Thêm trách nhiệm cho công an xã
Nhiều ý kiến tại phiên họp ủng hộ đề xuất của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về bổ sung trách nhiệm kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm đối với lực lượng công an xã. Đại biểu (ĐB) Nguyễn Tiến Nam (Quảng Bình) cho rằng, vấn đề tội phạm ở nông thôn (chủ yếu là cấp xã) rất phức tạp, việc trao trách nhiệm xử lý ban đầu tin báo tố giác tội phạm cho công an xã là rất cần thiết và đáp ứng kịp thời theo quy định của luật.
Hiện nay, các xã đã được bố trí khoảng 45.000 công an chính quy để đảm nhiệm chức danh công an xã. Trong đó, trên 50% số công an xã có trình độ đại học, trên 71% từng làm công tác điều tra hoặc làm công tác điều tra hình sự. Như vậy, nguồn nhân lực của công an xã đủ khả năng đáp ứng việc bổ sung nhiệm vụ tiếp nhận giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm. Tuy nhiên, dự thảo cũng cần hoàn thiện thêm các quy định yêu cầu công an xã nâng cao trách nhiệm phục vụ nhân dân, gắn với dân, phối hợp tốt với các lực lượng khác tại cấp cơ sở.
Đình chỉ vụ án do thiên tai, dịch bệnh là một nội dung quan trọng khác được nhiều ĐB đề cập. ĐB Nguyễn Thanh Sang, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân TPHCM, cho biết, việc kiểm tra, xác minh, tiến hành các giai đoạn điều tra, tố tụng… tại TPHCM vừa qua hết sức khó khăn. Nhiều trường hợp bị can và người liên quan bị mắc Covid-19, trong khi tại các cơ quan chức năng, có thời điểm chỉ 10% cán bộ đến làm việc. Trong bối cảnh đó, việc tạm đình chỉ khởi tố, điều tra, truy tố giúp đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm; tránh để xảy ra oan, sai; bỏ lọt tội phạm, người phạm tội. Tuy nhiên, để bảo đảm áp dụng thống nhất, chặt chẽ, tránh lạm dụng, ĐB đề nghị quy định chi tiết việc tạm đình chỉ trong các trường hợp này, cụ thể về mức độ, phạm vi xảy ra thiên tai, dịch bệnh; cách thức xử lý các vụ việc.
Phản hồi các ý kiến của ĐB, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho biết, qua thảo luận, đa số các ĐB bày tỏ sự đồng tình với việc dự luật sửa đổi theo hướng bổ sung trách nhiệm kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm cho công an xã. Thời gian qua, công an xã đã tăng cường lực lượng chính quy về cơ sở khá nhiều. Lực lượng này có thể giải quyết ngay tại chỗ một số tình huống, giảm áp lực quá tải cho công an huyện; đảm bảo an ninh, trật tự ở cơ sở cả trước mắt và lâu dài. Tuy nhiên, vẫn cần tiếp tục tính toán về nhân sự, tái đào tạo, đầu tư cơ sở vật chất với một lộ trình khẩn trương, tích cực. Đồng thời, khi công an xã được bổ sung trách nhiệm kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm thì viện kiểm sát nhân dân cấp huyện sẽ dùng biện pháp nghiệp vụ để kiểm sát chặt chẽ hoạt động này của công an xã.
Cần làm rõ khái niệm hợp đồng vô hiệu
Cuối buổi sáng 25-10, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).
ĐB Lê Thanh Phong (TPHCM), Chánh án Tòa án nhân dân TPHCM, góp ý, dự thảo cần bổ sung các quy định liên quan, nhất là việc chuyển ngoại tệ trong nước ra nước ngoài thanh toán phí bảo hiểm, tiền từ nước ngoài vào Việt Nam để thanh toán bồi thường tổn thất; điều kiện để hoạt động các dịch vụ bảo hiểm qua biên giới.
Về hợp đồng bảo hiểm vô hiệu, dự thảo quy định “tại thời điểm giao kết hợp đồng, đối tượng bảo hiểm không tồn tại”. Để bảo vệ quyền lợi cho bên mua bảo hiểm, ĐB Lê Thanh Phong đề nghị cần làm rõ “đối tượng bảo hiểm không tồn tại” được hiểu là “không có đối tượng bảo hiểm” hay là “đối tượng bảo hiểm không tồn tại về mặt vật lý”? Nếu được hiểu “không có đối tượng bảo hiểm” thì quy định hợp đồng vô hiệu là hợp lý. Nhưng, “đối tượng bảo hiểm không tồn tại về mặt vật lý” lại là chưa phù hợp, bởi vì có những tài sản hình thành trong tương lai (ví dụ là nhà ở), cũng được xem là một loại tài sản được bảo hiểm. Tại thời điểm giao kết hợp đồng, nhà ở chưa hề tồn tại (về mặt vật lý). ĐB Nguyễn Minh Đức (TPHCM), Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh, cũng cho rằng, khái niệm “hợp đồng vô hiệu” trong dự thảo luật là “khá trừu tượng, khó hiểu” sẽ dẫn đến lúng túng và bất nhất khi thực thi.
“Mỏ vàng” dữ liệu thống kê số quốc gia
Chiều 25-10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê. Nhiều đại biểu (ĐB) cho rằng, cơ quan soạn thảo cần rà soát, cân đối số lượng chỉ tiêu giữa các nhóm. Hiện nay có 3 nhóm rất quan trọng nhưng số lượng chỉ tiêu thấp như giáo dục (4 chỉ tiêu), khoa học và công nghệ (6 chỉ tiêu), doanh nghiệp, cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp (6 chỉ tiêu). Đồng thời, ban soạn thảo cần nghiên cứu tách riêng nhóm chỉ tiêu “bình đẳng giới” không ghép cùng lĩnh vực lao động, việc làm; bổ sung nhóm chỉ tiêu riêng cho “kinh tế số, chuyển đổi số”; làm rõ khái niệm, nội hàm, quy định cụ thể về đo lường quy mô nền kinh tế số, đóng góp của các ngành vào kinh tế số, hạch toán tài khoản quốc gia, cán cân thanh toán…
ĐB Nguyễn Anh Tuấn (TPHCM) cho rằng, dự thảo luật nhằm cung cấp chỉ số thống kê chính xác về các tình hình kinh tế - xã hội, phục vụ điều hành đất nước chính xác hơn. Dự báo, thống kê, đánh giá tình hình là rất quan trọng, cấp thiết, nhưng hiện nay tình trạng thống kê, dự báo, các chỉ số còn nhiều bất cập, nhất là trong dự báo các chỉ tiêu thực hiện của năm. Thông thường, đến tháng 3 năm sau mới đánh giá được tình hình của năm trước, nên tính kịp thời không cao. Do đó, đề nghị thống kê mang tính dự báo cần sát hơn để có thể đưa ra các giải pháp điều hành cho năm sau.
ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) thẳng thắn cho rằng, số liệu thống kê rất quan trọng vì ảnh hưởng rất lớn đến việc đưa ra các quyết định, điều hành, kể cả trong quản trị đất nước nói chung, quản trị kinh doanh nói riêng. Vì vậy, cần xây dựng hệ thống dữ liệu thống kê số quốc gia để số liệu thực sự là “mỏ vàng lộ thiên” nhằm khai thác các tài nguyên số liệu quốc gia.