Đại biểu (ĐB) Nguyễn Tiến Nam (tỉnh Quảng Bình) ủng hộ đề xuất của Viện KSND Tối cao về bổ sung trách nhiệm kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm đối với lực lượng công an xã.
ĐB cho rằng, hiện nay, chúng ta có hệ thống công an xã khá hoàn chỉnh, có vị thế trong hệ thống công an cả nước và có chức năng, nhiệm vụ theo quy định. Trong khi vấn đề tội phạm ở nông thôn (chủ yếu là cấp xã) rất phức tạp, việc trao trách nhiệm xử lý ban đầu tin báo tố giác tội phạm cho công an xã là rất cần thiết và đáp ứng kịp thời theo quy định của luật.
Tuy nhiên, dự thảo cũng cần hoàn thiện thêm các quy định yêu cầu công an xã nâng cao trách nhiệm phục vụ nhân dân, gắn với dân, phối hợp tốt với các lực lượng khác tại cấp cơ sở.
Chưa đồng tình với việc sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 155 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) về Khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại và khoản 8 Điều 157 BLTTHS về không khởi tố vụ án hình sự đối với tội “xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với cả nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý”, ĐB Nguyễn Mạnh Cường (tỉnh Quảng Bình), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp phân tích: “Hiệp định CPTPP quy định, các quốc gia thành viên cho phép cơ quan có thẩm quyền có thể chủ động thực hiện hành động pháp lý mà không cần có khởi kiện chính thức từ người thứ ba hay chủ thể quyền đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp về nhãn hiệu. Hiệp định không đặt ra yêu cầu đối với chỉ dẫn địa lý. Như vậy, giữ nguyên như hiện hành không trái với CPTPP. Nên trao quyền cho bị hại lựa chọn giải pháp xử lý”.
Bên cạnh đó, có cùng quan điểm với ĐB Phạm Thị Xuân (Thanh Hoá), ĐB Nguyễn Mạnh Cường cho rằng, việc sửa đổi nêu trên phải tuân thủ quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL). Đây không phải trường hợp cấp bách được thông qua theo trình tự thủ tục rút gọn, nên cần phải thực hiện đúng quy trình, đặc biệt là phải lấy ý kiến doanh nghiệp, các đối tượng liên quan.
Đình chỉ vụ án do thiên tai dịch bệnh là một nội dung quan trọng khác được nhiều ĐB đề cập. Theo Tờ trình, Viện KSND Tối cao cho biết, trước tình hình thiên tai, lũ lụt nghiêm trọng xảy ra ở một số địa phương thời gian qua và diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 hiện nay, nhất là trong bối cảnh thực hiện triệt để việc giãn cách theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, việc khởi tố, điều tra, truy tố nhiều vụ việc, vụ án hình sự gặp khó khăn, bị trì hoãn do không thể tiến hành được các hoạt động tố tụng.
Do đó, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Khoản 1 Điều 148, Khoản 1 Điều 229, Khoản 1 Điều 247 BLTTHS theo hướng bổ sung căn cứ tạm đình chỉ “vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh”.
ĐB Nguyễn Mạnh Cường tán thành bổ sung quy định về tạm đình chỉ khởi tố, điều tra, truy tố thì trong bối cảnh dịch bệnh, tạo cơ sở pháp lý để giải quyết những khó khăn, vướng mắc cấp bách từ thực tiễn hiện nay cũng như khả năng phát sinh trong thời gian tới; bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân trong các trường hợp.
Việc này cũng tạo cơ chế tố tụng để các cơ quan tiếp tục theo dõi, quản lý được vụ án, vụ việc tạm đình chỉ theo quy định của pháp luật; đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm; tránh để xảy ra oan, sai; bỏ lọt tội phạm, người phạm tội.
Tuy nhiên, để bảo đảm áp dụng thống nhất, chặt chẽ, tránh lạm dụng, ĐB đề nghị quy định chi tiết việc tạm đình chỉ trong các trường hợp này, cụ thể về mức độ, phạm vi xảy ra thiên tai, cách thức xử lý các vụ việc tuy vẫn còn thời hiệu điều tra xét xử, nhưng thời gian vật chất không còn đủ..., bảo đảm chặt chẽ về nội dung, thống nhất với quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Luật Phòng, chống thiên tai và tuân thủ các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.