Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường vừa ký ban hành thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện (dự án luật).
Theo đó, UBTVQH tán thành việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện. Để tiếp tục hoàn thiện hồ sơ dự án luật trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5), UBTVQH yêu cầu việc sửa đổi dự án luật phải bao quát, thể hiện tần số vô tuyến điện là tài sản công quốc gia, có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, quốc phòng, an ninh để quản lý chặt chẽ, công khai, minh bạch, đảm bảo yêu cầu hội nhập quốc tế và sử dụng hiệu quả, bảo đảm lợi ích quốc gia, chủ quyền số quốc gia; đề nghị bổ sung thêm báo cáo nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về vấn đề cấp tần số phục vụ các mục đích công cộng, bảo đảm an ninh công cộng.
Các cơ quan soạn thảo, thẩm tra cần tiếp tục rà soát để đảm bảo sự thống nhất với các luật khác như: Luật Quy hoạch, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Phí và lệ phí, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư, Luật Đấu giá tài sản…, đảm bảo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; không để lúng túng, vướng mắc hoặc gây ách tắc, cản trở sự phát triển khi luật đi vào cuộc sống.
Vấn đề quy hoạch phân bổ các khối băng tần, giới hạn tổng độ rộng băng tần cần có nguyên tắc, tiêu chí, để việc phân bổ khối băng tần không bị lãng phí, tránh tích tụ tần số không hợp lý. Dự án luật phải có các quy định chặt chẽ, giải pháp đủ mạnh để quy định trách nhiệm doanh nghiệp phải triển khai đầy đủ các cam kết thiết lập mạng viễn thông; thu hồi lại các tần số không sử dụng, sử dụng không hiệu quả của doanh nghiệp.
Quy định rõ khái niệm băng tần có giá trị thương mại cao, nhu cầu sử dụng vượt quá khả năng phân bổ được phép đấu giá hoặc thi tuyển để tránh trục lợi, đầu cơ; quy định cụ thể để bảo đảm quốc phòng, an ninh, chủ quyền số quốc gia đối với doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài khi tham gia đấu giá hoặc thi tuyển băng tần.
UBTVQH cũng yêu cầu nghiên cứu thận trọng, kỹ lưỡng về chính sách về sử dụng tần số vô tuyến điện phân bổ phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh theo hướng cho phép kết hợp với phát triển kinh tế - xã hội; nghiên cứu chính sách cấp phép sử dụng băng tần trực tiếp không qua đấu giá thi tuyển và các chính sách ưu đãi khác phù hợp với nhiệm vụ được giao cho các doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh hoặc kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh khi được sử dụng tần số nhằm phát triển kinh tế - xã hội và sẵn sàng phục vụ các yêu cầu về quốc phòng, an ninh trong mọi tình huống…