Quy định rườm rà, tang vật vi phạm hành chính “chất thành núi”

Phó trưởng Công an Quận 12 Nguyễn Quốc Hải nêu thực trạng hiện nay tang vật vi phạm hành chính không tiêu hủy được, "chất thành núi".


Thượng tá Nguyễn Quốc Hải, Phó trưởng Công an Quận 12 nêu những vướng mắc trong thực hiện Luật Xử lý vi phạm hành chính. Ảnh: MAI HOA
Ngày 26-2, đoàn khảo sát của ĐBQH TPHCM do đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng đoàn ĐBQH TPHCM làm trưởng đoàn tiếp tục khảo sát tình hình thực hiện Luật Xử lý vi phạm hành chính trong thời gian từ 1-7-2013 đến 31-12-2019 tại Sở Xây dựng và UBND Quận 12.

Giữ không được, không giữ cũng không được

Trình bày với đoàn khảo sát, Thượng tá Nguyễn Quốc Hải nêu thực tế việc tiêu hủy tang vật vi phạm hành chính rất khó khăn. Trụ sở quận, phường "tang vật chất như núi", không còn chỗ mà để. Vừa qua quận 12 kiên quyết xử lý các máy bắn cá, thu về rất nhiều máy đợi tiêu hủy suốt một năm nay chưa làm được, đang chất đống.

“Chính sự ràng buộc trong quy định xử lý tang vật quá rườm rà, khó khăn, có những cái thuộc về cơ chế không ai dám bỏ đi. Cứ để mục nát không ai nói gì, còn nếu xử lý thì sẽ vi phạm quy định. Cần quy định gọn hơn, chuẩn hơn, đảm bảo thời gian xử lý”, Thượng tá Nguyễn Quốc Hải nêu ý kiến.

Ngoài ra, Thượng tá Nguyễn Quốc Hải cũng nêu thêm thực tế người nghiện ma túy dưới 18 tuổi hiện nay khi bắt không biết đưa vào đâu. Trung tâm bảo trợ xã hội thì không dám nhận người nghiện. Cơ sở cai nghiện bắt buộc ở Nhị Xuân thì không nhận người dưới 18 tuổi. Theo Phó trưởng Công an quận 12, cần phải có nơi tập trung riêng cho những đối tượng này, không thể “bỏ rơi” họ bên ngoài xã hội.

Giữ người theo thủ tục hành chính cũng cần mở rộng hơn về đối tượng, nếu không thì nhiều trường hợp “không biết làm sao”, giữ thì vi phạm pháp luật, không giữ thì không giải quyết được…

Quy định rườm rà, tang vật vi phạm hành chính “chất thành núi” ảnh 2 Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết, trưởng đoàn khảo sát. Ảnh: MAI HOA
Lại đề xuất cắt điện, cắt nước cơ sở vi phạm

Quận 12 “nổi tiếng” với nhiều cơ sở sản xuất xen cài trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường, gây bức xúc rất lớn cho người dân. Trưởng phòng Phòng Môi trường Thân Thế Hùng cho biết đa số tin phản ánh lên đường dây nóng đều liên quan đến lĩnh vực môi trường. Các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ở khu phố 4-5 phường Đông Hưng Thuận, trước đây quận cưỡng chế cắt điện rất hiệu quả. Các loại máy móc đắt tiền, nếu cắt điện thì gần như phải ngừng hoạt động, do đó phải chấp hành.

Nhưng giải pháp này hiện nay không được sử dụng nữa, vì Bộ Công thương có văn bản yêu cầu không được cắt điện cắt nước.

Quận cũng nhận được những phản ánh về mùi. Có trường hợp sản xuất cà phê, những hộ ở gần mùi quá đậm đặc không chịu nổi, bức xúc phản ánh. Trong khi những hộ ở xa thì lại thấy mùi này dễ chịu. Hiện nay trong Tiêu chuẩn Việt Nam thì chưa có quy định về mùi, nên cũng không có cơ sở để xử lý.

Các đơn vị của quận 12 cũng đề xuất tới đây khi sửa luật cần xem xét biện pháp cắt điện, cắt nước bởi phương pháp này là hiệu quả nhất.

Quy định rườm rà, tang vật vi phạm hành chính “chất thành núi” ảnh 3 Đại biểu Trương Trọng Nghĩa tại buổi khảo sát ở Sở Xây dựng. Ảnh: MAI HOA
Vi phạm xây dựng: "đầu nậu, bảo kê rất ghê gớm"

Khảo sát tại Sở Xây dựng, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Lý Thanh Long cho biết, từ năm 2013 đến nay, trên địa bàn TP còn tồn đọng gần 4.700 trường hợp có quyết định xử phạt hành chính nhưng chưa thi hành xong. Trong đó tỉ lệ chấp hành các quyết định hành chính còn thấp, chỉ khoảng 50%.

Nguyên nhân là do các đối tượng vi phạm không có khả năng nộp phạt, việc tháo dỡ công trình, bộ phận công trình vi phạm ảnh hưởng đến nơi ở, làm việc của đối tượng vi phạm. Mặt khác việc cưỡng chế tháo dỡ công trình rất phức tạp, dễ gây mất an ninh trật tự nên UBND cấp huyện, xã chưa quyết liệt tổ chức cưỡng chế.

Nói về số lượng quyết định xử phạt tồn đọng, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị xem xét lại cơ chế pháp luật, đặc biệt là việc xử lý vi phạm trong lĩnh vực xây dựng. Bởi vi phạm trong lĩnh vực xây dựng có nguy cơ gây thiệt hại nhà nước và tác động đến tâm lý người dân rất lớn.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa và một số đại biểu cũng nêu thực trạng xây dựng không phép, sai phép đang rất đáng lo ngại, “đầu nậu, bảo kê xây dựng trái phép ở các quận huyện rất ghê gớm”.

Buổi khảo sát tại Sở Xây dựng. Ảnh: MAI HOA
Đại biểu Trịnh Ngọc Thúy cho rằng Sở Xây dựng phải nói ra hết nguyên nhân, khó khăn dẫn đến việc số lượng vụ vi phạm xây dựng còn nhiều, việc thi hành quyết định xử phạt khó khăn. Bởi đây là căn cứ để các đại biểu Quốc hội có tiếng nói phát biểu tại Quốc hội nhằm xây dựng, sửa đổi, bổ sung luật mới đủ mạnh để ngăn chặn tình trạng vi phạm trong lĩnh vực xây dựng.

Những vướng mắc, khó khăn và kiến nghị đề xuất, góp ý cho dự án luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính dự kiến sẽ được Quốc hội có ý kiến tại kỳ họp thứ 9 và dự kiến thông qua tại kỳ họp lần thứ 10 trong năm nay.

Tin cùng chuyên mục