Trường hợp ghi âm, ghi hình của người tiến hành tố tụng khác, người tham gia phiên tòa, phiên họp thì phải được sự đồng ý của họ và của chủ tọa phiên tòa, phiên họp. Với quy định này, nhiều ý kiến bày tỏ sự băn khoăn vì sẽ ảnh hưởng đến quyền tiếp cận thông tin, tác nghiệp của nhà báo trong các phiên tòa. Trước phiên thảo luận dự luật này hôm nay, 28-5, PV Báo SGGP trao đổi với các đại biểu Quốc hội, chuyên gia liên quan.
ĐB PHẠM VĂN HÒA (tỉnh Đồng Tháp): Mâu thuẫn, không phù hợp
Với nội dung quy định như trên, tôi cho rằng sẽ mâu thuẫn, không phù hợp với Luật Báo chí năm 2016. Tôi cho rằng, ban soạn thảo cần cân nhắc lại quy định này để đảm bảo quyền tác nghiệp của nhà báo đã được Luật Báo chí quy định. Theo tôi, trường hợp nhà báo ghi âm, ghi hình thẩm phán, chủ tọa phiên tòa mà họ không đồng ý thì thôi. Trường hợp, nhà báo ghi âm, ghi hình những người tiến hành tố tụng khác, người tham gia phiên tòa (trừ ghi âm, ghi hình thẩm phán, chủ tọa) mà họ đồng ý thì nhà báo được phép ghi âm, ghi hình họ.
Thực tế, thời gian qua, đã có một số bản ghi âm, hình ảnh, clip bị cắt ghép không phản ánh đúng tính chất, bản chất, sự thật vụ việc, vụ án như trong quá trình tòa án xét xử, được đưa lên mạng xã hội. Cho nên, ở góc độ nhà báo, phóng viên tác nghiệp phiên tòa, đặc biệt là những phiên tòa có vụ việc, vụ án tương đối nhạy cảm thì phải thể hiện trách nhiệm, đạo đức của nhà báo và tuân thủ các quy định pháp luật. Nhà báo, phóng viên không được cắt ghép, phản ánh sai sự thật quá trình xét xử của phiên tòa. Nếu vi phạm thì chính những nhà báo, phóng viên đó sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật.
ĐB NGUYỄN THỊ HỒNG HẠNH - Phó Giám đốc Sở Tư pháp TPHCM: Để báo chí thực hiện chức năng giám sát
Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, đội ngũ cán bộ, công chức nói chung, thẩm phán, chủ tọa phiên tòa nói riêng cũng hiểu rằng, tất cả việc làm, thực thi công vụ của mình đều được sự giám sát bởi các cơ quan, tổ chức, kể cả báo chí và người dân. Cho nên, ý kiến báo chí ghi âm, ghi hình ảnh hưởng đến công việc của của thẩm phán, chủ tọa phiên tòa là không đúng.
Tôi cho rằng, phiên tòa cần cho phép nhà báo, phóng viên được tác nghiệp đưa tin như luật định. Thời gian qua, TAND các cấp vẫn tạo điều kiện để đội ngũ nhà báo, phóng viên tác nghiệp các phiên tòa, kể cả những vụ án lớn, có tính chất phức tạp, nhạy cảm. Điều này cho thấy vai trò tuyên truyền pháp luật, vai trò giám sát của báo chí được TAND quan tâm.
Ông NGUYỄN MẠNH TUẤN - Phó Trưởng ban chuyên trách Ban Kiểm tra, Hội Nhà báo Việt Nam: Nhà báo tuân thủ quy định, đạo đức
Với dự thảo này, Hội Nhà báo Việt Nam đã có ý kiến góp ý. Trong đó, việc sửa đổi các khoản 3, 4, 5, Điều 141 của dự thảo là cần thiết. Tuy nhiên, nội dung dự thảo luật cần đảm bảo cho nhà báo, phóng viên các cơ quan báo chí được tiếp cận ghi âm, ghi hình diễn biến phiên tòa từ lúc khai mạc cho đến lúc kết thúc phiên tòa. Khi tác nghiệp, nhà báo, phóng viên cần đảm bảo các quyền nhân thân của người tham dự phiên tòa, thực hiện đúng các quy định pháp luật liên quan.
Ông TRƯƠNG VIỆT TOÀN - Nguyên Phó Chánh Tòa hình sự, TAND TP Hà Nội: Cần hài hòa lợi ích đôi bên
Việc tác nghiệp của phóng viên tại phiên tòa đã được quy định trong Luật Báo chí 2016; và một số quy định khác trong Hiến pháp đều không hạn chế quyền của phóng viên, nhà báo. Nếu muốn quy định ghi âm, ghi hình vào luật thì phải sửa đổi ít nhất 6 đạo luật, trong đó có Hiến pháp.
Do đó, để hài hòa được yếu tố vừa đảm bảo xét xử nghiêm minh, công tâm, đồng thời vừa đảm bảo việc đưa tin kịp thời của phóng viên, nhà báo thì tòa án nên bố trí phòng riêng cho báo chí như thời gian qua đã làm. Tại phòng báo chí, phóng viên được quyền ghi âm, ghi hình và không ảnh hưởng tới quá trình xét xử. Trong thời đại công nghệ thông tin hiện nay, tôi cho rằng việc trang bị thêm đường truyền không quá tốn kém, khó khăn. Do vậy, cách làm cần hài hòa giữa quyền tác nghiệp của nhà báo và quyền của TAND.
Luật sư TRỊNH TUYẾN - Văn phòng Luật sư Giang Thanh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội: Giảm hiệu quả về cải cách tư pháp
Luật Báo chí năm 2016 đã quy định đầy đủ và toàn diện, rõ ràng về hoạt động của báo chí tại phiên tòa xét xử công khai. Trong khi đó, dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) chỉ có giới hạn, phạm vi điều chỉnh về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của TAND; về bảo đảm hoạt động, về thẩm phán, hội thẩm nhân dân và các chức danh khác.
Quan hệ giữa hoạt động báo chí và hoạt động của tòa án là mối quan hệ không có tính gắn kết chặt chẽ; không có tính chi phối, lệ thuộc nhau. Nói khác đi thì đây là hai mối quan hệ xã hội khác nhau, độc lập nhau về nhiều phương diện, đặc biệt là về quản lý nhà nước. Do đó, nếu “lồng ghép” hoạt động, nghiệp vụ báo chí vào hoạt động của tòa án sẽ dẫn tới sự chồng chéo, vướng mắc và giảm hiệu lực, hiệu quả trong thực tiễn thi hành cũng như yêu cầu cải cách tư pháp.