Đó là ý kiến của PGS-TS Lưu Đức Hải, Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn (Bộ Xây dựng).
° PV: Ông có nhận xét gì về hiện trạng quy hoạch xây dựng và sử dụng nghĩa trang trên toàn quốc?
° PGS TS LƯU ĐỨC HẢI: Một đặc điểm dễ nhận thấy là diện tích đất nghĩa trang của nước ta rất lớn, cá biệt có địa phương diện tích đất nghĩa trang xấp xỉ với diện tích đất ở của cư dân đô thị! Diện tích đất dành cho mỗi ngôi mộ cải táng khoảng 4m2/ngôi, nếu “đào sâu chôn chặt” như tập quán của người dân một số địa phương ở miền Trung và miền Nam thì mất tới 8m2/ngôi.
Đó là chưa kể gần đây rộ lên phong trào xây mộ thật to, thật rộng để thể hiện… tiềm lực kinh tế. Hơn nữa, “dân số” của các nghĩa trang được tích dồn qua nhiều thế kỷ, vì thế nếu cứ giữ tập tục địa táng thì đến một lúc nào đó diện tích đất dành cho nghĩa trang sẽ còn lớn hơn cả diện tích đất dành cho người sống.
Ở khu vực đô thị, việc an táng cơ bản đã được tập trung vào các nghĩa trang dã được xây dựng theo quy chuẩn, nhưng ở nông thôn việc này còn khá tùy tiện theo kiểu “lệ làng”, dẫn đến tình trạng lãng phí đất, không đảm bảo vệ sinh môi trường…
° Điều đó có nghĩa là để sử dụng tiết kiệm quỹ đất thì cùng với việc ban hành văn bản pháp quy về lĩnh vực xây dựng, quản lý, sử dụng nghĩa trang; tập tục địa táng cũng nên thay đổi?
° Đúng vậy. Và không phải chỉ là để tiết kiệm quỹ đất đâu, mà còn nhiều yếu tố khác nữa như bảo vệ môi trường, tạo thuận lợi cho những người thân còn sống dễ dàng thăm viếng, tiết kiệm chi phí về lâu dài…
Trên thế giới có nhiều hình thức táng, nhưng trong điều kiện của Việt Nam, tôi nghĩ hỏa táng là hình thức phù hợp hơn cả. Hiện nay, theo tôi biết thì tỷ lệ hỏa táng ở các tỉnh phía Bắc chỉ mới khoảng 10%; các tỉnh phía Nam, trong đó có TPHCM tỷ lệ này cao hơn nhưng cũng không nhiều lắm.
° Ông nghĩ như thế nào về quan điểm di dời, “đẩy xa” các nghĩa trang ra khỏi các đô thị lớn vốn đất chật người đông như TPHCM hay Hà Nội?
° Ở Pháp, ngay giữa thủ đô Paris hiện nay vẫn có nghĩa trang cát táng được xây dựng như một công viên yên tĩnh, thanh bình. Nói tóm lại, phải cân nhắc nhiều mặt để lập quy hoạch, phải xem xét từng trường hợp cụ thể chứ không phải cứ nghĩa trang là phải “đẩy” ra khỏi đô thị một cách máy móc.
Một điểm cần nói thêm là khi xem xét quy hoạch nghĩa trang nói riêng và hạ tầng kỹ thuật nói chung, người làm quy hoạch cũng như các cấp chính quyền cần thống nhất quan điểm liên vùng, liên đô thị. Nói thẳng là nếu “địa phương chủ nghĩa” thì rất khó giải quyết tốt được bài toán quy hoạch.
° Quan điểm của ông về việc xã hội hóa công tác xây dựng và quản lý nghĩa trang như thế nào?
° Tôi rất đồng tình với chính sách ưu đãi về đất đai, thuế khóa… để thu hút đầu tư nhằm hình thành và nâng cao chất lượng lĩnh vực dịch vụ đô thị hết sức cần thiết này. Liên quan đến nó còn hệ thống nhà tang lễ nữa; theo lý thuyết quy hoạch đô thị thì cứ 200 – 250.000 dân cần có một nhà tang lễ. Hiện các đô thị có tình trạng thiếu nhà tang lễ lớn, được tổ chức bài bản; trong khi mỗi bệnh viện lại đều bố trí nhà tang lễ, như vậy cũng chưa hợp lý.
° Cảm ơn ông.
Hoàn thành dự thảo Quy hoạch xây dựng, quản lý nghĩa trang Theo Dự thảo Nghị định, tất cả các nghĩa trang đều phải được quy hoạch và xây dựng theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Việc táng người chết phải được thực hiện trong các nghĩa trang được xây dựng và quản lý theo quy hoạch. Trường hợp táng trong các khuôn viên nhà thờ, nhà chùa, thánh thất tôn giáo phải đảm bảo vệ sinh môi trường và được sự chấp thuận của chính quyền địa phương theo phân cấp của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng nghĩa trang theo quy định của pháp luật. Các tổ chức và cá nhân đầu tư xây dựng nghĩa trang được Nhà nước cấp đất xây dựng nghĩa trang lâu dài và không thu tiền sử dụng đất; hỗ trợ xây dựng các công trình hạ tầng ngoài hàng rào; hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ kinh phí đền bù, giải phóng mặt bằng tuỳ theo quy mô, hình thức đầu tư, công nghệ được áp dụng và tác động đến môi trường của dự án. Dự thảo Nghị định nêu rõ, quy hoạch địa điểm nghĩa trang là một nội dung của đồ án quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch chung xây dựng đô thị và quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn; khi phê duyệt các quy hoạch này, cơ quan có thẩm quyền đồng thời phê duyệt quy hoạch địa điểm nghĩa trang. A.P |