Theo đó, việc lập quy hoạch cần đảm bảo các yêu cầu như: tôn trọng ý tưởng phương án của đơn vị tư vấn đoạt giải về cấu trúc đô thị, giữ nguyên cơ cấu sử dụng đất hiện trạng theo phương án đề xuất về tỷ lệ đất rừng, sông, rạch, đất nông nghiệp… để đảm bảo phát triển “Cần Giờ là đô thị sinh thái thế hệ tiếp theo” như ý tưởng chủ đạo của phương án đoạt giải.
Phát triển cân bằng, đáp ứng các yêu cầu bảo tồn hệ sinh thái của khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, tuân thủ các yêu cầu và nguyên tắc cơ bản của ý tưởng quy hoạch đã được duyệt.
Kết nối đồng bộ về hệ thống hạ tầng kỹ thuật với Đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5000 Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ quy mô 2.870ha, tại xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh đã được duyệt.
Đối với phương án đề xuất về cụm phân khu đô thị 1 (khu A) tại xã Bình Khánh thì không bố trí các khu nhà ở tiếp cận trực tiếp với trục đường Rừng Sác, có khoảng lùi sâu, bố trí đường song hành.
Về hệ thống giao thông, đơn vị cần nghiên cứu thêm phương án bố trí bãi đậu xe tại vùng chuyển tiếp của khu A và khu C để tập kết các phương tiện giao thông cá nhân và sử dụng phương tiện vận chuyển công cộng đến Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ.
UBND thành phố cũng lưu ý không nghiên cứu đề xuất quy hoạch tuyến cầu vượt biển kết nối Cần Giờ với Vũng Tàu.
Vào tháng 10-2018, Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM đã công bố kết quả tuyển chọn và trao giải cho “Ý tưởng quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5.000 huyện Cần Giờ”. Theo đó có ba ý tưởng của các công ty đã đạt giải gồm Nikken Sekkei Civil Engineering (giải nhất), AECOM (giải nhì) và Boydens Engineering (giải ba).
Được biết, Nikken Sekkei Civil Engineering đã đưa ra phương án với 4 định hướng quy hoạch cụ thể: Phát triển đô thị Cần Giờ có vai trò như một đô thị vệ tinh của TPHCM; Phát triển theo du lịch trải nghiệm; Phát triển cộng sinh giữa môi trường - thiên nhiên, con người - thiên nhiên, đô thị mới - đô thị cũ; Phát triển một đô thị thông minh (năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng khác) và hiện đại hóa nông nghiệp.