Theo đó, khoản 3, Điều 14 quy định “Trường hợp nổ súng theo quy định tại khoản 2 Điều này, cán bộ, chiến sĩ CSBVN phải cảnh báo bằng hành động, mệnh lệnh, lời nói hoặc bắn chỉ thiên trước khi nổ súng” để tránh áp dụng tùy tiện dẫn đến xâm phạm tính mạng, sức khỏe người khác.
Về vị trí, chức năng của Cảnh sát biển Việt Nam, đa số ý kiến nhất trí quy định CSBVN là lực lượng vũ trang nhân dân. Ông Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội – cơ quan được giao thẩm tra dự Luật - cho biết, quy định “CSBVN là lực lượng vũ trang nhân dân” là kế thừa Pháp lệnh lực lượng CSBVN năm 1998 và năm 2008; thực hiện hơn 20 năm qua không có vướng mắc và đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế, phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành.
Về nhiệm vụ của Cảnh sát biển Việt Nam, ông Võ Trọng Việt cho biết, có ý kiến đề nghị rà soát với các lực lượng khác có chức năng quản lý, tuần tra, kiểm soát, cứu hộ, cứu nạn trên biển để tránh chồng chéo hoặc bỏ trống nhiệm vụ và bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật; quy định rõ nhiệm vụ chủ trì, phối hợp của CSBVN và sắp xếp lại vị trí các khoản.
“Tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đã chỉnh lý nội dung các khoản để phân định rõ nhiệm vụ của CSBVN, tránh chồng chéo với nhiệm vụ của các lực lượng khác hoạt động trên biển, tạo thuận lợi trong tổ chức thực hiện; đồng thời, sắp xếp lại vị trí một số khoản của Điều này như dự thảo Luật”, người đứng đầu cơ quan thẩm tra cho biết.
Vẫn theo Chủ nhiệm Võ Trọng Việt, liên quan đến quyền hạn của CSBVN, có một số ý kiến còn băn khoăn về việc sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, đặc biệt là trường hợp nổ súng; dự thảo Luật đã được chỉnh lý khoản 2, khoản 3 Điều này theo hướng quy định viện dẫn Điều 14 và Điều 15 dự thảo Luật; đồng thời, rà soát, chỉnh lý nội dung của điều luật.