật tự xây dựng, lấn chiếm ao hồ, vùng trũng... án ngữ dòng chảy, khi mưa xuống là ngập, úng, tràn TP.
Một sự việc nguy hại khác: lợi dụng chủ trương trồng cây công nghiệp, họ ồ ạt khai thác, cày ủi vào rừng, trước hết là họ ăn xổi khối lượng gỗ, sau đó mới trồng cây công nghiệp. Cái gọi là trồng cây công nghiệp chỉ là cái cớ, sau đó họ trồng keo, bạch đàn theo phương thức đại trà, độc canh không theo thiết kế trồng rừng. Cây keo, cây bạch đàn cùng tuổi, tán thưa, hút nước nhiều, rễ ăn cạn, chức năng phòng hộ kém, mưa xuống là không giữ được nước được đất, nghèo nàn về đa dạng sinh học. Đặc biệt nguy hiểm là sau vài chu kỳ khai thác (12-14 năm) đất trở nên thoái hóa nghiêm trọng!
Trong ý tưởng quy hoạch chung TP, lĩnh vực khoa học bao trùm lên tất cả các quy hoạch hợp phần như: Kiến trúc xây dựng đô thị, nông, lâm nghiệp, bổ sung cấu trúc đô thị... sẽ làm cho Đồ án quy hoạch hoàn thiện tốt nhất để áp dụng vào thực tế, tránh những hậu quả khôn lường do thiên nhiên gây ra. Một đồ án thiếu tính khoa học, kéo theo nhiều quy hoạch hợp phần cơ sở thiếu tính bền vững, sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng, dẫn đến phương án quy hoạch bổ sung TP mang tính “chắp vá”, đặt hậu quả nặng nề trước sự kiện đã rồi.
TP chúng ta trong tương lai chắc chắn sẽ không lặp lại hiện tượng này, để các hệ thống công trình thêm bền vững, TP càng thêm tuổi thọ, tôi xin được góp ý các nội dung như sau.
Dự báo dân số
Dân số và gia tăng dân số là nỗi lo chung của thế giới, không riêng gì TP của chúng ta. Dân số TP hiện nay hơn 8,99 triệu người, tỷ lệ tăng trung bình hằng năm là 2,28%, với mỗi năm 200.000 người. Với đà tăng trưởng này, dự báo đến năm 2060 có nhiều kịch bản, nhưng theo tôi có thể trên dưới 16 triệu người.
Điều hành một “siêu đô thị” đông dân số như vậy sẽ có nhiều việc phức tạp và lo lắng, đầu tiên là lo cho cuộc sống người dân để có “an cư” mới có “lạc nghiệp”. Vì vậy, xin nêu một vài số liệu để tham khảo: Tỷ lệ tăng dân số hàng năm 2,28% sẽ ảnh hưởng đến không gian dinh dưỡng vốn đã chật chội của TP cũng sẽ góp phần làm tăng mật độ dân số. Tỷ lệ dân số tăng, kéo theo chênh lệch giới tính, tỷ số giới tính khi sinh 115,5 trẻ nam/100 trẻ nữ, rất đáng quan tâm.
Trước những sự việc quan trọng trên, tôi xin phép được nêu lên ý tưởng, tuyên truyền, giáo dục, vận động người dân hạn chế sinh đẻ (áp dụng các biện pháp, kế hoạch hóa gia đình); quan tâm đến tỷ lệ giới tính. Đoàn Thanh niên tuyên truyền giáo dục cho đoàn viên về quan điểm hôn nhân trước khi kết hôn. Các cơ sở Công nghiệp, công ty, xí nghiệp... cũng phải có trách nhiệm tuyên truyền giáo dục vấn đề này trong lực lượng lao động. Đưa vấn đề tăng dân số, vấn đề giới tính vào chương trình giáo dục các lớp học sinh lớn tuổi. Cùng với vấn đề chống gia tăng dân số chúng ta cũng phải tuyên truyền giáo dục mỗi cặp vợ chồng nên bảo đảm tiêu chuẩn 2 con, cũng đồng thời động viên, khen thưởng các cặp vợ chồng sinh đủ tiêu chuẩn 2 con (như đã có chính sách đang thực hiện).
Dân số và gia tăng dân số cũng là vấn đề khoa học: dân số tăng quá mức sẽ để lại vấn nạn kinh tế cho xã hội; sinh đẻ dân số quá thấp sẽ tạo ra hiện tượng già hóa dân số, động lực lao động của đất nước giảm cũng rất nguy hại. Ý tưởng dân số và gia tăng dân số sẽ đặt trước ngưỡng cửa tầm nhìn đến năm 2060 phải được quan tâm từ bây giờ.
Thành lập Trung tâm nghiên cứu sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ
Diện tích tự nhiên của TP là 2.095,239 km² được chia ra nhiều nhóm. Về nhóm đất lâm nghiệp, diện tích 33.471 ha (chiếm tỷ lệ 15,98%). Nói đến đất lâm nghiệp không thể không nói đến rừng ngập mặn Cần Giờ. Tổng diện tích khu rừng rừng ngập mặn Cần Giờ là 75.740 ha, rừng không chỉ có tác dụng to lớn cho việc bảo vệ môi trường mà còn có tác dụng kinh tế đối với người dân.
Rừng ngập mặn là môi trường phát triển của nhiều loại thủy hải sản, là nơi ươm giống của nhiều loại chim nước, chim di cư và một số động vật như: khỉ, cá sấu, heo rừng, kỳ đà, chồn. Rừng ngập mặn có vai trò bảo vệ hệ sinh thái vùng cửa sông - ven biển, điều hòa nhiệt độ, hạn chế xói lở, xâm nhập mặn, bảo vệ các loại tài nguyên ven biển trước sự tàn phá của sóng, gió biển, nước biển dâng, triều cường, ngăn chặn quá trình sa mạc hóa khu vực đất canh tác bên trong rừng ngập mặn. Ngày nay, rừng ngập mặn là địa điểm du lịch thú vị mang lại giá trị kinh tế cao. Ngoài ra rừng ngập mặn ở Việt Nam còn cung cấp nhiều sản phẩm gỗ, củi, than, các loài cây cung cấp ta-nanh, các loài cây làm phân xanh, cây làm thức ăn cho gia súc, loài cây làm thuốc, loài cây là cây chủ thả cánh kiến đỏ, các loại cây có hoa có nhiều mật để nuôi ong. Rừng ngập mặn còn bảo vệ an toàn cho việc vận hành đường thủy của TP.
Quan trọng hơn nữa, rừng ngập mặn Cần Giờ còn là khu dự trữ sinh quyển được UNESCO công nhận vào năm 2000, cũng là một trong 8 khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn toàn Việt Nam được phục hồi đẹp nhất Đông Nam Á. Khu rừng ngập mặn Cần Giờ có những chức năng quan trọng bảo vệ môi trường, mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho người dân. Tuy nhiên, kết quả phát triển thời gian qua chưa tương xứng với tiềm năng của huyện. Điều này đòi hỏi mạnh mẽ đổi mới tư duy, xác định nhiệm vụ, giải pháp để vừa thực hiện tốt nhiệm vụ bảo tồn, vừa phát triển Cần Giờ tương xứng với tiềm năng vốn có.
Vì vậy, vị trí của khu rừng ngập mặn Cần Giờ phải được đặt vào vị thế tương xứng tầm cỡ trong nghiên cứu khoa học. Vì vậy, theo tôi nên xây dựng tại huyện Cần Giờ một trung tâm hay một cơ quan nghiên cứu với tên gọi: Trung tâm nghiên cứu sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ (trong đó bao gồm Ban quản lý rừng ngập mặn Cần Giờ). Trọng tâm sẽ nghiên cứu những đề tài khoa học và sản xuất những sản phẩm nông nghiệp xanh, sạch từ những nguyên vật liệu của rừng. Hệ thống tổ chức gồm các bộ phận như sau.
Bộ phận lâm nghiệp, gồm có điều chế rừng. Bảo vệ và phát triển rừng bền vững, theo dõi diễn thế rừng; thu thập, tạo nguồn giống, bảo vệ và lưu trữ nguồn gen rừng ngập mặn; quan tâm công tác lâm sinh: phát triển giống và trồng rừng ở những nơi có khí hậu phù hợp như các vùng sình, lầy, vùng ngập, bãi bồi ven sông, kênh, rạch để tạo nên những “cánh rừng ngập mặn Cần Giờ” trên TP và các nơi khác, tạo ra những buồng phổi xanh khổng lồ. Đây cũng là cách hưởng ứng trồng 1 tỷ cây xanh trong 5 năm tới của Chính phủ.
Về bộ phận nghiên cứu chim thú rừng: Nuôi dưỡng, ươm giống những loài chim nước, chim di cư để làm cho môi trường sinh thái phong phú.
Về thú: Quan tâm phát triển, thuần dưỡng đàn khỉ, bảo vệ không được săn bắn! Về heo rừng, chồn, tạo giống lai, phát triển đàn, có giá trị kinh tế cao.
Về cá sấu, kỳ đà phải quan tâm tạo nguồn để xuất khẩu, có giá trị trong kinh tế và là nguồn dược liệu.
Bộ môn nuôi trồng thủy sản: Rừng ngập mặn Cần Giờ có thể phù hợp với việc nuôi tôm, nuôi cua lồng, cá bống mú, ốc len… Thực phẩm đặc sản có giá trị kinh tế cao.
Bộ phận nông nghiệp: Tạo nguồn gỗ, củi, than trong việc khai thác tỉa thưa rừng hợp lý; khai thác nguồn cây làm phân xanh, làm thức ăn cho gia súc, nguồn cây làm thuốc, nguồn cây chủ thả cánh kiến đỏ, cùng các loại cây cung cập chất ta-nanh dùng trong lĩnh vực công nghiệp, các loại cây có hoa để nuôi ong mật.
Tất cả các bộ phận hoạt động đồng bộ dưới sự điều hành của cán bộ khoa học, hoạt động có hiệu quả bảo vệ và phát triển rừng bền vững, góp phần bảo tồn và làm tăng tính đa dạng sinh học của rừng ngập mặn Cần Giờ.
Tạo mảng xanh bảo vệ môi trường
TPHCM ở gần xích đạo nên nắng nhiều, bức xạ dồi dào, còn là khu vực nhiệt đới trong vùng gió mùa, lại thêm có nhiều khu công nghiệp, nhà máy. Bụi công nghiệp sẽ tăng, không gian dinh dưỡng lại chật chội, không khí “dày đặc” sẽ làm nhiễm bẩn môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân.
Hiện nay mảng xanh công viên TP còn quá ít. Nếu so sánh với dân số TP hiện nay (8,99 triệu người) thì tỷ lệ cây xanh trên đầu người là quá thấp, chỉ đạt 0,5 m²/người. Theo quy hoạch các nước phát triển là 7m²/người trở lên. Trong tương lai TP không những tăng cường mảng xanh công viên mà còn có nhiều hình mẫu mảng xanh khác như mảng xanh khu du lịch, mảng xanh các di tích lịch sử… như khu du lịch văn hóa dân tộc Đền tưởng niệm Vua Hùng. Mảng xanh vừa có tác dụng phòng hộ vừa tạo cảnh quan đẹp đẽ.
Ví dụ tạo mảng xanh theo đường phố, vỉa hè không chỉ là tạo cảnh quan xanh đẹp đường phố, mà còn có tác dụng điều hòa không khí, tạo bóng mát, che gió, hạn chế bão, che mưa nắng bảo vệ mặt đường. Với mảng xanh công viên, đai xanh còn phù hợp cho việc bảo vệ ngăn chia các khu công nghiệp, nhà máy với các khu dân cư, khu công sở, bệnh viện, trường học, các cơ sở nghiên cứu khoa học… cần sự yên tĩnh, sẽ cản tiếng ồn, ngăn chặn bụi công nghiệp, giảm nhiễm bẩn môi trường, điều hòa nhiệt độ, đặc biệt trong việc phòng hộ, bảo vệ kiến trúc cảnh quan đô thị.
Ngoài tạo mảng chúng ta cũng nên quan tâm phát triển đai xanh quanh TP càng nhiều càng tốt. Vì đai xanh bảo vệ và cải tạo môi trường rất tốt, đặc biệt hạn chế gió bão. Đai xanh có thể trồng phát triển trên dạng lập địa sình, lầy, bãi bồi của ven sông, rạch, kênh bằng loại cây ngập mặn (đước, bần, mắm, dà....). Trên vùng đất cao trồng các loại cây có thân gỗ tốt, rễ ăn sâu chịu đựng được gió bão...
Phát triển metro: không nóng vội
Metro là phương tiện giao thông ngầm, khoa học được thế giới áp dụng từ lâu. TP mới bắt đầu nên chưa có nhiều kinh nghiệm quản lý và điều hành. Ưu điểm của metro là giãn dân trên bộ, giảm thiểu tai nạn giao thông, thuận tiện cho việc giao thông, giao lưu kinh tế và xã hội. Tuy nhiên, đối với TP tôi xin góp ý thêm.
Không nên nôn nóng phát triển nhanh, nhiều vì vốn ngân sách chi cho metro quá lớn so với mặt bằng kinh tế TP: Tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên chậm tiến độ là một phần minh chứng cho việc thiếu vốn. Nhưng vốn chi cho metro là vốn vay nước ngoài FDI. Vay, dĩ nhiên phải trả lãi và đúng kỳ hạn. Xét về tổng thể, nguồn vốn mà TP chi cho metro cũng từ ngân sách, từ nền kinh tế của TP, trong lúc nền kinh tế chưa đạt đỉnh cao, tiềm lực chưa dồi dào, nguồn vốn đổ vào tuyến metro quá lớn sẽ làm cho nền kinh tế bị “gồng”, ảnh hưởng trực tiếp, nhiều đến sự điều phối chung của nền kinh tế TP.
Đặc biệt vốn thu về từ hoạt động của tuyến metro vừa lâu vừa quá ít, một bài toán kinh tế cần quan tâm giải quyết. Vì vậy, trong ý tưởng quy hoạch chung TP lần này cần quan tâm bàn luận thấu đáo để có định hướng quy hoạch chung TP về metro trong tương lai.
Ứng xử sông Sài Gòn với TPHCM
TP nằm giữa hai con sông lớn: sông Sài Gòn và Vàm Cỏ Đông, tạo thuận lợi, hỗ trợ cho TP phát triển. Ngoài ra, còn có sông Đồng Nai hợp lưu với sông La Ngà, sông Bé ở hạ du, hàng năm cung cấp 15 tỷ m³ nước, là nguồn nước ngọt chính của TP, như là mạch máu xuyên suốt cơ thể TP, nuôi sống người dân. Đây cũng là lúc chúng ta phải quan tâm bảo vệ nguồn nước này. Một câu hỏi được đặt ra: Nếu nguồn nước nhiễm bẩn thì làm thế nào?
Để xử lý trước sự việc này, tôi xin đề xuất ý tưởng sau. TP có phương án quy hoạch các khu công nghiệp, nhà máy không được tọa lạc ven bờ sông, suối, kênh rạch, để đề phòng hiện tượng xả nước bẩn công nghiệp ra sông, suối, kênh rạch gây ô nhiễm.
Về giao thương thủy, sông Sài Gòn liên thông với nhiều hệ thống kênh, rạch. Đáng quan tâm là rạch Bến Nghé, điểm khởi đầu của các tuyến đường sông nối tiếp TP với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt sông Sài Gòn chảy dọc trên địa phận TP với chiều dài 80 km, bề rộng sông từ 225 đến 370 m, độ sâu có nơi 20 m, càng thuận lợi cho việc giao thương, lập bến. Tuy nhiên, để tăng năng lực giao thương, trong tương lai nên tiến hành giải tỏa, nạo vét kênh sông, chỉnh trang ven bờ, thông dòng lập bến để phát huy thế mạnh giao thương trên sông nước.
Hệ thống giao thương thủy hoàn chỉnh cùng với hệ thống giao thông trên bộ Đồng bằng sông Cửu Long, đường vành đai TP, đường hàng không, tạo cho TP một hệ thống giao thông hoàn chỉnh, xương sống của nền kinh tế phát triển trong tương lai.
Về cảnh quan đô thị. TP có nhiều sông lớn, cùng với hệ thủy văn phân bố dày đặc, với mật độ 3,38 km/km², tạo nên cảnh quan sông nước đô thị tuyệt vời, vẽ nên bức tranh thủy mạc hữu tình. Trong những năm qua chúng ta “bỏ quên” thiên cảnh này. Trong tương lai, cảnh quan đô thị sông nước Sài Gòn phải được tạo dựng, phải là những hình ảnh đẹp như sông Seine thủ đô Paris, sông Thames thủ đô London, sông Neva TP Sankt-Peterburg nước Nga.
Về hình thái hoạt động chợ nổi trên sông nước, hoạt động thương mại chợ nổi, có lẽ chỉ có ở vùng sông nước Nam bộ, một nét văn hóa độc đáo. TP nên tổ chức nhiều hình thái này với nhiều phiên chợ nổi trải dài theo ven bờ sông Sài Gòn, theo những bến thuyền. Nên tổ chức phiên chợ theo truyền thống hay những ngày lễ, hội với những hàng hóa truyền thống, hàng hóa chuyên biệt cho từng miền vùng như phiên chợ giành riêng cho hoa quả, phiên chợ giành riêng cho các loại cây giống quý, cây cảnh, bon sai, phiên chợ chuyên ẩm thực, tạo ra thị phần lớn trên sông nước.
Kết hợp với hình thái chợ nổi sẽ tổ chức các hoạt động du lịch trên sông nước như du lịch sinh thái miệt vườn, các khu bảo tồn thiên nhiên... Kết hợp đưa văn hóa truyền thống Nam bộ quảng bá trên những du thuyền, hay trên những chuyến tàu trăng bập bềnh trên sông nước Sài Gòn, vang vọng tiếng đàn, câu hát, giọng hò của tài tử Nam bộ; kết hợp độc diễn những nhạc cụ dân tộc, những điệu múa dân gian cổ truyền, cùng với sắc phục truyền thống của người phụ nữ Nam bộ: cánh áo bà ba với chiếc khăn rằn duyên dáng trên vai; Lộng lẫy và duyên dáng hơn với mái tóc đen dài e ấp, nổi lên với tà áo dài Nam bộ, cũng là lúc thi vị, hương sắc ẩm thực truyền thống Nam bộ được trưng lên để khách du lịch thưởng thức.
Du lịch sông nước TP cũng không thể bỏ qua các hoạt động sôi nổi khác như đua thuyền dân tộc, đua thuyền công nghệ cao, tổ chức những đêm hội rước đèn trong những ngày lễ hội của dân tộc. Hình thái hoạt động kinh tế thương mại, du lịch phong phú trên sông nước không chỉ là nét văn hóa đặc trưng truyền thống mà còn là niềm tự hào của người dân Nam bộ, của người dân TPHCM, để phát huy các thế mạnh của sông Sài Gòn ngày càng phát triển, nhân rộng trong tương lai.