Dự thảo quy định mới về tách thửa thay thế Quyết định 33/2014 của UBND TPHCM (gọi tắt là QĐ 33) đã được Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) trình từ tháng 5-2017, nhưng đến nay UBND TP vẫn chưa thông qua do chưa đủ thuyết phục. Nhiều người dân đang nóng lòng chờ TP ban hành quy định mới về tách thửa để thực thi.
Dự thảo đưa ra quy định diện tích tách thửa tối thiểu ở các huyện ngoại thành nhỏ lại so với QĐ 33. Theo đó, đất chưa có nhà ở được tách tối thiểu 80m2 (theo QĐ 33 là 120m2), đất có nhà ở hiện hữu được tách tối thiểu 50m2 (theo QĐ 33 là 80m2).
Ở các huyện ngoại thành, đất rộng người thưa, nên giữ theo mức quy định của QĐ 33 là hợp lý. Theo số liệu của Bộ Xây dựng, thời điểm hiện nay diện tích bình quân nhà ở đã đạt mức 28m2/người.
Nếu quy định diện tích tách thửa nhỏ, sẽ kéo giảm diện tích bình quân nhà ở và đi ngược lại chủ trương chung của TPHCM nhằm từng bước cải thiện chỗ ở, nâng cao chất lượng sống của người dân. Mới đây, UBND TPHCM cũng đã có văn bản không đồng ý xây dựng căn hộ nhỏ 25m2.
Dự thảo cũng đưa ra quy định nếu diện tích khu đất trên 2.000m2 thì phải lập dự án. Theo Giám đốc Sở TN-MT, quy định này nhằm khắc phục tình trạng doanh nghiệp mượn danh nghĩa chủ đất để phân lô nhưng thực chất là bán nền, kinh doanh bất động sản, phá nát quy hoạch.
Tuy nhiên, thực tế quy định về diện tích phải lập dự án khó ngăn chặn được tình trạng tách thửa mua bán nền đất. Việc phân lô thời gian qua cho thấy, hầu hết khu đất có diện tích dưới 2.000m2, nhiều khu đất chỉ vài trăm mét vuông cũng tách thành hàng chục nền nhà, có thể hình thành một khu dân cư mới.
Vì thế, nếu khu đất dưới 2.000m2 thì không phải lập dự án, sẽ lại xuất hiện những khu dân cư với những căn nhà nhỏ, chất lượng hạ tầng kém và thiếu kết nối. Với việc gia đình được tự do tách thửa khu đất dưới 2.000m2 mà không phải lập dự án, dự thảo chưa đưa ra biện pháp quản lý, để ngăn ngừa tình trạng lợi dụng quy định tách thửa nhằm mục đích kinh doanh đất.
Thực tế khi thực hiện tách thửa theo QĐ 33, nhằm có lợi nhuận cao, nhiều chủ đất băm nát khu đất, tách thửa nhỏ hơn mức quy định (do nền đất càng nhỏ sẽ hợp túi tiền của nhiều người, nên dễ mua bán).
Các chủ đất không thể tự thực hiện điều đó, mà có sự tiếp tay của cán bộ. Theo quy định, có nhà hiện hữu thì diện tích tối thiểu được tách thửa nhỏ hơn so với đất trống, do vậy, để lách luật, các chủ đất đã dùng biện pháp xây dựng nhà giả.
Ở một số quận, huyện đã có những trường hợp cấp giấy phép xây dựng cho những căn nhà không phải để ở, mà chỉ sử dụng để tách thửa. Nhiều căn nhà xây tường gạch, mái tôn, không có cửa, chỉ cao 2m nhưng rộng đến hàng trăm mét vuông. Căn nhà chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, chỉ chừng 2 - 5 tháng sau khi chủ nhà làm xong thủ tục tách thửa, là căn nhà bị đập bỏ. Chủ đất khó làm được những trò ma giáo này nếu không có sự tiếp tay của những cán bộ tiêu cực trong chính quyền địa phương.
Do vậy, quy định mới về việc tách thửa cần đưa ra quy trình cấp phép chặt chẽ, có sự giám sát của người dân. Cùng với việc nâng cao chất lượng văn bản của quy định mới thay thế QĐ 33, cần phải chấn chỉnh cách thức quản lý đất đai, xử lý nghiêm các cán bộ dung túng cho sai phạm.