Thời gian gần đây, “sốt đất” xảy ra ở rất nhiều địa phương trên cả nước, đặc biệt là những khu vực được quy hoạch lên thành phố.
Tại TPHCM, sau khi có kế hoạch từng bước đưa huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè, Cần Giờ thành quận hoặc thành phố trực thuộc, giá đất ở các khu vực này tăng phi mã. Bình luận về hiện tượng này, nhiều người “đổ lỗi” cho quy hoạch. Đại ý rằng, nếu không có quy hoạch thành thành phố, thành quận thì “sốt đất” sẽ không xảy ra.
Nhận định như vậy là có cơ sở nhưng chưa toàn diện. Theo báo cáo mới nhất của Bộ Xây dựng, tỷ lệ đô thị hóa trên toàn quốc mới đạt hơn 40%. Tỷ lệ này thấp hơn mức trung bình của các nước trong khu vực ASEAN và bình quân trên thế giới. Không tính Singapore có mức độ đô thị hóa 100%, các nước còn lại khá gần Việt Nam như Thái Lan là 62%, Philippines 61%, Indonesia 58%.
Trong khi đó, kinh nghiệm phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy, tỷ lệ đô thị hóa tăng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Một minh chứng tại TPHCM, mặc dù đất nông nghiệp chiếm khoảng 55% tổng diện tích đất nhưng đóng góp của ngành nông nghiệp vào GRDP của thành phố mới đạt khoảng 0,8%. Đất cho công nghiệp dịch vụ chiếm 8% nhưng đóng góp đến 99% GRDP.
Tại Việt Nam, đánh giá đúng tầm mức quan trọng của đô thị hóa, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII cũng đã đề ra mục tiêu tỷ lệ đô thị hóa nước ta đến năm 2025 đạt 45% và đến năm 2030 đạt khoảng 50%.
Theo tinh thần trên, việc các địa phương, trong đó có TPHCM lập quy hoạch và xây dựng kế hoạch phát triển đô thị là không sai. Việc công khai các quy hoạch này không những là việc làm đúng đắn mà còn là việc phải làm theo quy định của pháp luật. Và người dân, khi tiếp nhận các thông tin này đổ xô đi mua đất cũng là điều dễ hiểu. Vấn đề là Nhà nước phải có giải pháp để hạn chế tiêu cực xảy ra. Không chỉ một vài giải pháp kinh tế mà phải là một hệ thống các giải pháp mang tính tổng thể trong nhiều lĩnh vực.
Đánh thuế bất động sản cũng là một cách nhưng khả năng rất cao là khoản thuế này sẽ được “tính” cho người mua. Giá bất động sản do đó vẫn rất cao và ngày càng vượt ra khả năng mua của người thu nhập thấp. Do đó, đánh thuế kinh doanh bất động sản nhưng kèm theo đó phải cải cách thủ tục trong lĩnh vực đầu tư xây dựng nhà ở để tăng nguồn cung ra xã hội. Nguồn cung nhiều, người bán muốn tăng giá cũng khó. Tìm cách hướng dòng tiền trong dân vào sản xuất kinh doanh thay vì “đổ” vào nhà, đất là một trong những giải pháp mà nhiều chuyên gia cho rằng căn cơ nhất. Thế nhưng muốn làm được, Nhà nước phải nỗ lực hơn nữa trong cải thiện môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp.
Chính quyền địa phương, các đoàn thể cũng nên có ý kiến tư vấn cho nông dân nếu họ có ý định bán đất. Tất nhiên, không can thiệp sâu nhưng phản hồi từ thực tế tại TPHCM cho thấy, sau khi lãnh đạo TPHCM lên tiếng góp ý với bà con nên “giữ đất” trong Chương trình gặp gỡ, đối thoại giữa lãnh đạo thành phố với cán bộ, hội viên nông dân năm 2021, không ít người dân đã cân nhắc lại quyết định bán đất của mình.
Một tổng thể những giải pháp ở nhiều khía cạnh như vậy mới có khả năng giải quyết được căn cơ tình trạng “sốt đất”. Đừng “đổ lỗi” hoàn toàn cho quy hoạch, bởi đó là việc làm cần thiết nhằm xây dựng kế hoạch phát triển đô thị, kinh tế - xã hội cho các địa phương.