Quy hoạch khai thác bauxite vẫn còn vướng mắc chưa được tháo gỡ

Ngày 12-8, tại Nhà Quốc hội, trong khuôn khổ phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thảo luận và cho ý kiến góp ý về hoàn thiện dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản.

Trình bày báo cáo một số vấn đề về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH-CN-MT) của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, cơ quan này đã thống nhất với Bộ TN-MT (cơ quan chủ trì soạn thảo) báo cáo UBTVQH một số vấn đề trong việc giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo luật. Dự thảo luật gồm 12 chương, 117 điều, chỉnh lý 72 điều so với dự thảo luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7.

Trong quá trình xây dựng dự án luật, cơ quan chủ trì soạn thảo cùng cơ quan chủ trì thẩm tra đã rà soát 46 luật có liên quan, trong đó có các luật như: Đầu tư, Doanh nghiệp, Thương mại, Quy hoạch, Xây dựng… Kết quả rà soát cho thấy không có sự chồng chéo về phạm vi quản lý và không ảnh hưởng đến việc quy hoạch, hoạch định chính sách phát triển ngành công nghiệp chế biến khoáng sản.

202408120836319182-dsc-0823-1723431710.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban KH-CN-MT của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày báo cáo tại phiên họp, sáng 12-8

Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban KH-CN-MT Lê Quang Huy, đối với quy hoạch khoáng sản, trong đó có bauxite, hiện nay vẫn có 5 vấn đề vướng mắc. Đó là: (1) chồng lấn giữa quy hoạch khoáng sản và các quy hoạch khác ảnh hưởng đến hoạt động phát triển kinh tế - xã hội nằm trong khu vực quy hoạch bauxite; (2) việc sử dụng đất kết hợp đa mục đích; (3) việc đóng cửa mỏ từng phần, bàn giao nhanh diện tích đã khai thác hết trữ lượng cho địa phương đưa vào sử dụng; (4) vấn đề cấp giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, vật liệu san lấp trên diện tích quy hoạch bauxite; (5) thu hồi khoáng sản trong quá trình thi công công trình, dự án nằm trong khu vực quy hoạch thăm dò, khai thác bauxite.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban KH-CN-MT Lê Quang Huy, sau khi rà soát, chỉnh lý, dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản đã có một số quy định để giải quyết các vướng mắc (2), (3) và (5). Đối với vướng mắc (1), đã được quy định tại Điều 16 dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản.

Riêng đối với vướng mắc (4), hiện dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản không xử lý được vấn đề này vì chưa có quy định khả thi, phù hợp thực tiễn, do vậy cần tiếp tục nghiên cứu kỹ nội dung này.

Phát biểu cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, Luật Địa chất và Khoáng sản là luật quan trọng, do đó phải thận trọng, kỹ lưỡng, chắc chắn trong quá trình hoàn thiện dự thảo luật. “Những vấn đề nào đã chín, đã rõ, được thực tế chứng minh thì sửa đổi, còn những vấn đề chưa chín, chưa rõ, chưa được thực tế chứng minh thì tiếp tục nghiên cứu, không vội đưa vào dự thảo Luật”, Chủ tịch Quốc hội đề nghị.

Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu thực hiện nghiêm Quy định 178-QĐ/TW của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật; đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm tra cần rà soát nghiêm túc, kỹ lưỡng liệu có các “nhóm lợi ích” trong xây dựng dự thảo luật hay không.

Tin cùng chuyên mục