
Hiện nay, mỗi nhà đầu tư (NĐT) chứng khoán đều có cách đầu tư của riêng mình. Có người thì suốt cuộc chơi chỉ chọn một hoặc hai mã cổ phiếu để đầu tư; có người sở hữu cùng lúc 5 đến 7 mã chứng khoán khác nhau để mua bán. Vậy giữa NĐT sở hữu nhiều và NĐT sở hữu ít mã cổ phiếu ai dễ thành công hơn?

Thử khảo sát qua 10 nhà đầu tư (NĐT) ở một số sàn giao dịch chứng khoán tại TPHCM chúng tôi thu được kết quả: 5 người sở hữu 7 mã chứng khoán khác nhau; 3 người sở hữu 5 mã chứng khoán; 2 người còn lại sở hữu 3 mã chứng khoán. Chưa kể trong 10 người này có 6 người sở hữu từ 1 đến 4 loại cổ phiếu chưa niêm yết trên thị trường (cổ phiếu OTC).
Đa số NĐT trong nước hiện nay đều xuất thân từ nhà đầu tư nhỏ lẻ (chiếm hơn 70%, theo thống kê của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước), trong đó không ít NĐT là người về hưu, có chút ít tiền nhàn rỗi đem đầu tư chứng khoán nên tâm lý muốn an toàn và bảo toàn vốn vẫn còn nặng trong phương thức đầu tư.
Theo ghi nhận của chúng tôi, chiến thuật đầu tư “không bỏ trứng vào cùng một rổ” gần như là quy tắc bất biến của không ít NĐT hiện nay. NĐT Nguyễn Văn Mùi, ở sàn Rồng Việt, phân tích: “Nếu mua một hoặc hai mã chứng khoán, lúc thắng có thể thắng lớn, ngược lại khi thua thì lỗ nặng. Còn mua nhiều mã cổ phiếu khi rớt “thằng” này còn “thằng” kia “đỡ” nên không đến nỗi nào. Tôi đã thử chơi bằng hai kiểu trên và cuối cùng tính toán lại thì lợi nhuận bằng nhau”.
Tuy nhiên, chỉ có người “đứng giữa” như chúng tôi khi khảo sát và ghi nhận mới thấy rằng trên thực tế, những NĐT trúng lớn, trong giới thường gọi là “đại gia chứng khoán”, họ không ôm đồm nhiều mã cổ phiếu cùng lúc, mà chỉ chọn 1 hoặc 2 mã cổ phiếu nào đó và nghiên cứu thật kỹ rồi quyết định đầu tư. Khi đạt được khung giá tỷ lệ lợi nhuận kỳ vọng (5%, 10%, 15%...) họ sẽ bán ra và chuyển qua chọn 1 hay 2 mã cổ phiếu khác và tiếp tục đầu tư. Chính vì vậy họ thường trúng những “quả lớn”.
Một đại gia chứng khoán phản biện rằng: Tùy vào quan điểm đầu tư của mỗi người, tuy nhiên cần phải tính toán kỹ là khi phân tán độ rủi ro bằng cách mua bán nhiều mã cổ phiếu cùng lúc thì phải chịu nhiều phí môi giới mua hay bán (lúc được khớp lệnh) mà theo nguyên tắc tổng giá trị tiền giao dịch càng ít thì phí môi giới NĐT phải trả cho công ty chứng khoán càng cao. Như vậy phí môi giới sẽ “lủm” hết, cuối cùng chẳng còn lời bao nhiêu.
Những NĐT chứng khoán thành công mà chúng tôi quen biết “bật mí”: Ông bà mình thường nói “Quý hồ tinh bất quý hồ đa”. Nếu anh chỉ chọn một, hai mã cổ phiếu thì sẽ có thời gian điều nghiên, theo dõi nó đến độ chín mùi rồi quyết định đầu tư. Điều này rất cần trong kinh doanh chứng khoán.
Còn đầu tư nhiều mã chứng khoán cùng lúc chắc chắn sẽ không có điều kiện để nghiên cứu, theo dõi một cách cặn kẽ về tình hình hoạt động, biến cố, thậm chí những thay đổi về cổ tức, cổ phiếu thưởng… của đơn vị phát hành cổ phiếu ấy. Như vậy, xác suất đầu tư thành công đối với mã cổ phiếu ấy sẽ không cao. Việc đầu tư nhiều mã cổ phiếu chỉ phù hợp cho những ai thích “lướt ván” – mua bán nhanh.
Trong cuốn “Làm giàu theo cách của bạn” tác giả triệu phú Brain Tracy (người Mỹ), có nói đến kinh nghiệm thành công trong đầu tư chứng khoán: “Cốt để tránh bị sai lầm và không mấy khi chọn được cổ phiếu chính xác, bạn sẽ phải mất rất nhiều thời gian và công sức để nghiên cứu thị trường. Bạn phải nghiên cứu từng ngành công nghiệp ở thị trường ấy và nghiên cứu từng công ty trong ngành mà bạn đang xem xét việc đầu tư. Ông còn khuyên rằng, muốn thấu hiểu và đạt được xác suất thành công lớn đối với một mã cổ phiếu, mỗi tuần NĐT phải bỏ ra từ 40 – 60 giờ để nghiên cứu. Và điều quan trọng là đừng bao giờ mua quá nhiều cổ phiếu khác nhau. Tốt hơn bạn chỉ đầu tư vào một vài cổ phiếu mình có thể theo dõi kỹ lưỡng”.
Sự đa dạng hóa các mã chứng khoán có thể chia sẻ mỏng rủi ro nhưng cũng làm mất đi cơ hội bạn có thể kiếm được lời lớn nếu một trong các mã cổ phiếu mà bạn đầu tư tăng giá trị nhanh chóng.
PHẠM THỊ MỸ DUNG