Đặc biệt, chú trọng phát triển hạ tầng giao thông kết nối với khu cảng biển Cát Lái trên sông Đồng Nai để nâng cao hiệu quả khai thác cảng, cải thiện tình hình giao thông đường bộ kết nối khu vực cảng.
Theo UBND TPHCM, việc đầu tư xây dựng, khai thác cảng biển cần chú trọng theo chiều sâu, tận dụng tối đa lợi thế điều kiện tự nhiên, đầu tư xây dựng theo hướng hiện đại, tiết kiệm tài nguyên, giảm ô nhiễm môi trường, nâng cao hiệu quả khai thác, gắn kết chuỗi cung ứng dịch vụ hậu cần cảng (logistics), đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phát triển bền vững của TPHCM.
Về định hướng phát triển cảng biển TPHCM đối với khu cảng trên sông Sài Gòn, TP cho biết sẽ tiếp tục thực hiện di dời, chuyển đổi công năng các cảng trên sông Sài Gòn theo Quyết định 791/2005 của Thủ tướng Chính phủ. Đối với cảng biển trên sông Sài Gòn còn lại, tiếp tục hoạt động theo hiện trạng, không nâng cấp mở rộng và nghiên cứu thực hiện chuyển đổi công năng theo quy hoạch sử dụng đất TPHCM trước năm 2030 hoặc khi hết thời hạn cho thuê đất. Riêng đối với khu cảng trên sông Sài Gòn từ bến Tân Thuận Đông đến bến cảng ELF Gas Sài Gòn, đề nghị nghiên cứu chuyển đổi công năng sớm. Đối với khu bến Tân Thuận của cảng Sài Gòn đề nghị nghiên cứu chuyển đổi công năng đến năm 2022.
Với khu cảng Cát Lái trên sông Đồng Nai, là khu cảng biển chính của TPHCM trong giai đoạn hiện nay, tiếp tục phát triển hoàn chỉnh đồng bộ cầu cảng, kho bãi theo quy hoạch, hiện đại hóa thiết bị bốc dỡ, ứng dụng công nghệ thông tin trong giao nhận hàng hóa, giảm thời gian hàng hóa thông qua cảng, nâng cao năng lực, hiệu quả khai thác, đáp ứng nhu cầu hàng hóa xuất nhập khẩu trong tương lai. TP cũng thống nhất đề xuất nghiên cứu phát triển thêm khoảng 600m cầu cảng tại khu đất tiếp giáp bến cảng Tân Cảng Phú Hữu (bến cảng Bến Nghé) quận 9 về phía hạ lưu, để đảm bảo tính liên tục với hệ thống cầu cảng hiện hữu và phù hợp với quy hoạch sử dụng đất tại vị trí này theo quy hoạch sử dụng đất của TP, là đất dịch vụ cảng và kho bãi.
Đối với bến cảng container quốc tế SP- ITC, TP đề nghị giữ nguyên 675m cầu cảng hiện hữu, không xây dựng thêm 200m cầu cảng phía tiếp giáp rạch Ông Nhiêu, nhằm đảm bảo an toàn giao thông thủy cho các phương tiện lưu thông từ tuyến rạch Ông Nhiêu ra sông Đồng Nai và ngược lại. Ngoài ra, TP cũng đề xuất xem xét nghiên cứu việc mở rộng khu cảng biển Cát Lái trên sông Đồng Nai về phía thượng lưu (đoạn từ rạch Ông Nhiêu đến sông Tắc) phục vụ cho tàu biển trọng tải đến 30.000 DWT.
Đối với khu cảng biển trên sông Nhà Bè, cơ bản giữ nguyên quy hoạch đã được duyệt. Khai thác theo hiện trạng, đầu tư xây dựng hoàn chỉnh theo quy hoạch, nâng cấp cầu cảng, hiện đại thiết bị bốc dỡ hàng hóa để nâng cao hiệu quả khai thác, đáp ứng nhu cầu hàng hóa xuất nhập khẩu trong tương lai.
Đối với khu cảng biển Hiệp Phước trên sông Soài Rạp, là khu cảng biển chính của TPHCM trong tương lai, cơ bản giữ nguyên theo quy hoạch đã được duyệt, xây dựng các bến cảng phía hạ lưu, phù hợp với phát triển hạ tầng giao thông kết nối. Đối với luồng hàng hải Soài Rạp, đảm bảo tiếp nhận tàu trọng tải đến 30.000 DWT đầy tải và 50.000 DWT giảm tải. Nghiên cứu đầu tư giai đoạn tiếp theo, khi thực sự có nhu cầu trong điều kiện các cảng biển trên luồng Soài Rạp được đầu tư hoàn chỉnh, tuyến đường Bắc Nam kết nối từ đường Nguyễn Văn Linh đến khu cảng Hiệp Phước được đầu tư hoàn chỉnh quy hoạch và trên cơ sở đánh giá tính ổn định của luống Soài Rạp.
Kiến nghị chỉ bổ sung 3/4 vị trí làm cảng biển Cần Giờ
Đối với đề xuất bổ sung quy hoạch các khu bến cảng mới trên địa bàn huyện Cần Giờ, theo báo cáo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Công ty CP Tư vấn xây dựng công trình hàng hải (đơn vị tư vấn) lập, dự kiến bổ sung quy hoạch cảng container, tổng hợp, hàng rời tại 4 vị trí trên địa bàn huyện Cần Giờ.
Đối với nội dung này, TP đề xuất: đối với vị trí số 01 tiếp giáp sông Lòng Tàu, thuộc xã Bình Khánh huyện Cần Giờ, theo báo cáo của đơn vị tư vấn dự kiến quy hoạch cảng biển với quy mô 250ha, chiều dài đường bờ khoảng 5.000m2, cỡ tàu đến 30.000 - 50.000 DWT. Qua xem xét, TP cho rằng vị trí này có kết nối giao thông thuận lợi với tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành (đang triển khai thi công), nên có khả năng sẽ xem xét nghiên cứu bổ sung quy hoạch cảng biển, tuy nhiên cần nghiên cứu diện tích khu dịch vụ logistics tiếp giáp phía sau cảng.
Đối với vị trí số 02 tiếp giáp sông Lòng Tàu tại xã Thạnh An huyện Cần Giờ, dự kiến quy hoạch cảng biển tại vị trí này với quy mô 50ha, chiều dài đường bờ khoảng 800m, cỡ tàu đến 100.000 DWT, nằm trong vùng đệm Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ. TP cho rằng vị trí này không có quy hoạch giao thông bộ kết nối nên đề xuất không nghiên cứu quy hoạch cảng tại vị trí này.
Đối với vị trí số 03 tiếp giáp luồng Sài Gòn - Vũng Tàu (vị trí cửa biển), thuộc xã Long Hòa, huyện Cần Giờ, dự kiến quy hoạch cảng biển với quy mô 150ha, chiều dài đường bờ khoảng 3.000m, cỡ tàu đến 150.000 DWT, nằm trong vùng đệm Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ. Theo UBND TP, vị trí này có thể kết nối giao thông vào tuyến đường Rừng Sác, nằm tại cửa biển của luồng Sài Gòn - Vũng Tàu, tiếp nhận được tàu biển có trọng tải lớn đến 150.000 DWT, tàu khách quốc tế có tải trọng đến 200.000 GT nên trong trường hợp nghiên cứu quy hoạch cảng biển tại vị trí này, nên nghiên cứu phát triển cảng trung chuyển hàng hóa chủ yếu bằng đường thủy, hạn chế tối đa vận chuyển bằng đường bộ nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường khu vực, kết nối làm cảng hành khách quốc tế cho tàu 200.000 GT; đồng thời lấy ý kiến của Bộ TN-MT đối với quy hoạch cảng tại vị trí này, do nằm trong vùng đệm Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ.
Đối với vị trí số 04 tiếp giáp luồng Cái Mép - Thị Vải (vị trí cửa biển) thuộc cù lao Ông Chó huyện Cần Giờ, dự kiến quy hoạch cảng biển chuyên dụng với quy mô 100ha, chiều dài đường bờ khoảng 2.500m, cỡ tàu đến 200.000 DWT. Theo TP, vị trí này tuy không có quy hoạch giao thông bộ kết nối, nhưng do nằm tại cửa biển giáp với 2 tuyến luồng hàng hải quan trọng là tuyến luồng Cái Mép - Thị Vải và luồng Sài Gòn - Vũng Tàu, tiếp nhận được tàu biển có trọng tải 200.000 DWT nên đề xuất nghiên cứu quy hoạch cảng biển chuyên dụng và thực hiện trung chuyển hàng hóa bằng đường thủy nội địa tại vị trí này là có thể xem xét.
Ngoài ra, UBND TPHCM cũng đề xuất xem xét nghiên cứu quy hoạch cảng biển nước sâu (cảng tiềm năng) tại bờ phải sông Thị Vải, khu vực cù lao Gò Gia huyện Cần Giờ, phục vụ tàu biển 80.000 DWT vào giai đoạn sau năm 2030. Bên cạnh đó, TP đề nghị rà soát, đánh giá mạng lưới cở sở hạ tầng giao thông vận tải kết nối, hệ thống trung tâm logistics, ICD trong khu vực để đề xuất các phương thức vận tải đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt nối với cảng biển TPHCM. Đặc biệt là giao thông kết nối với khu cảng biển Cát Lái trên sông Đồng Nai, khu cảng Hiệp Phước trên sông Soài Rạp. Trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, TP sẽ cập nhật điều chỉnh quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông kết nối với các khu vực cảng biển trong quy hoạch TPHCM thời kỳ năm 2021-2030, định hướng đến năm 2050.