Khó khăn chồng chất
Trở lại thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam (tỉnh Ninh Thuận), nơi trước đây được quy hoạch để xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1, từ đầu cho đến cuối thôn là hình ảnh những căn nhà cấp 4 xuống cấp trầm trọng vì không được nâng cấp, sửa chữa. Trong khi đó, tại khu vực được chọn để triển khai dự án Nhà máy Ninh Thuận 2, do phần lớn là diện tích đất ven biển, đồi núi… nên ít ảnh hưởng.
Ông Nguyễn Thành Du, Trưởng thôn Vĩnh Trường, cho biết, từ năm 2008, khi chính quyền thông báo người dân không xây dựng, cơi nới, sang nhượng đất đai, nhà cửa và cũng không được trồng trọt, chăn nuôi để giao đất cho nhà nước làm dự án điện hạt nhân, người dân trong thôn một lòng đồng thuận, mong dự án sớm được triển khai. Vậy nhưng, khoảng 7 năm sau đó, 250 hộ dân với khoảng 1.000 nhân khẩu nơi đây vẫn chưa thấy dự án khởi động.
“Lúc đó, do bị vướng quy hoạch nên người dân chúng tôi không thể sản xuất, đất đai thì không thể sang nhượng, cầm cố nên không có vốn làm ăn. Nhiều hộ đi vay tiền của ngân hàng và cả vay nóng bên ngoài, đến giờ vẫn chưa trả nổi”, ông Nguyễn Thanh Nhàn, người dân trong thôn, chia sẻ.
Những người dân thôn Vĩnh Trường còn cho biết, năm 2015, một số hộ trong thôn nhận được thông báo quyết định bồi thường. Căn cứ quyết định này, nhiều hộ đã cầm sổ đỏ nhà đất đi thế chấp ngân hàng để vay vốn làm ăn và trả nợ. Thế rồi, dự án dừng triển khai, bà con trong thôn ai nấy đều hụt hẫng, nợ nần ngày càng chồng chất.
“Cuộc sống khó khăn nên hiện thanh niên trong làng đã bỏ đi nơi khác để làm ăn. Nhà cửa xuống cấp, công trình hạ tầng công cộng hư hỏng nhưng không được sửa chữa khiến cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi mong muốn nhà nước sau khi dừng dự án có chính sách hỗ trợ cho người dân sớm ổn định sản xuất”, Trưởng thôn Vĩnh Trường ngán ngẩm.
Mong sớm trả lại đất cho dân
Ông Lê Kim Hoàng, Giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh Ninh Thuận, cho biết, năm 2016, Quốc hội ban hành Nghị quyết 31/2016/QH14 về việc dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận. Đến năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 115 về việc thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển kinh tế, xã hội, ổn định sản xuất, đời sống nhân dân giai đoạn 2018-2023. Trong đó, có nội dung giao cho tỉnh xây dựng đề án chuyển đổi mặt bằng 2 dự án điện hạt nhân để hỗ trợ cho người dân trong vùng dự án.
Trong vòng một năm (2018-2019), tỉnh Ninh Thuận đã xây dựng xong đề án, lấy ý kiến của các bộ, ngành. Trong đó, theo định hướng, đối với dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1, quy mô 443ha, tỉnh sẽ giữ nguyên khu dân cư hiện hữu, có mở rộng để ổn định đời sống người dân. Đối với khu vực sản xuất, quan điểm chung của tỉnh là giữ nguyên hiện trạng hoặc chuyển đổi mặt bằng một số khu vực gần biển để phát triển du lịch. Riêng khu vực Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2, tỉnh mong muốn giữ nguyên hiện trạng đất, phát triển thành khu dịch vụ du lịch biển gắn với sản xuất nông nghiệp, khai thác sản phẩm đặc thù của địa phương.
Đến ngày 1-4-2021, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chính thức về đề án trên: Giao lại cho tỉnh Ninh Thuận có quyền phê duyệt đề án chuyển đổi mặt bằng của 2 nhà máy điện hạt nhân; về cơ sở pháp lý, yêu cầu Bộ Công thương và các cơ quan chuyên môn điều chỉnh dự án trước đây; hủy bỏ chủ trương đầu tư 2 nhà máy điện hạt nhân. “Để được chuyển đổi mặt bằng, điều kiện tiên quyết là phải hủy bỏ chủ trương đầu tư của 2 nhà máy điện hạt nhân. Hiện tại, tỉnh đã hoàn tất các thủ tục liên quan, nhưng do Bộ Công thương chưa trình Thủ tướng Chính phủ nên chưa thể phê duyệt đề án chuyển đổi mặt bằng”, ông Lê Kim Hoàng thông tin.
Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam cho biết: “Hơn 10 năm qua, do không được đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất, nên đời sống của nhân dân 2 vùng quy hoạch dự án điện hạt nhân gặp rất nhiều khó khăn. Tỉnh mong muốn bộ, ngành Trung ương tham mưu với Thủ tướng Chính phủ sớm trả lại diện tích của 2 dự án cho tỉnh để triển khai các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội”.
Năm 2005, tỉnh Ninh Thuận được Trung ương chọn triển khai xây dựng 2 nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2, với tổng công suất 4.000MW. Đến năm 2009, dự án được Quốc hội thông qua. Năm 2012, Bộ Công thương công bố quyết định phê duyệt quy hoạch địa điểm xây dựng nhà máy. Dự án dự kiến được khởi công vào năm 2014, sau đó thay đổi thời gian vào năm 2015. Đến tháng 11-2016, Quốc hội ra Nghị quyết dừng chủ trương đầu tư dự án. |