Hội thảo thu hút nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu, luật sư, đại diện các cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án... ở TPHCM và các tỉnh phía Nam tham dự.
Hội thảo tập trung nghiên cứu và thảo luận 3 nhóm vấn đề: quy định và thực tiễn áp dụng các biện pháp ngăn chặn (giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam, bảo lãnh, đặt tiền để bảo đảm, cấm đi khỏi nơi cư trú, tạm hoãn xuất cảnh); quy định và thực tiễn áp dụng các biện pháp cưỡng chế (áp giải, dẫn giải, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản); quy định và thực tiễn tiến hành các hoạt động điều tra mang tính cưỡng chế như: khám xét, thu giữ, tạm giữ tài liệu, đồ vật.
Thực tế: “bắt” rồi mới “giữ” người; luật: “giữ” rồi mới ra lệnh “bắt”
Phát biểu đề dẫn hội thảo, PGS. TS Bùi Xuân Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TPHCM, cho biết, biện pháp cưỡng chế (gồm biện pháp ngăn chặn và biện pháp cưỡng chế) là một chế định quan trọng của pháp luật tố tụng hình sự.
Các biện pháp này góp phần ngăn chặn tội phạm và ngăn ngừa những hành vi gây khó khăn, cản trở đối với quá trình giải quyết vụ án. Tuy nhiên, việc áp dụng những biện pháp cưỡng chế trong tố tụng hình sự sẽ tước bỏ, hoặc hạn chế một số quyền con người, quyền cơ bản của công dân như quyền bất khả xâm phạm về thân thể, quyền tự do đi lại...
Đây chính là một mâu thuẫn không đơn giản để có thể tìm ra được phương án hài hòa, cân bằng được giữa việc đảm bảo hiệu lực, hiệu quả trong thi hành Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, nhưng đồng thời, cũng phải đề cao quyền con người, đảm bảo quyền con người, quyền công dân.
Theo PGS. TS Bùi Xuân Hải, gần 3 năm triển khai thực hiện Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 cho thấy, vẫn còn một số hạn chế, vướng mắc về việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế. Các vấn đề như: Tại sao cần phải có biện pháp bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp khi mà họ đang bị giữ bởi cơ quan có thẩm quyền? Tạm hoãn xuất cảnh có thể áp dụng song song với một biện pháp ngăn chặn khác không? Dẫn giải người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố trước khi khởi tố vụ án hình sự được không? Dựa trên những căn cứ nào để xác định giá trị tài sản cần phải kê biên? Đây chỉ là một số trong nhiều câu hỏi, vấn đề cần phải được làm rõ để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc khi áp dụng pháp luật.
Trong khi đó, thực tiễn tố tụng cho thấy, tạm giam vẫn là biện pháp ngăn chặn được áp dụng phổ biến nhất trong hệ thống các biện pháp ngăn chặn (ngay cả đối với bị can, bị cáo là người dưới 18 tuổi). Các biện pháp không mang tính giam giữ như cấm đi khỏi nơi cư trú, bảo lãnh, đặt tiền để bảo đảm chiếm tỷ lệ áp dụng thấp. Thực trạng trên cho thấy cần phải tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện quy định của pháp luật tố tụng hình sự nước ta về các biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế.
Bàn về biện pháp “giữ người trong trường hợp khẩn cấp”, TS Phạm Thái, Phó trưởng Khoa Luật Hình sự, Trường Đại học Luật TPHCM phân tích, đây là biện pháp ngăn chặn mới, quy định ở mục 1 Chương VII Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, được thay thế cho biện pháp “bắt người trong trường hợp khẩn cấp” trước đây. Tuy nhiên, từ đây xuất hiện bất cập là đối tượng người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp lại chưa được bao quát hết bởi khái niệm “người bị buộc tội” đã được nêu tại Điều 4 Bộ luật này.
Hơn nữa, tại khoản 4 Điều 110 Bộ luật Tố tụng Hình sự còn quy định đối với người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, thì cơ quan thẩm quyền trong thời hạn 12 giờ kể từ khi giữ người, phải ra quyết định tạm giữ, ra lệnh bắt người bị giữ, hoặc trả tự do ngay cho người đó. Trong khi đó, theo logic tự nhiên và cũng phù hợp với thực tiễn tố tụng, thì phải có “bắt” rồi mới “tạm giữ, tạm giam”. Mục đích của bắt là để tạm giữ, tạm giam và không thể có tạm giữ, tạm giam mà không có “bắt” ngay trước đó. Các hành vi đi liền với nhau, quan hệ mật thiết với nhau.
Vì thế, việc luật quy định “giữ người trong trường hợp khẩn cấp” – tức là không còn đề cập đến hành vi ban đầu là phải có “bắt”, nên đã phát sinh hệ lụy là có sự mâu thuẫn, bối rối trong tư duy pháp lý và lúng túng trong thực hiện. Điều đó dẫn đến việc cơ quan điều tra đã lập biên bản giữ người lại phải tiếp tục ra lệnh và thi hành lệnh bắt chính đối tượng mà mình đã giữ hợp pháp trước đó. Điều này là bất cập và thực sự không cần thiết, không hợp lý.
TS Phạm Thái cũng cho rằng, cần phải tiếp tục nghiên cứu thêm về biện pháp cưỡng chế trong trường hợp cần thiết phải thu giữ vật chất di truyền (DNA), thông qua việc lấy mẫu tóc, vân tay, mẫu máu, dịch tiết… để phục vụ cho việc trưng cầu giám định y khoa khi tiến hành giải quyết vụ án hình sự. Biện pháp này có thể được thực hiện cùng với các biện pháp ngăn chặn như giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt người…
Việc tạm giam còn lỗ hổng trong xác định “người bị bệnh nặng” hay “người mắc bệnh hiểm nghèo”
Tạm giam là biện pháp ngăn chặn nghiêm khắc nhất trong hệ thống các biện pháp ngăn chặn, có khả năng tước đi quyền tự do cư trú, tự do đi lại của những đối tượng bị áp dụng biện pháp này. Thạc sĩ Nguyễn Phương Thảo, Khoa Luật Hình sự, Trường Đại học Luật TPHCM và Thạc sĩ Tăng Trần Quỳnh Phương, Thẩm phán TAND Thành phố Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu) đã chỉ ra nhiều bất cập trong quy định về biện pháp tạm giam.
Cụ thể, Bộ Luật Tố tụng Hình sự có quy định hạn chế tạm giam đối với người già yếu, người bị bệnh nặng mà có nơi cư trú và lý lịch rõ ràng. Tuy vậy, khái niệm “người già yếu” và “người bị bệnh nặng” vẫn chưa được giải thích rõ ràng. Thay vào đó, chỉ có khái niệm “người quá già yếu” được đề cập trong hướng dẫn của liên ngành Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, TAND Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao. Một số văn bản quy phạm pháp luật khác thì có khái niệm “người mắc bệnh hiểm nghèo”. Các khái niệm không thống nhất, chưa được giải thích rõ ràng là thiếu sót, dẫn tới việc cơ quan tiến hành tố tụng có thể đánh giá thiếu chính xác trong áp dụng thực tiễn, từ đó ít nhiều gây ra những hậu quả đáng tiếc.
Về căn cứ áp dụng biện pháp tạm giam, hai Thạc sĩ Nguyễn Phương Thảo và Tăng Trần Quỳnh Phương đề nghị, cần thiết kế những căn cứ tạm giam theo hướng không dựa vào loại tội phạm mà xây dựng căn cứ chung cho việc tạm giam. Cụ thể, căn cứ tạm giam nên gắn liền với căn cứ bắt giữ, để khi rơi vào một trong những căn cứ này thì bị can, bị cáo sẽ bị tạm giam, bất kể thuộc loại tội phạm nào.
Thạc sĩ Nguyễn Phương Thảo đề nghị, nên cho phép kéo dài thời hạn tạm giam đối với tất cả cá loại tội phạm cho ngang bằng với thời hạn điều tra tương ứng với loại tội phạm đó. Hướng đi này khắc phục tình trạng hết thời hạn tạm giam nhưng thời hạn điều tra chưa kết thúc và không có căn cứ để áp dụng các biện pháp thay thế tạm giam; đồng thời cũng hạn chế tình trạng cơ quan điều tra khi hết hạn tạm giam thì nhanh chóng ra bản kết luận điều tra, kết thúc giai đoạn điều tra trong khi vụ án vẫn chưa được điều tra toàn diện, dễ gây ra oan sai.
Có thể kết hợp tạm hoãn xuất cảnh với biện pháp ngăn chặn khác
Trao đổi về biện pháp tạm hoãn xuất cảnh trong tố tụng hình sự - biện pháp ngăn chặn mới được bổ sung trong Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, TS Lê Huỳnh Tấn Duy, Trưởng Bộ môn Luật Tố tụng Hình sự, Khoa Luật Hình sự, Trường Đại học Luật TPHCM, đánh giá, quy định về tạm hoãn xuất cảnh có những hạn chế nhất định gây khó khăn cho việc áp dụng.
Theo quy định tại khoản 1, Điều 124 Bộ luật Tố tụng Hình sự, thì căn cứ để những người có thẩm quyền có thể quyết định áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đó là khi có căn cứ xác định việc xuất cảnh của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, bị can, bị cáo có dấu hiệu bỏ trốn. Tuy nhiên, những căn cứ cụ thể dựa vào đó cơ quan có thẩm quyền có thể xác định được việc xuất cảnh của những người này nhằm mục đích bỏ trốn lại không được giải thích trong bất kỳ văn bản pháp luật tố tụng hình sự nào.
Có luật sư cho rằng, quy định này được hiểu là cơ quan điều tra phải biết, hay nhận được thông báo người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, bị can, bị cáo sẽ xuất cảnh; sau đó, mới đánh giá việc xuất cảnh này có dấu hiệu bỏ trốn hay không. Tuy nhiên, thực tế không ai đi ra nước ngoài mà có thông báo với cơ quan điều tra cả. Vì thế, mới có tình trạng “lọt sổ”. Và quy định vậy cũng làm khó cơ quan điều tra: nếu cấm xuất cảnh khi chưa có căn cứ đang xuất cảnh và không có dấu hiệu bỏ trốn thì cơ quan điều tra có thể bị khiếu nại; ngược lại, nếu không ra quyết định mà trông chờ bị can tự khai báo xuất cảnh, dẫn đến bị can bỏ trốn, thì cơ quan điều tra phải chịu trách nhiệm.
Quy định về tạm hoãn xuất cảnh cũng cho thấy về nguyên tắc, tạm hoãn xuất cảnh có thể được áp dụng độc lập. Vậy biện pháp này có thể được áp dụng song song với một biện pháp ngăn chặn khác hay không (như cấm đi khỏi nơi cư trú, đặt tiền để bảo đảm, bảo lãnh)? Hiện nay, pháp luật tố tụng hình sự không quy định về vấn đề này – không cấm nhưng cũng không cho phép. Trên thực tế, có cơ quan thẩm quyền ở nhiều địa phương đã áp dụng tạm hoãn xuất cảnh cùng lúc với cấm đi khỏi nơi cư trú. Đây là một điểm cần giải thích cụ thể, để áp dụng pháp luật thống nhất, có cơ sở pháp lý.
TS Lê Huỳnh Tấn Duy đề nghị, cần giải thích theo hướng tạm hoãn xuất cảnh có thể áp dụng độc lập, nhưng cũng có thể áp dụng đi kèm với một biện pháp ngăn chặn khác - như cấm đi khỏi nơi cư trú, đặt tiền để bảo đảm, bảo lãnh - nhằm giảm cơ hội bị can, bị cáo bỏ trốn.
Trong khi đó, về đối tượng bị tạm hoãn xuất cảnh, theo khoản 1 Điều 124 Bộ luật Tố tụng Hình sự thì có thể áp dụng đối với người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, bị can, bị cáo. Nhưng, tại khoản 1 Điều 109 cùng Bộ luật về áp dụng các biện pháp ngăn chặn, lại không đề cập đến người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố. Như vậy, có sự không tương thích giữa quy định chung về đối tượng áp dụng biện pháp ngăn chặn và quy định riêng về đối tượng áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh.
Từ đó, TS Lê Huỳnh Tấn Duy đề nghị cần sửa đổi, bổ sung “người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố” vào khoản 1 Điều 109 để tương thích với khoản 1 Điều 124, nhằm kịp thời, chủ động ngăn ngừa những đối tượng này xuất cảnh trốn sang nước ngoài.