Ông Phạm Chánh Trực, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM cho rằng, quy hoạch sử dụng đất là yếu tố then chốt trong quản lý sử dụng đất. Cần phân loại đất theo mục đích và nhu cầu sử dụng ưu tiên, trước hết là đất phục vụ quốc phòng an ninh; tiếp đến là đất sản xuất nông nghiệp và đất bảo vệ môi trường; ưu tiên thứ ba là đất ở cho nhân dân.
Tiếp đến là đất xây dựng công trình hạ tầng thiết yếu; đất xây dựng công trình kinh tế xã hội; đất sử dụng cho phúc lợi xã hội và đất kinh doanh được xếp ưu tiên cuối cùng. Ba loại đất đầu tiên đảm bảo nhu cầu sống cho nhân dân, nhất thiết phải được quy hoạch ưu tiên.
Ông Phạm Chánh Trực góp ý tại hội thảo. Ảnh: MAI HOA |
Nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm cũng bày tỏ quan tâm đến tính khả thi của quy hoạch. Theo bà, quy hoạch nhằm quản lý đất đai hiệu quả, cũng đồng thời phải đảm bảo quyền lợi hợp pháp chính đáng của người dân. Người dân đang có nhà cửa, đột nhiên “dính quy hoạch”, không thể sửa chữa, mua bán, ảnh hưởng đến quyền lợi.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Ngọc Hòa, ĐBQH khóa XII, XIII cho rằng, quy hoạch là việc hệ trọng, khi điều chỉnh, phá vỡ quy hoạch sẽ làm thay đổi, xáo trộn một loạt vấn đề. Theo ông, không nên quá dễ dãi với điều chỉnh quy hoạch. Người lập và duyệt quy hoạch phải có trách nhiệm, luật cần quy định bao lâu mới được điều chỉnh, nếu nhiệm kỳ này lập rồi nhiệm kỳ sau điều chỉnh lại thì không ổn, phải nghiêm ngặt hơn.
Một số ĐBQH các khóa cũng băn khoăn khi dự thảo luật có tới gần 60 điều cần được Chính phủ quy định chi tiết. Nếu luật được thông qua thì việc xây dựng các quy định hướng dẫn cho kịp thời cũng là một thách thức, mà thực tế đã cho thấy rất chậm.
ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm |
Các ĐB cũng góp ý việc quy định về mục đích sử dụng đất quá rạch ròi là chưa phù hợp thực tiễn. Bởi cùng một mảnh đất có thể được sử dụng xen cài nhiều mục đích, như nhà cho thuê mặt tiền để kinh doanh hay mở văn phòng đại diện thì xác định đó là đất ở hay đất thương mại dịch vụ. Một số ĐB cũng băn khoăn với điều 89 trong dự thảo.
Đó là quy định “Việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ”.
ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng đây là chủ trương, quan điểm, là tình cảm trách nhiệm, khi đưa vào Luật thì rất khó đo lường, tính toán cho thật chính xác về thu nhập, về điều kiện sống. Nếu không thực hiện được điều này thì đã vi phạm luật.
Hội thảo do Đoàn ĐBQH TPHCM tổ chức chiều 10-3 |
Tương tự, ĐBQH khóa XIII Nguyễn Văn Phụng đặt vấn đề, làm thế nào để xác định bao nhiêu người có cuộc sống tốt hơn, bao nhiêu người có cuộc sống ngang bằng, bao nhiêu người cuộc sống thấp hơn? Nếu người dân có cuộc sống thấp hơn sau khi nhà nước thu hồi đất, thì có ai phải chịu trách nhiệm, bị xử lý trước pháp luật hay không?
Ngoài những vấn đề trên, các đại biểu cũng góp ý thêm về vấn đề xây dựng bảng giá đất, vấn đề tích tụ, tập trung ruộng đất nông nghiệp…