Sáng 24-12, phát biểu Hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam biểu dương lực lượng báo chí là một trong những lực lượng tuyến đầu chống dịch Covid-19.
Là người trực tiếp vào chỉ đạo chống dịch tại TPHCM, Phó Thủ tướng cho biết, đã tâm sự với nhiều lãnh đạo rằng tiếc rằng dịch Covid-19 là bệnh truyền nhiễm nên báo chí không thể tác nghiệp thuận tiện như các sự kiện khác. Nếu các nhà báo có điều kiện bảo hộ, được tạo điều kiện tác nghiệp nhiều hơn, bạn đọc và toàn xã hội sẽ còn thấy được trong khó khăn gian khổ có nhiều tấm gương, hành động, nghĩa cử, giá trị cao quý và nhân văn của người dân Việt Nam.
Phó Thủ tướng cho rằng: Lúc đầu vaccine vào Việt Nam chậm hơn các nước là bình thường. Nhưng giờ Đảng, Nhà nước đã lo được vaccine với sự hỗ trợ, đóng góp của người dân và doanh nghiệp. Hiện đã lo đủ vaccine để tiêm mũi 3. Việt Nam tiêm rất nhanh là nhờ sự tự nguyện của người dân, qua tuyên truyền của báo chí và bây giờ tiếp tục vận động để tiêm vaccine được tốt hơn.
1. Những người làm công tác báo chí cần nhận thức sâu sắc hơn nữa vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của báo chí cách mạng;
2. Nghiên cứu kỹ lưỡng, tìm tòi, đổi mới, sáng tạo việc thông tin tuyên truyền nội dung Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Đây là công việc hết sức quan trọng. Báo chí phải nắm thật chắc, thật rõ nội dung nghị quyết. Chỉ trên cơ sở nghiên cứu kỹ lưỡng, chúng ta mới có thể thông tin, tuyên truyền một cách hiệu quả, bảo đảm yêu cầu đề ra;
3. Phát huy vai trò và nêu cao trách nhiệm của hệ thống báo chí, xuất bản trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình hiện nay. Các cơ quan báo chí phải thực sự là lực lượng tuyến đầu, không ngừng đổi mới cả về nội dung, hình thức, phương pháp thể hiện chủ đề này;
4. Tập trung tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi phát triển kinh tế xã hội. Cần bám sát diễn biến thực tế, bảo đảm cân đối, hài hòa giữa thông tin phòng chống, dịch với thông tin phục hồi phát triển kinh tế và các lĩnh vực khác; khơi dậy sự đồng lòng, quyết tâm, tin tưởng của nhân dân đối với cấp ủy chính quyền trong công tác chỉ đạo, điều hành nội dung quan trọng này;
5. Tiếp tục chủ động, đổi mới công tác chỉ đạo, định hướng, quản lý Nhà nước về báo chí; tăng cường nắm bắt tình hình hoạt động, tâm tư, nguyện vọng của các cơ quan báo chí; những vấn đề vướng mắc, khó khăn trong hoạt động báo chí; nâng cao chất lượng công tác tham mưu, xây dựng chủ trương, đường lối phát triển và quản lý báo chí; đề xuất sửa đổi một số quy định của Ban Bí thư liên quan công tác phối hợp, chỉ đạo, định hướng báo chí; công tác bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật theo tinh thần là tạo điều kiện để báo chí phát triển;
6. Thực hiện Quy chế phối hợp giữa Ban Tuyên giáo các cấp với cơ quan Nhà nước cùng cấp trong việc thực thi pháp luật, triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết các vấn đề nội cộm nhân dân quan tâm. Kịp thời, chủ động cung cấp thông tin cho báo chí là giải pháp quan trọng để hạn chế được những thông tin thiếu chuẩn xác, tin đồn thất thiệt, bịa đặt, xuyên tạc trên mạng xã hội và các loại hình truyền thông trên internet;
7. Tăng cường rà soát, kiểm tra việc thực hiện định hướng chính trị tư tưởng, việc thực hiện tôn chỉ, mục đích, hoạt động tác nghiệp của các cơ quan báo chí; kiên quyết xử lý nghiêm minh các trường hợp sai phạm, trong đó, phải phát huy hơn nữa trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan chủ quản;
8. Đẩy mạnh triển khai giai đoạn 2 của Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại, trong đó, chú trọng nghiên cứu, đề xuất các giải pháp để xử lý vấn đề kinh tế báo chí, chuyển đổi số báo chí; tăng cường quản lý và phát triển các loại hình truyền thông trên internet; tập trung hoàn thiện đề án xây dựng hệ thống các cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện ở tầm quốc gia. Rà soát, nâng cao chất lượng đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý báo chí, phóng viên, biên tập viên có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức trong sáng, tinh thông nghiệp vụ để nâng cao hiệu quả hoạt động báo chí, tuyên truyền.
9. Khẳng định và nâng cao vai trò của báo chí trong việc định hướng xã hội về tính nhân văn, đạo đức, hướng tới các giá trị văn hóa như chân, thiện, mỹ, hòa bình, hội nhập, phát triển bền vững. Điều này đòi hỏi trước hết mỗi cơ quan báo chí phải xây dựng và thực hiện chuẩn mực văn hóa, đạo đức trong chính đơn vị mình theo tinh thần Hội nghị Văn hóa toàn quốc; phấn đấu mỗi cơ quan báo chí là một cơ quan văn hóa tiêu biểu.