Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 14-9, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi).
Theo đó, dự thảo Luật đã bổ sung 1 chương (Chương VI: Quảng bá, xúc tiến phát triển điện ảnh; Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh; bổ sung mới 20 điều); sửa đổi, bổ sung nhiều quy định của Luật hiện hành để khắc phục bất cập trong thực tiễn.
Đáng lưu ý, về đối tượng áp dụng, dự thảo Luật có quy định điều chỉnh cả các tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp dịch vụ phổ biến phim đến khán giả tại Việt Nam trên không gian mạng có máy chủ đặt tại nước ngoài (quy định tại khoản 15 Điều 3).
Thực tế hiện nay, nhiều dịch vụ xem phim trên nền tảng internet xuyên biên giới có máy chủ đặt tại nước ngoài đang thu hút số lượng lớn khán giả Việt Nam chấp nhận trả phí để xem nội dung (WeTV, IQIYI - Trung Quốc; Netflix, Apple TV, Disney Plus - Mỹ...); trong đó, không ít dịch vụ vi phạm pháp luật về điện ảnh, nội dung, bản quyền, thuế…
Qua thẩm tra dự luật, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Thường trực Ủy ban nhất trí với tên gọi và phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật. Tuy nhiên, đề nghị ban soạn thảo cần làm rõ thêm tính khả thi khi mở rộng đối tượng điều chỉnh như trên.
Liên quan đến Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh, cơ quan thẩm tra cho rằng, Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh được quy định tại Luật hiện hành nhưng đến nay chưa được thành lập. Tờ trình của Chính phủ nêu nguyên nhân chủ yếu là do Luật Điện ảnh chưa quy định về mô hình, lĩnh vực hoạt động cùng nguồn thu ổn định lâu dài để Quỹ tồn tại, phát triển và hoạt động hiệu quả.
Dự thảo Luật tiếp tục quy định thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh; bổ sung nội dung về mục đích, nguyên tắc hoạt động và xác định Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, nhà nước hỗ trợ vốn điều lệ, được thành lập và hoạt động theo quy định pháp luật; có khả năng tài chính độc lập; có nguồn thu, nhiệm vụ chi không trùng với nguồn thu, nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước; có tư cách pháp nhân, có con dấu, tài khoản riêng, do Thủ tướng Chính phủ thành lập, phê duyệt Điều lệ tổ chức và hoạt động và giao Chính phủ quy định chi tiết.
Đa số ý kiến Thường trực Ủy ban đề nghị cân nhắc quy định về Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh trong dự thảo Luật và cho rằng quy định về Quỹ chưa phù hợp với quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
“Nội dung chi của Quỹ trùng với nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước; chưa đủ căn cứ, chưa đưa ra giải pháp về khả năng tài chính độc lập để đáp ứng được nguyên tắc quy định tại khoản 1 Điều 47 “Không vì mục đích lợi nhuận; bảo toàn vốn điều lệ và tự bù đắp chi phí quản lý”, ông Nguyễn Đắc Vinh bình luận.
Mặt khác, Nghị quyết số 792/NQ-UBTVQH14 ngày 22/10/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số nhiệm vụ và giải pháp đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước yêu cầu Chính phủ rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước.
Thực tế thời gian qua, khi thông qua một số luật, Quốc hội đã bãi bỏ một số quỹ đã được lập theo các luật chuyên ngành, như: Quỹ hỗ trợ, điều trị, chăm sóc người nhiễm HIV; Quỹ hỗ trợ khám chữa bệnh, Quỹ phòng, chống tác hại rượu bia.
Do còn có ý kiến đề nghị dự thảo Luật có quy định về Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh nhằm hỗ trợ, khuyến khích các tác giả, nhà làm phim triển vọng, có ý tưởng sáng tạo, tạo ra tác phẩm điện ảnh có giá trị văn hóa nghệ thuật cao nên Thường trực Ủy ban đề nghị trình xin ý kiến đại biểu Quốc hội về vấn đề này.