Với khát vọng đổi mới văn hóa làm khoa học, VinIF đã và đang âm thầm xây dựng một hệ sinh thái gắn kết, cùng chung tay cho mục tiêu phát triển khoa học - công nghệ nước nhà.
Tạo ổ cho “phượng hoàng”
Là 1 trong 158 nhà khoa học trẻ đầu tiên được nhận học bổng Thạc sĩ của VinIF năm 2019, Thạc sĩ Phan Kế Sơn, Viện Khoa học vật liệu, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, cho biết: “Đây là sự động viên rất lớn đối với tôi cả về vật chất và tinh thần. Hiện tôi đã bảo vệ thành công luận văn Thạc sĩ đạt điểm xuất sắc, có một công bố trên tạp chí Q1 và một công bố tại hội thảo quốc tế. Tôi cũng may mắn là một trong hai nhà khoa học trẻ đại diện cho Viện tham gia dự hội nghị khoa học thượng đỉnh các nhà khoa học trẻ toàn cầu 2021 tổ chức tại Singapore”.
Không chỉ thạc sĩ Sơn, trong những năm qua đã có hơn 780 nhà khoa học nhận được các học bổng từ VinIF. Với mục tiêu xây dựng văn hóa nghiên cứu và phát triển các cộng đồng nghiên cứu khoa học, VinIF từ khi thành lập đã liên tục cho ra đời các chương trình tài trợ mới mẻ, phù hợp với thực tiễn, nhằm tạo những điều kiện thuận lợi nhất cho những “phượng hoàng” chắp cánh.
Cụ thể, trong năm đầu tiên, VinIF ra mắt hai chương trình, gồm tài trợ các dự án khoa học - công nghệ và tài trợ học bổng thạc sĩ, tiến sĩ trong nước. Sang năm thứ hai, VinIF tài trợ và hợp tác thêm với các trường đại học, viện nghiên cứu hàng đầu Việt Nam để xây dựng chương trình đào tạo thạc sĩ, chủ yếu ở lĩnh vực khoa học dữ liệu, trí tuệ nhân tạo. Đồng thời, nhằm thúc đẩy việc chia sẻ kiến thức khoa học - công nghệ đến với đại chúng, liên tục hai chương trình hợp tác, tài trợ sự kiện - hội thảo; cùng Khóa học ngắn hạn và Giáo sư thỉnh giảng được VinIF triển khai mới.
Đặc biệt, năm 2021 VinIF là Quỹ đầu tiên tại Việt Nam tiên phong tài trợ Học bổng Nghiên cứu sau tiến sĩ (30 suất học bổng với mức 30 triệu đồng/tháng), thu hút nhiều tiến sĩ trẻ đã bảo vệ ở nước ngoài.
Không dừng ở đó, từ năm 2019 đến nay, VinIF cũng hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu để hỗ trợ các bạn trẻ thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu “thai nghén” ngay trên ghế nhà trường. GS Lê Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định, VinIF góp sức cùng các trường đại học thực hiện nhiệm vụ ươm tạo thế hệ nhà khoa học kế cận, đáp ứng đòi hỏi của môi trường làm việc quốc tế chuyên nghiệp.
GS Vũ Hà Văn - Giám đốc Khoa học VinBigData và VinIF (Tập đoàn Vingroup), cho biết: “Đích đến cuối cùng của nghiên cứu khoa học phải là tạo ra được những nhà khoa học có tư duy lành mạnh và tác phong làm việc chuyên nghiệp. Những sản phẩm ứng dụng có ý nghĩa thực tế, giúp nâng cao tầm hiểu biết và chất lượng cuộc sống của người Việt và khẳng định tầm vóc trí tuệ Việt trên trường quốc tế. Muốn làm được như vậy, nhà khoa học không thể đứng độc lập một mình, mà cần sự chung tay của cả cộng đồng nghiên cứu và doanh nghiệp tư nhân. Những nỗ lực dài hạn của VinIF trong việc hỗ trợ nguồn lực phát triển dự án khoa học - công nghệ là nhằm mục tiêu đó”.
Tiên phong tài trợ “không trói buộc”
Chọn cho mình một hướng đi riêng, VinIF không dàn trải mà tập trung đầu tư mũi nhọn. VinIF lựa chọn các nhóm mạnh về nghiên cứu, có tính đột phá, hàm lượng khoa học cao trên các lĩnh vực: khoa học - công nghệ, kỹ thuật, y dược, kinh tế và giáo dục nhằm tạo ra các sản phẩm ứng dụng thực tiễn hướng đến cộng đồng.
VinIF cũng cam kết tài trợ mà không có bất kỳ “trói buộc”, các bản quyền phát minh, sáng chế của các dự án đều thuộc về chủ nhiệm cũng như cơ quan chủ trì của dự án đó. Song song, VinIF cũng tiên phong “tháo gỡ” những nút thắt về cơ chế tài chính cũng như hành chính, nhằm giảm thiểu lượng giấy tờ quy chế, giúp các nhà khoa học yên tâm nghiên cứu.
Đánh giá cao cách làm của VinIF, GS.TSKH. Phùng Hồ Hải - Viện trưởng Viện Toán học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, cho hay: “Ý nghĩa của VinIF không nằm ở số lượng học bổng và các đề tài mà Quỹ đã tài trợ, mà nằm ở phương thức tài trợ, cách xem xét các tài trợ và đối tượng tài trợ. Sau 3 năm, đã có nhiều trường đại học từng bước triển khai các chương trình theo cách thức mà VinIF đang thực hiện”.
“Tại Việt Nam, chưa có nhiều doanh nghiệp có Quỹ học bổng và tài trợ nghiên cứu ngoài doanh nghiệp với quy mô lớn. Sự ra đời của VinIF được xem là cuộc cách mạng khi tiên phong tài trợ phi lợi nhuận cho các tổ chức, cá nhân thực hiện nghiên cứu khoa học” - PGS.TSKH Phan Thị Hà Dương, Giám đốc Điều hành VinIF, nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam Bùi Thế Duy đánh giá, VinIF đã rất thành công trong việc lựa chọn được nhiều dự án xuất sắc, có tiềm năng, có hàm lượng khoa học cao và có tính ứng dụng, đi đầu trong tương lai.
Ông cho biết thêm, trước đây tỷ lệ đầu tư cho khoa học - công nghệ giữa nhà nước và doanh nghiệp là 70 - 30 (tức là 70% đầu tư đến từ ngân sách nhà nước) thì hiện nay đã tiến tới tỷ lệ 50 - 50. Theo xu thế của thế giới, Việt Nam sẽ hướng đến tỷ lệ 30 - 70. Điều này cho thấy sự quan tâm và đầu tư của doanh nghiệp nói chung và Tập đoàn Vingroup dành cho lĩnh vực khoa học - công nghệ có ý nghĩa rất to lớn.
“Từ bài toán đặt ra trong cuộc sống, trong sản xuất sẽ được doanh nghiệp đặt hàng lại các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học. Sau đó, các ý tưởng, dự án muốn đi vào cuộc sống thì phải thông qua doanh nghiệp để sản xuất. Với xu thế đó, việc nghiên cứu khoa học không dừng lại ở viện nghiên cứu, cơ sở nghiên cứu mạnh như trước mà phải tập trung phát triển các trường đại học, đội ngũ nghiên cứu sinh chuyên nghiệp và trở thành lực lượng nghiên cứu chủ yếu cho nước nhà” - Thứ trưởng Bùi Thế Duy chia sẻ thêm.
Sau 3 năm, những chương trình của VinIF bước đầu đã tác động đến sự phát triển của các ngành khoa học - công nghệ tại Việt Nam: hơn 580 tỷ đồng đã được tài trợ, hệ sinh thái kết nối gần 200 tổ chức, đơn vị nghiên cứu, trường ĐH và DN. Trong 83 dự án khoa học, nhiều dự án xuất sắc đã cho ra kết quả thực tiễn với 163 sản phẩm dạng hệ thống, thiết bị; 159 sản phẩm dạng phần mềm, cơ sở dữ liệu; xuất bản 143 công bố khoa học tại các tạp chí Q1 và hội thảo hàng đầu thế giới. Đặc biệt với sự đồng hành của VinIF, 34 nghiên cứu đã được cấp bằng sở hữu trí tuệ trong nước và quốc tế. |