Dự án nhằm kiến tạo cơ hội mới để các cộng đồng trên cả nước có thể đóng góp vào quá trình bảo tồn và phát triển các giá trị di sản văn hóa của họ, cũng như hưởng lợi từ chính quá trình đó.
Các hoạt động của dự án bao gồm: nghiên cứu, thu thập tài liệu, bảo tồn, tập huấn và nâng cao năng lực, vận động chính sách (đối thoại chính sách và cộng đồng) cũng như các thử nghiệm sáng tạo nhằm phát huy các di sản văn hóa này trong thực tiễn đương đại.
Với di sản nhạc và phim của Việt Nam (đặc biệt là các giá trị không được nhiều người biết đến và có nguy cơ mai một), Quỹ FAMLAB đã tạo điều kiện và cơ hội để các cá nhân, tổ chức và nhóm thực hành nghệ thuật thực hiện những dự án có tiềm năng tạo ra ảnh hưởng bền vững.
Đến nay, qua 1/3 chặng đường, quỹ đã lựa chọn và hỗ trợ được 15 dự án. Có thể kể đến dự án Tương lai của truyền thống, một trong số các dự án được tài trợ và vừa chính thức kết thúc bằng trưng bày “Đừng đứng” tại phòng trưng bày của Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Hà Nội.
Triển lãm là kết quả của quá trình nghiên cứu, làm việc cùng các nghệ nhân và nghệ sĩ dựa trên các chất liệu nghệ thuật truyền thống Việt Nam như tuồng, chèo, cải lương… kết hợp sử dụng những biểu đạt nghệ thuật đương đại như nghệ thuật sắp đặt, video, trình diễn...
Tại TPHCM, một chương trình khác do Quỹ FAMLAB hỗ trợ cũng đã diễn ra tại Galerie Quỳnh. Chương trình mang tên “Âm sáng”, triển lãm của nghệ sĩ Nguyễn Huy An, lấy cảm hứng từ lịch sử truyền khẩu cũng như các câu chuyện cá nhân liên quan đến âm nhạc truyền thống miền Bắc.
Một số dự án nổi bật khác có thể kể tới như: Góc chiếu bóng Việt - thư viện cùng các chương trình chiếu phim và giao lưu về điện ảnh Việt Nam do Trung tâm Phát triển tài năng điện ảnh TPD điều hành; Âm nhạc của chúng mình - dự án thực hiện bởi các bạn trẻ thuộc nhóm văn hóa cộng đồng Action for H’Mong Development nhằm lưu trữ và phát huy các giá trị âm nhạc truyền thống của dân tộc H’Mông...
Mới đây, Hội đồng Anh vừa chính thức công bố 3 dự án được nhận hỗ trợ của Quỹ FAMLAB, gồm: See the Sound, dự án đa phương tiện (phim tài liệu, ấn bản sách và các sự kiện cộng đồng) của Fly on Dust Media House; Điện ảnh Sài Gòn 1954-1975, dự án khảo cứu của nhà báo và cây bút điện ảnh Lê Hồng Lâm về các bộ phim và các nhà làm phim miền Nam Việt Nam giai đoạn trước 1975; Đoạn trường vinh hoa, phim tài liệu thời lượng dài do Lê Mỹ Cường đạo diễn và Thanh Nguyễn sản xuất, phối hợp cùng Đài Truyền hình Việt Nam, theo chân một gánh tuồng cổ trong các chuyến lưu diễn qua các vùng quê đồng bằng sông Cửu Long.
Quỹ FAMLAB cũng bắt đầu nhận hồ sơ cho giai đoạn 4, với tổng giá trị khoảng 100.000 bảng Anh, mỗi gói hỗ trợ có giá trị từ 3.000-10.000 bảng Anh.
Thông tin chi tiết có thể truy cập tại https://www.britishcouncil.vn/cac-chuong-trinh/nghe-thuat/quy-phim-nhac-va-luu-tru.
Kết quả sẽ được công bố muộn nhất vào ngày 15-9.