Theo đó, có 2 hình thức thi tuyển phương án kiến trúc là thi tuyển rộng rãi và thi tuyển hạn chế. Cụ thể, thi tuyển rộng rãi là hình thức tổ chức cuộc thi không hạn chế số lượng tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài (nếu cần thiết) tham gia thi tuyển. Thi tuyển hạn chế là hình thức tổ chức cuộc thi được áp dụng trong trường hợp chỉ có một số tổ chức, cá nhân tham gia thi tuyển (nhưng không dưới 3 tổ chức, cá nhân) đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật hoặc tính đặc thù của công trình thi tuyển phương án kiến trúc.
Yêu cầu đối với việc tổ chức thi tuyển được quy định cụ thể gồm: Có nhiệm vụ thiết kế phù hợp với quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, thiết kế đô thị, quy chế quản lý kiến trúc được cấp có thẩm quyền phê duyệt, ban hành; thành lập hội đồng thi tuyển phương án kiến trúc. Người quyết định đầu tư, chủ đầu tư hoặc cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ tổ chức thi tuyển (đơn vị tổ chức cuộc thi) thành lập tổ kỹ thuật để giúp việc hội đồng thi tuyển phương án kiến trúc. Thông tin về thi tuyển, hội đồng thi tuyển phương án kiến trúc và kết quả của cuộc thi phải được đơn vị tổ chức cuộc thi đăng tải công khai trên một hoặc nhiều phương tiện thông tin đại chúng hoặc cổng, trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước về kiến trúc ở trung ương và địa phương nơi tổ chức thi tuyển trong thời gian tối thiểu 30 ngày.
Nghị định 85/2020 quy định công trình kiến trúc có giá trị được phân thành 3 loại: Loại I khi đáp ứng 2 tiêu chí về giá trị nghệ thuật kiến trúc, cảnh quan và tiêu chí về giá trị lịch sử, văn hóa; tiêu chí về giá trị nghệ thuật kiến trúc, cảnh quan. Loại II khi đáp ứng 2 tiêu chí về giá trị nghệ thuật kiến trúc, cảnh quan. Loại III khi đáp ứng một trong hai tiêu chí trên. Tiêu chí đánh giá công trình kiến trúc có giá trị được quy định cụ thể: tiêu chí về giá trị nghệ thuật kiến trúc, cảnh quan; tiêu biểu cho một loại hình kiến trúc, phong cách kiến trúc, giá trị nghệ thuật kiến trúc của bản thân công trình và tổng thể không gian trong phạm vi khuôn viên công trình... |
Nghị định cũng quy định cụ thể công tác chuẩn bị trước khi tổ chức thi tuyển gồm: Hoàn tất thủ tục và thu thập số liệu, tài liệu pháp lý, thông tin về kiến trúc, quy hoạch liên quan khu đất xây dựng công trình; lập và phê duyệt kế hoạch, kinh phí tổ chức thi tuyển, quy chế thi tuyển và nhiệm vụ thiết kế; thành lập hội đồng thi tuyển phương án kiến trúc, tổ kỹ thuật. Nhiệm vụ thiết kế phải cung cấp đầy đủ các thông tin pháp lý của dự án địa điểm xây dựng, bản vẽ hiện trạng, chỉ tiêu quy hoạch, các thông tin về điều kiện khu đất, mục đích, tính chất, quy mô công trình; dự kiến tổng mức đầu tư; các yêu cầu về kiến trúc, công năng sử dụng, yêu cầu kỹ thuật, việc gắn kết cảnh quan chung khu vực và các yêu cầu liên quan khác.
Nghị định cũng quy định cụ thể những nội dung cơ bản của quy chế thi tuyển như: Hồ sơ dự thi bao gồm thuyết minh, các bản vẽ kiến trúc, giải pháp kỹ thuật và phim, ảnh, mô hình (nếu có), đề xuất tài chính. Hồ sơ phải được quy định thống nhất về ngôn ngữ (tiếng Việt hoặc song ngữ), đơn vị đo lường, đơn vị tiền tệ và quy tắc ẩn danh, không đưa tên, biểu tượng của đơn vị tư vấn hay tác giả lên bản vẽ, thuyết minh.
Việc đánh giá, xếp hạng phương án dự thi được thực hiện theo đúng phương pháp, tiêu chí quy định trong quy chế hội đồng và theo nguyên tắc bỏ phiếu kín để chọn ra phương án thứ tự từ 1 đến 3. Phương án xếp thứ hạng cao nhất là phương án kiến trúc trúng tuyển. Báo cáo kết quả đánh giá, xếp hạng phải được tất cả các thành viên hội đồng tham gia ký xác nhận và gửi đơn vị tổ chức cuộc thi để tổng hợp, báo cáo người quyết định đầu tư xem xét phê duyệt. Trường hợp không có phương án đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu quy định trong quy chế thi tuyển thì tổ chức thi tuyển lại. Nghị định cũng nêu rõ, đơn vị tổ chức cuộc thi công bố, công khai kết quả và tổ chức trao giải thưởng sau khi kết thúc cuộc thi và gửi kết quả cuộc thi đến cơ quan chuyên môn về kiến trúc thuộc UBND cấp tỉnh.
Các phương án kiến trúc tham gia thi tuyển được đảm bảo quyền tác giả theo pháp luật về sở hữu trí tuệ. Tổ chức, cá nhân có phương án kiến trúc trúng tuyển nếu không đủ điều kiện năng lực để triển khai các bước tiếp theo (tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế xây dựng) thì có thể liên danh với các tổ chức tư vấn có đủ điều kiện năng lực để thực hiện. Trường hợp tổ chức, cá nhân có phương án kiến trúc trúng tuyển không tiến hành hoặc từ chối tiến hành triển khai các bước tiếp theo thì chủ đầu tư thương thảo để sử dụng phương án kiến trúc trúng tuyển theo pháp luật về sở hữu trí tuệ và liên quan. Trường hợp không thương thảo được thì phương án được xếp hạng tiếp theo được chọn để thương thảo, ký kết hợp đồng.
Theo Luật Kiến trúc, thi tuyển phương án kiến trúc là việc tổ chức cuộc thi để chọn phương án kiến trúc tối ưu, đáp ứng yêu cầu về quy hoạch, kiến trúc, văn hóa, hiệu quả kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường. Các công trình phải thi tuyển phương án kiến trúc bao gồm: Công trình công cộng có quy mô cấp đặc biệt, cấp I; nhà ga đường sắt trung tâm tỉnh, nhà ga hàng không dân dụng; cầu trong đô thị từ cấp II trở lên, ga đường sắt nội đô từ cấp II trở lên; công trình tượng đài, công trình là biểu tượng về truyền thống, văn hóa và lịch sử của địa phương; công trình quan trọng, điểm nhấn trong đô thị và các tuyến đường chính.