Vướng…
Theo quyết định phê duyệt, dự án Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích Mỹ Sơn (dự án) sẽ bao gồm toàn bộ thung lũng Mỹ Sơn được giới hạn bằng các đỉnh núi bao quanh, như: đỉnh núi Văn Chỉ, Hòn Ngang, Đá Bèo, Kỳ Vĩ, Mật Mã. Trong phạm vi nghiên cứu quy hoạch gồm toàn bộ khu di tích, các cánh rừng trên sườn núi phía trong thung lũng Mỹ Sơn, khu vực xây dựng các công trình quản lý và dịch vụ thuộc khu Mỹ Sơn - Thạch Bàn, tổng diện tích phạm vi đề xuất nghiên cứu quy hoạch là 1.158ha, tổng nguồn vốn 282 tỷ đồng.
Bên cạnh quy hoạch sử dụng đất, nội dung dự án chủ yếu tập trung vào công tác bảo tồn, trùng tu di tích như rà phá bom mìn, vật liệu nổ, xử lý chất độc hóa học; nghiên cứu điều kiện tự nhiên, vật liệu xây dựng, công nghệ và kỹ thuật xây dựng, lịch sử, mỹ thuật cổ, văn hóa phi vật thể, xây dựng hồ sơ khoa học cho toàn khu di tích…
Qua 10 năm triển khai, dù đạt được nhiều kết quả trong công tác trùng tu, rà phá bom mìn, phục hồi cảnh quan… nhưng việc quy hoạch chi tiết, nhất là một số hạng mục quan trọng của dự án vẫn chưa thể thực hiện được do vướng kinh phí, nguồn lực hỗ trợ, chưa kể trượt giá; các công trình kiến trúc như tháp B3, B5, F1, F2… vẫn chưa có giải pháp bảo tồn chống đỡ hiệu quả. Đặc biệt, dù theo quy hoạch với diện tích 1.158ha, bao gồm đất rừng tự nhiên nhưng đến nay việc cắm mốc giới phân định giữa các địa phương lân cận vẫn chưa rõ ràng dẫn đến khó khăn lúng túng trong công tác quản lý và bảo vệ rừng.
Ông Phan Hộ, Giám đốc Ban Quản lý di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn, cho biết, việc cắm mốc trước đây được UBND tỉnh Quảng Nam giao cho Sở VH-TT-DL Quảng Nam nhưng chưa thấy thực hiện.
Lý giải về việc này, ông Hồ Tấn Cường, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Quảng Nam, cho biết, sở dĩ đến nay việc cắm mốc phân chia địa giới quản lý rừng theo quy hoạch chưa được thực hiện là do đơn vị tư vấn là Viện Bảo tồn di tích chưa bàn giao hồ sơ, dù đơn vị đã nhiều lần gửi văn bản. “Bây giờ cắm mốc hay không cắm mốc, sở cũng chịu vì không biết nơi nào mà chỉ. Cái này phụ thuộc vào Viện Bảo tồn di tích. Nên trong khi chờ đợi, huyện Duy Xuyên phải tính toán, kể cả phối hợp với huyện Nông Sơn trong công tác bảo vệ”, ông Cường chia sẻ.
Lập lại quy hoạch
Một trong những mục tiêu chính của dự án Quy hoạch tổng thể Mỹ Sơn là xác định kế hoạch bảo tồn nhằm cứu vãn, ngăn chặn quá trình hủy hoại toàn bộ di tích hiện còn tồn tại ở Mỹ Sơn cũng như bảo tồn cảnh quan thiên nhiên toàn khu vực... Tuy nhiên, đến nay dù thời hạn của dự án đã gần hết nhưng mục tiêu trên vẫn chưa thể thực hiện. Thậm chí, một số tháp như F1, F2 đang có nguy cơ sụp đổ nhưng vẫn chưa thể lập dự án trùng tu bảo tồn. “Ban Quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn kiến nghị Sở VH-TT-DL, UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị Bộ VH-TT-DL xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ thống nhất chủ trương lập Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thế giới Khu di tích Mỹ Sơn giai đoạn 2021-2030, định hướng đến 2040”, ông Hộ đề xuất.
Theo ông Trần Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, việc lập Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thế giới Khu di tích Mỹ Sơn giai đoạn 2021-2030, định hướng đến 2040 là cần thiết. Dù vậy cũng cần phải làm rõ việc lập lại quy hoạch có mang tính cấp thiết không, khi đó mới có thể thuyết phục các cấp bộ ngành liên quan đồng ý. Ngoài ra, trước khi lập lại quy hoạch, Ban Quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn và UBND huyện Duy Xuyên nên có báo cáo đánh giá những gì đã làm được cũng như vướng mắc trong quá trình thực hiện quy hoạch để tỉnh có cơ sở báo cáo Bộ VH-TT-DL trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch mới.
“Việc lập dự án mới Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thế giới Khu di tích Mỹ Sơn giai đoạn tới sẽ giúp tiếp tục định hướng tổ chức quản lý, nhằm phát huy các giá trị của khu di tích, đặc biệt là khai thác tiềm năng về dịch vụ du lịch, văn hóa với tư cách một nhân tố tác động tích cực trở lại phục vụ mục đích bảo tồn có hiệu quả Khu di tích Mỹ Sơn. Qua đó, góp phần thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương hiệu quả hơn”, ông Tân phân tích.