Xác định rõ mục đích quy hoạch
Quá trình quy hoạch TPHCM trải qua 3 thời kỳ. Đầu tiên, sau khi xâm chiếm và cai trị nước ta, tại Sài Gòn, người Pháp đã quy hoạch TP Sài Gòn theo kiểu châu Âu. Những đại lộ Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Trần Hưng Đạo, Bưu điện Thành phố, Nhà hát Lớn, nhà thờ… vẫn đẹp và hiện đại cho tới bây giờ, sau khoảng 150 năm.
Thời kỳ thứ hai, sau Cách mạng Tháng 8-1945, trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, quy hoạch TP Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định phổ biến là tự phát, có một phần theo yêu cầu chính sách thực dân kiểu mới và chuẩn bị chiến tranh.
Trong khi đó, dân số Sài Gòn - Chợ Lớn và Gia Định tăng lên vượt bậc, do nhân dân vùng ĐBSCL lánh nạn chiến tranh kéo về, phổ biến là cắm thuyền trên các kênh rạch thành phố rồi lên bờ sống chen chúc ở các khu ổ chuột. Tiếp theo là đồng bào miền Bắc di cư vào Nam sau năm 1954; rồi người lao động nhiều tỉnh thành trong nước vào thành phố tìm việc làm…
Mặt khác, các ngành tiểu thủ công nghiệp và thương mại dịch vụ cũng phát triển mạnh, sản xuất kinh doanh khắp thành phố, ngay trong nhà ở của dân, trong các ngõ hẻm ngoằn ngoèo, chật chội, ô nhiễm, nguy cơ cháy nổ chực chờ…
Hậu quả, thành phố bị quá tải cả về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Khi nội thành quá ngột ngạt, đô thị hóa tự phát như vết dầu loang, tràn ra ngoại thành. Những khu đô thị hóa không được quy hoạch đúng quy chuẩn đã mọc lên như nấm, lấp đầy nhiều khu vực ngoại thành.
Đó là bài toán khó cho quy hoạch trong thời kỳ thứ ba - sau năm 1975 đến nay - mà chúng ta chưa giải quyết tới nơi tới chốn, kể cả thêm những sai khuyết mới.
Vì vậy, việc điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM hiện nay cần xác định tập trung 2 mục đích: Một là, chỉnh trang tổng thể không gian sinh tồn của thành phố, bảo vệ và tôn tạo môi trường sinh thái, tổ chức lại và hiện đại hóa các khu chức năng, nhất là tách hoạt động sản xuất ra khỏi khu dân cư, chuyển sản xuất và một bộ phận khá lớn thương mại dịch vụ nhỏ lẻ ra các khu phát triển mới ở ngoại thành; hai là, phát triển không gian theo hướng xây dựng các đô thị mới ở ngoại thành, các vệ tinh của thành phố đa trung tâm nhằm phát triển không gian cho lực lượng sản xuất mới phù hợp Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0) và cho xây dựng các thiết chế văn hóa, xã hội; đồng thời phục vụ chỉnh trang, hiện đại hóa nội đô và phân bổ lại lực lượng sản xuất trên toàn địa bàn.
Hai trọng tâm trên góp phần tích cực giải quyết tình trạng quy hoạch tự phát của quá khứ và những điểm không hợp lý trong quy hoạch hiện nay. Từ đó, củng cố nền tảng cho sự phát triển nhanh và bền vững của một siêu đô thị như TPHCM. Việc xây dựng phát triển đô thị mới cần phải có quy hoạch và kế hoạch phát triển đồng bộ kinh tế, dân sinh, xã hội, văn hóa, giáo dục, y tế, các phúc lợi công cộng, các tiện ích hiện đại để dân cư có thể sống và hoạt động tại đô thị mới một cách ổn định, lạc nghiệp.
Thắt chặt mối liên kết vùng
Hiện nay, giao thông liên vùng còn yếu và thiếu, hợp tác liên vùng còn lỏng lẻo, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển nhanh Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam. Từ TPHCM về ĐBSCL chỉ có độc đạo nhỏ hẹp, thường xuyên ách tắc, trong khi khối lượng hàng hóa xuất khẩu từ ĐBSCL rất lớn, chiếm hơn 90% lúa gạo, 60% thủy hải sản xuất khẩu nước ta…
Đồng thời, có đến gần 50% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của cả nước đi qua cảng Cát Lái (TPHCM), là cảng biển nằm sâu trong nội địa và chỉ đón được tàu trọng tải dưới 25.000 tấn. Ngược lại, cảng Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu) được quy hoạch là “siêu cảng” trong Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam lại chưa được phát huy hết các thế mạnh.
Trong khi, ĐBSCL với chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn toàn vùng sẽ phát triển hàng hóa quy mô lớn. Do đó, nhu cầu giải phóng hàng hóa ra khỏi vùng rất cấp bách, nhu cầu đi lại của 20 triệu dân cũng rất bức xúc, nhưng chưa có giải pháp đúng mức, kịp thời, làm suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Mặt khác, do quy luật sức hút kinh tế của những vùng có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn, có nhiều cơ hội việc làm và nhiều dịch vụ tốt hơn nên di dân cơ học về TPHCM và miền Đông Nam bộ luôn luôn diễn biến không ổn định. Vì vậy, chỉ có thể giải quyết cơ bản vấn đề bằng cách phân bổ lại lực lượng sản xuất trên toàn miền Nam: tạo điều kiện thu hút lực lượng lao động đến nơi có công nghiệp phát triển, kéo theo dịch vụ phát triển.
Muốn vậy, điều quan trọng trước tiên là phải có giao thông thuận tiện cả về hành khách đi lại và vận tải hàng hóa nặng. Phương tiện giao thông hiệu quả nhất là đường sắt tốc độ cao, hiện đại (120-200km/giờ; khổ 1,435m) từ TPHCM về ĐBSCL. Dọc theo tuyến đường sẽ phát triển các đô thị mới, khu công nghiệp, khu kinh tế, hay khu nông nghiệp công nghệ cao thích hợp mỗi địa phương.
Khi lưu thông hàng hóa thông suốt, cước phí thấp, vận tải ngày đêm liên tục đến cảng biển hoặc nơi tiêu thụ nội địa nhanh chóng và hành khách đi lại dễ dàng, đúng giờ, an toàn cao, thì các doanh nghiệp sẽ đến ĐBSCL để gần vùng nguyên liệu.
Khi đó, người lao động sẽ ở lại địa phương và vào các cơ sở sản xuất ngay trên quê hương. Như vậy, việc bố trí lại lực lượng sản xuất xã hội vừa có tác động của nhà nước vừa theo quy luật thị trường sẽ đem lại kết quả quan trọng là giải tỏa được tình thế quá tải và bất cập của TPHCM hiện nay, đồng thời kích thích phát triển được kinh tế cho vùng Nam bộ rộng lớn với trên 40% dân số cả nước, chiếm khoảng 60% thu nhập quốc dân.
TPHCM cần chú trọng quy hoạch phát triển mảng xanh ở nội thành và ngoại thành, tôn tạo mảng xanh 2 bờ sông Sài Gòn; gìn giữ nghiêm ngặt, bảo tồn Khu dự trữ sinh quyển thế giới ở Cần Giờ (rừng ngập mặn Cần Giờ) và biển Cần Giờ. |